Mang sinh khí mới cho nghề khảm trai

Dù tuổi đời còn trẻ nhưng nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn (làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, huyện Phú Xuyên) đã góp phần đem lại sinh khí mới cho nghề khảm trai Chuôn Ngọ. Anh là một trong những người tiên phong làm các sản phẩm khảm trai chân dung; đồng thời cũng là người ứng dụng công nghệ mở kênh giới thiệu nét tài hoa về khảm trai trên các nền tảng Facebook và YouTube. Hoạt động này giúp cộng đồng hiểu thêm về giá trị văn hóa, kinh tế của các sản phẩm khảm trai.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn thành công với công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo tay như khảm trai.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn thành công với công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo tay như khảm trai.

Không giống như nhiều nghệ nhân khác ở làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, sau những giờ “kỳ cạch” với những mẩu vỏ ốc, vỏ trai, nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn lại quay sang với công nghệ. Anh ghi hình các công đoạn của quy trình làm khảm trai, từ việc cắt, cưa những mẩu vỏ ốc, vỏ trai bé xíu, cho đến việc gắn lên các mảng gỗ để tạo thành “phôi” cho những bức tranh, rồi đến công đoạn tỉa các nét để tạo hình hài cho các chi tiết trên sản phẩm… Tuấn chỉnh sửa các clip rồi đem giới thiệu trên YouTube và Facebook.

Chỉ riêng kênh YouTube của Tuấn đã có hàng trăm clip khác nhau, vừa giới thiệu những sản phẩm có tính độc đáo, vừa giới thiệu các kỹ thuật khó trong nghề khảm trai - điều mà trước đây chưa có người nào ở Chuôn Ngọ thực hiện. Nhiều người khi thấy những chiếc giỏ ấm, chiếc hộp trà… kích cỡ xinh xắn, nhưng giá khá cao đã chê đắt. Tuy nhiên, khi hiểu được sự phức tạp, tỉ mỉ của các công đoạn trong nghề khảm trai đã sẵn sàng mua những sản phẩm đó.

Chuôn Ngọ là làng nghề khảm trai truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Muốn theo nghề khảm trai, những yếu tố quan trọng nhất là sự khéo léo, óc thẩm mỹ và sự kiên trì. Bởi lẽ, các chi tiết tạo hình từ khảm trai đều rất nhỏ và phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Việc chế tác các mẩu vỏ trai, vỏ ốc có kích thước chỉ bằng đầu ngón tay, trên đó lại có nhiều chi tiết khiến người ta dễ nản lòng, cho dù có là người khéo tay đến mấy.

Sinh ra trong gia đình có bốn đời làm nghề khảm trai, ngay từ hồi còn rất trẻ, Nguyễn Thanh Tuấn đã say mê với công việc. Anh sẵn sàng ngồi lì cả mấy tiếng đồng hồ để chế tác sản phẩm, tìm ra những cách để có thể thể hiện sản phẩm một cách sinh động nhất. Ðến nay, khi tròn 38 tuổi, Tuấn đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, thời gian đầu mới học nghề, anh thường chọn làm những bức tranh khảm trai mang bản sắc dân gian, hay các bức tranh phong cảnh, sau này nhờ tính kiên trì, tỉ mỉ, khả năng học hỏi sáng tạo anh mới dần đi vào làm những sản phẩm tinh xảo và chất lượng cao hơn.

Từ chiếc vỏ ốc, vỏ trai, người thợ lấy lớp “tinh khiết” nhất - tức phần vỏ có mầu sắc rực rỡ nhất để cắt thành các chi tiết nhỏ. Nhưng các chi tiết đó mới ở dạng thô. Sau khi gắn lên trên gỗ, người thợ mới dùng con dao sắc, mài nhọn hai đầu để “tỉa”, tức là khắc lên vỏ trai, vỏ ốc các chi tiết nhỏ hơn nữa. Thí dụ khi tạo hình chân dung một nhân vật thì đây là công đoạn quyết định các chi tiết mắt, mũi, nếp nhăn…

Chính công đoạn này sẽ khiến các nhân vật trở nên có hồn. Sau khi khắc, nghệ nhân quét sơn ta để khiến các nét khắc đó có mầu đen. Ðộ nông sâu của các nét khắc có vai trò rất quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế nhất và phải những người thợ tay nghề cao mới có thể “tỉa” được những chi tiết sống động nhất. Tuấn kết hợp được cả hai yếu tố đó, đồng thời chịu khó học hỏi kinh nghiệm của nghệ nhân thế hệ trước nên không những thành công, mà còn nâng tầm được nghề khảm trai. Nghề khảm trai xưa chủ yếu chỉ khảm hoa lá, cảnh thiên nhiên, các linh vật… nhưng hiện nay, người Chuôn Ngọ đã khảm chân dung nhân vật. Người ta thường ước lệ khi khảm hoa lá, linh vật, nhưng để tạo hình chân dung đòi hỏi vừa phải giống, vừa có hồn.

Bằng đam mê của mình, Nguyễn Thanh Tuấn đã nghiên cứu các cách “tỉa” để làm sao các chi tiết trở nên tinh tế hơn, sinh động hơn. Sự kiên trì ấy được đền đáp khi ai cũng nhận thấy sản phẩm của Tuấn khác biệt. Nghĩ đến khảm trai chân dung, nhiều người tìm đến Tuấn, dù cho anh còn ở độ tuổi khá trẻ so với nhiều người làm nghề khác. “Làm tranh chân dung truyền thần khảm trai đòi hỏi người thợ phải có tay nghề rất cao và có kiến thức về mỹ thuật. Ðể có được điều đó ngoài tay nghề, bản thân tôi đã phải tự học các kiến thức về vẽ chân dung và ánh sáng. Mỗi sản phẩm chân dung chất lượng cao, tôi phải dành tới hai tuần để thực hiện”, Nguyễn Thanh Tuấn cho biết.

Với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, Nguyễn Thanh Tuấn đem lại những điều mới mẻ cho khảm trai Chuôn Ngọ. Nhờ việc miệt mài giới thiệu hằng ngày của Tuấn, nét đẹp của khảm trai Chuôn Ngọ ngày càng được cộng đồng biết đến, giúp quảng bá thương hiệu, giá trị làng nghề.