Gìn giữ hát múa Ải Lao

Cuối năm 2022, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã vinh danh một nghệ nhân đặc biệt - ông Nguyễn Văn Lũy (phường Phúc Lợi, quận Long Biên), người có công lớn trong việc hồi sinh và gìn giữ nghệ thuật hát múa Ải Lao.
0:00 / 0:00
0:00
Hát múa Ải Lao được gìn giữ đến hôm nay nhờ có đóng góp của Nghệ nhân Nguyễn Văn Lũy.
Hát múa Ải Lao được gìn giữ đến hôm nay nhờ có đóng góp của Nghệ nhân Nguyễn Văn Lũy.

Khi lên nhận danh hiệu Nghệ nhân, ông Nguyễn Văn Lũy đã phải ngồi xe lăn nhưng trí nhớ vẫn minh mẫn. Riêng về hát múa Ải Lao, ông vẫn nhớ rành mạch từng chi tiết trong những câu chuyện xưa. Trong truyền thuyết Thánh Gióng, khi ông Gióng lên đường đánh giặc thì có cả đám trẻ mục đồng đi theo. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, sau khi Thánh Gióng bay về trời, thấy bà mẹ Gióng buồn, cho nên đám trẻ chăn trâu ấy đến múa hát cho bà vui. Những câu hát, điệu múa của đám trẻ chăn trâu ấy chính là hát múa Ải Lao - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Còn theo các nhà nghiên cứu, điệu múa này có nguồn gốc từ nước Lào. Khi nước Lào không triều cống cho nước Việt Nam nữa, triều đình giao cho người dân ở ngôi làng nằm bên sông Ðuống tổ chức một đội hát xướng. Người làng Hội Xá (nay thuộc phường Phúc Lợi) chính là những người được giao phụ trách hát múa Ải Lao. Từ trước hội Gióng ở Phù Ðổng (diễn ra vào ngày mồng 9/4 âm lịch, huyện Gia Lâm), cả tháng trời, người làng đã luyện tập để đến ngày hội cử đoàn sang hát múa dâng Thánh.

Cũng như nhiều lễ hội dân gian khác, Hội Gióng từng có thời gian bị gián đoạn do chiến tranh và điều kiện xã hội, phường Ải Lao ở Hội Xá vì thế cũng có thời gian không được sang trình diễn ở hội. Theo ông Lũy, làng Hội Xá xưa kia có bốn giáp, mỗi năm một giáp sẽ chịu trách nhiệm tập luyện múa hát. Màn trình diễn múa hát có nhiều nhân vật, từ người đi câu cho đến ông hổ. Màn trình diễn rất phức tạp, gồm nhiều bài hát khác nhau. Minh họa cho các bài hát là những điệu múa của các nhân vật. Bởi thế, cùng với thời gian, nhiều bài hát, điệu múa có nguy cơ thất lạc. Ông Lũy đã được tham gia phường hát múa từ hồi còn là thanh niên. Ngày ấy, tất cả các bài hát, điệu múa đều được truyền miệng, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Nhưng cụ thân sinh ra ông Nguyễn Văn Lũy lại hay ghi chép lại các bài hát, ghi lại các tục lệ của phường Ải Lao. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Lũy khi đó đã học theo thói quen của cha, cũng tỉ mỉ tư liệu hóa các nghi thức, các bài hát. Bẵng đi một thời gian, khi hội Gióng được tổ chức trở lại, lúc ấy, ông Lũy được người dân coi như một kho tư liệu sống, còn cuốn sổ ghi chép của ông trở thành một tài sản quý, làm cơ sở cho việc phục dựng các điệu múa hát cổ.

Không dừng lại ở đó, Nghệ nhân Nguyễn Văn Lũy đứng ra xin phép chính quyền thành lập trở lại Phường Hát múa Ải Lao. Khi ấy, không phải ai cũng hiểu giá trị Hội Gióng, giá trị của hát múa Ải Lao. Ðích thân ông Lũy đứng ra dìu dắt, dạy lại cho những thế hệ học trò mới. Lễ hội Gióng là một hội trận, mô tả lại chiến công của Thánh Gióng xưa kia. Sức mạnh của Thánh Gióng được thể hiện qua các "ông hiệu". Trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, phường Ải Lao tham gia nhiều khâu khác nhau, hát rất nhiều bài, mỗi bài có một nội dung khác nhau như: Hát khi vào đền dâng lễ trình; hát thờ đền Thượng; hát thờ đền Thánh Mẫu (thân mẫu Thánh Gióng); hát sử (kể lại sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng lời ca); hát về đền sau khi thắng trận... Các bài hát mang những lớp lang văn hóa, các câu chuyện lịch sử-văn hóa khá phức tạp. Nhưng nhờ việc ghi chép tỉ mỉ trước đây, cộng với nhiệt huyết, ông Nguyễn Văn Lũy đã truyền được đam mê và trách nhiệm cho những thế hệ sau này. Ðến năm 2016, Hát múa Ải Lao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Lũy là một trong những người phấn khởi nhất, bởi điều này góp phần làm cộng đồng hiểu hơn về một di sản quý báu mà bao năm ông và cha của mình đã cố gắng gìn giữ.

Những ngày này, các nghệ nhân phường Ải Lao lại luyện tập để chuẩn bị cho một mùa hội mới. Người ta qua sông Ðuống, đến bên đền Gióng ở làng Phù Ðổng để hát múa dâng Thánh. Những thành viên phường rối hôm nay đều do ông Lũy truyền dạy, hoặc là học trò của… học trò ông Lũy. Phường Ải Lao hiện nay có hơn 30 thành viên. Một trong số những học trò xuất sắc của ông là Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh, hiện là Trưởng phường Hát múa Ải Lao.

Hát múa Ải Lao đã tìm lại sức sống. Nhưng người nghệ nhân nay đã 102 tuổi vẫn cứ nặng lòng với di sản quê hương. Ông mong muốn trẻ hóa đội ngũ nghệ nhân, để di sản này trở thành nét văn hóa đến được cả với thế hệ con cháu hôm nay ■