Năm 1954, Hiệp định Geneva tạm thời chia cắt nước ta thành hai miền nam - bắc qua Vĩ tuyến 17. Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau chia cắt của dân tộc ròng rã hơn 20 năm. Nằm ở Vĩ tuyến 17, vùng đất Vĩnh Linh thuộc bờ bắc sông Bến Hải với vị trí “đầu sóng ngọn gió”, “đứng mũi chịu sào” vào năm 1955 đã được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ quyết định thành lập thành một đơn vị hành chính đặc biệt (đặc khu) - “ngang với một tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương”, với tên gọi chính thức là Khu vực Vĩnh Linh. Kể từ đó, Vĩnh Linh vừa là đầu cầu giới tuyến, vừa là tiền đồn miền bắc xã hội chủ nghĩa và là hậu phương cho chiến trường miền nam.
Hơn 20 năm đất nước bị chia cắt, vượt lên bom đạn của kẻ thù, của nỗi đau li tán là khát vọng hòa bình, thống nhất non sông luôn chảy trong huyết quản của mỗi người dân nơi Vĩ tuyến 17.
Bước ra khỏi chiến tranh, những "vùng đất lửa" năm nào ở đôi bờ Bến Hải đã và đang đổi thay từng ngày, trở thành biểu tượng của niềm vui đoàn tụ, khát vọng hòa bình của thời đại.