Tìm lại chuẩn mực ca trù

Hà Nội hiện giờ có nhiều câu lạc bộ, giáo phường ca trù. Ca trù đang trên đường hồi sinh, nhưng với đào nương tài hoa Kim Ngọc, điều đó đem đến niềm vui xen lẫn nỗi lo, bởi khi phát triển “nóng” sẽ có thể có nhiều sai lạc. Bởi thế, biết rằng chặng đường còn gian nan, cô âm thầm nghiên cứu, tìm hiểu và tìm lại những chuẩn mực ca trù cổ.
0:00 / 0:00
0:00
Đào nương Kim Ngọc (ngồi giữa) trình diễn ca trù tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Đào nương Kim Ngọc (ngồi giữa) trình diễn ca trù tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Mấy năm gần đây, mỗi khi có liên hoan nghệ thuật ca trù, ca nương Kim Ngọc thường xuất hiện trong một vai trò mới: Dẫn học trò tham gia các cuộc tranh tài.

Vì thế, nhiều khi thay vì lên sân khấu, ca nương Kim Ngọc lại đứng sau cánh gà làm “đạo diễn”, hay đôi khi vào vai quan viên cầm roi chầu cho canh hát của học trò.

Ở một vai trò mới, khi là giảng viên bộ môn Nhạc cụ truyền thống (Trường đại học FPT Hà Nội), Kim Ngọc tìm thấy niềm vui khi trao đi tình yêu với ca trù.

Kim Ngọc chia sẻ: “Ở Trường đại học FPT, nghệ thuật truyền thống không phải môn chính. Ca trù vốn khó hiểu, không dễ nghe. Nhưng khi đem ca trù đến với các em, nhiều em say mê và tỏ ra có năng khiếu. Có những em say mê và dành nhiều thời gian tập luyện. Dù không dễ để trong số đó có những em phát triển thành những ca nương, kép đàn chuyên nghiệp, nhưng đó lại là những nhân tố lan tỏa nét đẹp ca trù trong đời sống, góp phần hình thành nên một lớp khán giả mới, biết thưởng thức cái hay, cái đẹp của ca trù mà bấy lâu chúng ta mất đi. Khi có khán giả biết thưởng thức thì sức sống ca trù mới thật sự bền vững”.

Ca nương Kim Ngọc là con gái của cố Nghệ sĩ Ưu tú Kim Sinh, danh cầm nhạc tài tử-cải lương. Dù tuổi thơ ít gần cha, nhưng cái gien âm nhạc truyền thống đã giúp cô thi đỗ vào Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Kim Ngọc biết đến ca trù qua người cha.

Dẫu vậy, ca trù với Kim Ngọc là mối “duyên muộn” và cũng rất nhiều trắc trở. Thuở ban đầu, khi Kim Ngọc đến “bái sư”, nghệ nhân ca trù tài danh Nguyễn Thị Chúc (Câu lạc bộ Ca trù Ngãi Cầu, huyện Hoài Đức) đã từ chối thu nhận.

Kim Ngọc ngưỡng mộ tài năng của cụ Chúc và tìm các băng, đĩa của cụ Chúc học theo. May mắn đã đến khi Học viện Âm nhạc mở một khóa tập huấn ca trù, cụ Chúc được mời lên giảng dạy, Kim Ngọc đăng ký theo lớp tập huấn đó. Đến ngày báo cáo kết quả học tập, Kim Ngọc lên trình diễn với các thầy đều là những ca nương, kép đàn lừng danh.

Xong phần trình diễn, cụ Chúc gọi Kim Ngọc lại hỏi: “Cô học hát của thầy nào đấy?”.

Kim Ngọc bẽn lẽn trả lời: “Con học của cụ”.

Cụ Chúc rất cảm động. Cụ cũng hiểu cô học trò này đã dày công âm thầm học theo lối ca trù của mình. Thế là từ đó, cứ cuối tuần, Kim Ngọc lại đồ nghề vào Ngãi Cầu để được cụ Chúc trao truyền.

Người thầy lớn thứ hai trong nghiệp ca trù của Kim Ngọc là nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Các nghệ nhân lớp trước thường dạy học trò theo lối thầy thị phạm, trò làm theo, dần dần đến khi đạt độ chín thông qua kiên trì rèn luyện, nhưng thầy Bùi Trọng Hiền lại đem đến cho Kim Ngọc một nhận thức mới khi thầy đã phân tích đến “đường tơ kẽ tóc” của tiếng phách, trong từng nhịp, từng khổ.

Nhờ thế, Kim Ngọc có thể tự mình nghe và phân tích rành rẽ từng nhịp phách của các danh ca thuở trước để học theo.

Vừa được thọ giáo bởi thầy giỏi, lại vừa được tiếp cận ca trù từ góc độ học thuật, cho nên cách thể hiện ca trù của Kim Ngọc có sự khác biệt. Cỗ phách trong tay của Kim Ngọc không chỉ chuẩn mực mà còn có độ “phiêu” khi cô hòa mình cùng tiếng “tùng dếnh” đàn đáy và nhịp roi chầu. Những canh hát của Kim Ngọc không đơn thuần là diễn, mà đi kèm những câu chuyện về chiều sâu của văn hóa ca trù thuở trước.

Với bề dày vốn liếng như thế, năm 2018, khi liên hoan ca trù toàn quốc diễn ra ở Hà Tĩnh, Kim Ngọc đã lên sân khấu đại diện cho Đoàn Hà Nội với bài Non mai hồng hạnh - một bài ca trù rất khó và gắn với tên tuổi nhiều “tượng đài” trong làng ca trù, nhưng Kim Ngọc đã thuyết phục được ban giám khảo gồm toàn những nhà nghiên cứu và ca nương, kép đàn tài danh.

Năm đó, Kim Ngọc giành Giải A cho hạng mục Đào nương Tài năng.

Hà Nội hiện giờ có nhiều câu lạc bộ, giáo phường ca trù, tuy nhiên phần lớn lớp đào nương, kép đàn am hiểu sâu sắc về ca trù đã khuất núi cho nên thiếu người thẩm định cái hay, cái dở của các đào nương ca trù, mà nếu cứ phát triển như thế, sẽ có nguy cơ sai lạc.

Vừa giảng dạy, Kim Ngọc vừa nghiên cứu, học hỏi để tìm lại những chuẩn mực của ca trù cổ. Khi những nghệ nhân lớp trước dần vắng bóng thì Kim Ngọc thường nghe tiếng phách, giọng ca, tiếng đàn của các cố nghệ nhân, để hiểu cái hay, cái đẹp của các cụ.

“Có những loại hình nghệ thuật truyền thống người ta nói nhiều đến phát triển, thậm chí sáng tạo. Còn với ca trù, do nhiều nguyên nhân cho nên loại hình nghệ thuật này bị “mất mát” khá nhiều. Do đó, tìm lại những chuẩn mực xưa chính là xây lại cái nền móng cho vững, để từ đó, ca trù có thể tồn tại và phát triển theo đúng nghĩa trong tương lai”, ca nương Kim Ngọc chia sẻ.