Giữ hồn sênh, phách cho ca trù Thượng Mỗ

Vừa làm thầy dạy cho ca nương, vừa hướng dẫn các ngón đàn đáy cho kép đàn. Không chỉ dạy miễn phí, mà còn bỏ tiền mua trang phục cho các cháu nhỏ để các cháu gắn bó với ca trù. Hiếm nghệ nhân nào phải "đóng" nhiều vai như nghệ nhân Nguyễn Thị Tam suốt mấy chục năm ròng như thế. Nhờ đó mà ca trù Thượng Mỗ hồi sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Tam biểu diễn cùng học trò trên sân khấu.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Tam biểu diễn cùng học trò trên sân khấu.

Liên hoan Ca trù Hà Nội 2022 mới diễn ra, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam lên sân khấu không chỉ một, mà gần như tất cả tiết mục của Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng). Nhưng bà không… đi thi. Nghệ nhân cao tuổi xuất hiện trên sân khấu trong một vai trò khá xa lạ - một kép đàn, cho dù bà vốn là một đào nương. Bà xuất hiện trên sân khấu một phần là để động viên mấy đào nương trẻ của Thượng Mỗ. Đại diện Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Thượng Mỗ tham gia liên hoan lần này đều là những ca nương trẻ, điều mà chỉ ít năm trước, khó ai hình dung được. Đó chính là "sản phẩm" sau bao nhiêu năm tâm sức của nghệ nhân Nguyễn Thị Tam.

Dân gian truyền rằng, vào thế kỷ thứ XVII, thời Lê Trung hưng, ở xã Thượng Mỗ, dòng họ Nguyễn Duy có người con gái kỳ tài tên là Nguyễn Thị Hồng rất mực hiền thục, tư chất thông minh. Bà được vua cho vào cung, giao phụ trách các phi tần, dạy nhạc trong nội điện; đặc biệt là dạy hát ca trù phục vụ những ngày đại lễ. Bà được gọi là "Bà chúa ca trù". Dòng họ Nguyễn Duy sau đó sản sinh nhiều thế hệ là những bậc thầy về ca trù. Cụ Nguyễn Thị Chán là ca nương tài danh một thời chính là người thân sinh bà Tam. Năm 1958, khi mới 8 tuổi cô bé Tam đã theo mẹ đi hát. 12 tuổi đã rành rẽ hàng chục thể cách ca trù cổ. Bản thân các anh của bà Tam cũng là những kép đàn tài danh.

Nhưng rồi ca trù có thời chìm vào quên lãng. Cầm trong tay cỗ phách người mẹ trao truyền trước lúc lâm chung mà lúc nào bà Tam cũng thấy nặng lòng. Những năm ca trù bị lãng quên, bà vẫn một mình lôi cỗ phách ra rèn luyện, cho đỡ mất giọng, cho khỏi nhớ tiếng phách sênh đã ăn vào máu thịt. Sự thay đổi nhận thức về ca trù không phải ngày một, ngày hai. Đến những năm 1990, ca trù mới bắt đầu được quan tâm trở lại. Được quan tâm rồi, nhưng chủ yếu là với một số nhà nghiên cứu. Ca trù vẫn không có đất diễn, cả xã hội thấy xa lạ, chẳng khác gì một thứ âm nhạc… từ trên trời rơi xuống. Nhưng bà Tam thấy cơ hội đã hé mở. Bà vận động những gia đình có các cháu bé lên 8, lên 10 đến với bà, bà hướng dẫn những ngón đàn điệu hát. Ca trù không "dễ nghe" như các thể loại dân ca khác. Lời ca trù cổ kính, âm điệu trầm phảng phất buồn, không phù hợp với giới trẻ. Nhiều gia đình cũng ngần ngại không muốn gửi con theo học. Nhưng rồi dần dần mọi người hiểu ra giá trị ca trù. "Dàn" học viên theo học bà Tam ngày một đông hơn. Nhiều người ban đầu chưa thấy cái hay của ca trù, nhưng thấy hàng xóm cho con học, cũng cho đi theo, đơn giản vì nghĩ bọn trẻ sẽ đỡ nghịch ngợm hơn. Khoảng những năm 2000, khi nhiều nơi ca trù vẫn còn xa lạ, thì ở Thượng Mỗ, CLB Ca trù đã ra đời. Thời đó, bà Tam là Phó Chủ nhiệm CLB. Thế rồi, thấy con cái luyện phách, luyện đàn đầy say mê, phong thái bọn trẻ tự tin, đĩnh đạc dần, người ta mới dần cảm thông và mến mộ tấm lòng bà Tam… Bà Tam bắt đầu mỉm cười khi thấy những cô bé mười một, mười hai tuổi xếp bằng trên chiếu hoa, đôi tay đổ giòn nhịp phách và bắt đầu nhả chữ buông câu với những "Hồng hồng, tuyết tuyết, mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi…".

Lớp học ca trù bà Tam khi thì tổ chức tại nhà, khi đông thành viên thì tổ chức tại đình làng Đại Phú (xã Thượng Mỗ). Hiện giờ, CLB có đến hơn 50 thành viên, cả những người ở xã khác cũng đến xin học. Học ca trù khó, vì kỹ thuật nhả chữ, buông câu, mà ca nương còn phải cầm cỗ phách trong tay. Ca nào-phách nấy phải đúng khuôn khổ. Thế nên rèn được một ca nương tròn vành rõ chữ là rất khó. Đã vậy, cần phải giảng giải ý nghĩa của những bài ca trù. Nếu cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của những bài thơ ca trù, thì ca nương sẽ thể hiện có chiều sâu hơn. Nào là Vịnh tỳ bà, Nợ tang bồng, nào là Tự tình, Hương sơn phong cảnh… của các nhà thơ tài danh. Thành ra công việc càng vất vả, nhất là khi phải truyền tải những lời thơ cổ đến các cô bé, cậu bé ăn chưa no, lo chưa tới. Đã thế, có khi bà Tam còn sắm quần áo cho các cháu đi biểu diễn. Chưa hết, anh trai bà Tam vốn là kép đàn cự phách nhưng đã qua đời. Kép đàn Thượng Mỗ không còn, nhưng việc truyền dạy cho các thế hệ sau cũng không thể dừng lại. Nhớ lại những bí quyết mà mẹ và anh truyền dạy cho lúc trước, bà Tam lại cố gắng một mình vừa làm ca nương, vừa làm kép đàn để dạy cho các cháu. Bà cũng kiêm luôn người dạy trống chầu.

Bà Tam ca trù là một trong số rất ít người được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Ca trù Hà Nội đang hồi sinh. Và không thể không nói đến những đóng góp bền bỉ của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Tam, suốt một chặng đường dài, để ca trù đi "từ không đến có" như thế.