Nữ Nghệ nhân Ưu tú duy nhất của phường rối nước

Múa rối nước là công việc nặng nhọc, vất vả, nhất là khi thời tiết trở lạnh. Công việc đó thường được những người đàn ông gánh vác. Hơn nữa, xưa kia các cụ còn cấm đoán nữ giới học nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thỏa (bên trái) giới thiệu về rối nước Ðào Thục.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thỏa (bên trái) giới thiệu về rối nước Ðào Thục.

Nhưng với tình yêu và đam mê, bà Nguyễn Thị Thỏa (thôn Ðào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Ðông Anh, Hà Nội) đã vượt qua khó khăn, trở thành nữ nghệ nhân đầu tiên của Hà Nội được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực múa rối nước. Ðiều đặc biệt hơn, gia đình bà có đến bảy người cùng tham gia phường rối.

Bà Nguyễn Thị Thỏa sinh ra và lớn lên ở "quê rối" Ðào Thục. Từ những năm lên bảy, lên tám, cô bé Thỏa đã được xem biểu diễn rối nước và mê mẩn. Tiếng hát chèo vẳng ra từ những buổi diễn in đậm trong tâm trí cô.

Bà Thỏa nhớ lại: "Ngày ấy con rối như một báu vật của làng. Mỗi khi diễn xong, các cụ cất kín trong một cái bồ. Chúng tôi không biết con rối như thế nào. Nhưng vì mê quá, bọn trẻ chúng tôi lấy những cây bèo, bẻ rồi lắp thành con rối. Khi gắn đất với cây bèo thì con rối bèo cũng nổi lập lờ trên mặt nước. Thế là chúng tôi cũng đọc lời thoại để diễn". Những đam mê thủơ bé ấy phải gác lại khi hoàn cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, rối nước Ðào Thục cũng "ba chìm, bảy nổi".

Có lẽ do duyên nợ, bà Thỏa làm dâu một gia đình giàu truyền thống múa rối nước ở chính quê hương mình. Tuy nhiên, việc học rối nước của bà Thỏa phức tạp hơn bà tưởng rất nhiều.

Do không muốn lọt bí quyết điều khiển quân rối ra ngoài, người làng Ðào Thục không dạy múa rối nước cho phụ nữ. Bà xin gia nhập phường rối, nhưng chỉ được làm việc ở "tổ cạn", tức là tổ ở trên bờ đánh trống, đàn hát. Mãi đến năm 2005, Phường rối nước Ðào Thục mới họp bàn và quyết định cho bà Thỏa… xuống nước.

Lúc mới xuống nước bà Thỏa cũng hơi sợ. Lúc đó bà đã cứng tuổi nên đôi tay cũng cứng. Nhưng được thỏa mãn đam mê nên bà say sưa luyện tập. Lúc mới đầu, bà chỉ được cầm những quân rối đơn giản như con cá. Khi thuần thục rồi mới được chuyển sang điều khiển những quân rối phức tạp hơn.

Luyện tập với cả đam mê cho nên dần dần bà làm chủ việc điều khiển các con rối, gồm cả rối tay (điều khiển trực tiếp bằng đôi tay) và cả "rối máy" (dùng dụng cụ để điều khiển những quân rối ở xa, với những cử động phức tạp). Bà Thỏa là người phụ nữ đầu tiên ở Ðào Thục được múa rối nước. Và điều đó tạo động lực để hai cô em chồng cũng quyết tâm theo học và biểu diễn rối nước.

Thành công của bà Nguyễn Thị Thỏa không thể không nói đến yếu tố gia đình. Bố chồng bà là nghệ nhân Ðặng Minh Hải, sinh năm 1933, nguyên Phó trưởng phường múa rối nước Ðào Thục. Cụ đã từng tham gia hoạt động rối nước từ những năm 1950 của thế kỷ trước.

Chồng bà, ông Ðặng Văn Hưng là một nghệ nhân rối nước, cho nên bà nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của bố và chồng. Chồng nghệ nhân Nguyễn Thị Thỏa giờ là "lãnh đạo" của bà ở chính phường rối.

Ðược sự tín nhiệm của người dân và các nghệ nhân, ông Ðặng Văn Hưng được bầu làm Trưởng phường Rối nước Ðào Thục mấy năm nay. Nghề nghiệp chính của bà Thỏa là làm ruộng. Gia đình bà nhận sáu sào ruộng và bà là lao động chính.

Nhưng có lẽ hiếm có "bà nông dân" nào lại được đi lưu diễn khắp các tỉnh, thành phố cũng như cả những chuyến đi nước ngoài như bà Thỏa, đặc biệt là những năm gần đây, khi phường rối làm du lịch và phát triển thương hiệu.

Ðể vợ có thể yên tâm "công tác", ông Ðặng Văn Hưng luôn động viên vợ lên đường. Ông sẵn sàng chịu trách nhiệm công việc nhà cửa để vợ yên tâm xuất ngoại. Do đó, bà Thỏa không chỉ trưởng thành về tay nghề, mà còn có vinh dự đươc đem nét đẹp của rối nước Ðào Thục đi khắp các nơi.

Người dân địa phương gọi gia đình bà Nguyễn Thị Thỏa - ông Ðặng Văn Hưng là "gia đình rối nước", bởi ngoài hai vợ chồng còn có nhiều thành viên khác cùng tham gia sinh hoạt, biểu diễn. Ngoài ra, các con cháu của gia đình bà cũng đang theo học rối nước để tiếp nối bố mẹ giữ nghề.

Với những đóng góp của mình, năm 2019, bà Nguyễn Thị Thỏa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Gia đình bà có năm nghệ nhân được tặng "Kỷ niệm chương" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngày ngày bên cạnh công việc đồng áng, ở tuổi gần 60, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thỏa cùng các thành viên trong gia đình còn tuyên truyền vận động người dân địa phương, các nghệ nhân tiếp tục phát huy truyền thống, nguyện kế tục trung thành và xuất sắc nghệ thuật múa rối nước mà Tổ nghề và các thế hệ cha ông truyền lại. Nhiều cháu trong gia đình đã bắt đầu có thể biểu diễn tại địa phương. Ðây chính là điều tự hào nhất về "gia đình rối nước" của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thỏa.