Nét đẹp từ con dấu gỗ

Trên phố Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), có một cửa hàng khắc dấu gỗ nhỏ xíu. Chiều rộng của cửa hàng chỉ hơn 1m, nhưng lúc nào cũng có những vị khách xúm xít ngắm người thợ cặm cụi làm con dấu. Người thợ khắc dấu đó là ông Phạm Văn Toàn. Nhiều người Việt Nam không biết đến ông, nhưng ông lại khá nổi tiếng khi xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh ông Toàn (thứ hai từ phải sang) miệt mài khắc những con dấu gỗ đã thu hút nhiều khách du lịch khi tới phố cổ Hà Nội.
Hình ảnh ông Toàn (thứ hai từ phải sang) miệt mài khắc những con dấu gỗ đã thu hút nhiều khách du lịch khi tới phố cổ Hà Nội.

Phố Hàng Quạt nằm ở trung tâm phố cổ, là nơi có nhiều cửa hàng bán đồ thờ cúng. Nhưng cửa hàng khắc dấu gỗ của ông Phạm Văn Toàn rất dễ nhận ra. Bởi hầu lúc nào cũng có những khách hàng xúm xít vây quanh ông, nhất là các vị khách nước ngoài.

Nhiều người thích quan sát người thợ lành nghề với một vài con dao khắc và mẩu gỗ nhỏ xíu trong tay. Chỉ chốc lát, mẩu gỗ ấy trở thành một tác phẩm nghệ thuật xinh xắn theo yêu cầu của khách. Có thể là những hình ảnh về Hà Nội như Tháp Rùa, Ô Quan Chưởng, hình ảnh những cô gái trong bộ áo dài, hay những bông hoa sen… Cũng có thể là những hình ảnh, chữ viết theo yêu cầu của khách. Một đặc điểm nữa rất dễ nhận ra là cửa hàng của ông Toàn rất bé, chỉ rộng vài mét vuông. Những bức tường đều treo kín sản phẩm của gia đình ông, nào là khuôn bánh, nào là dấu gỗ, và cả những tờ giấy được đóng các loại dấu. Nó toát lên một vẻ cũ kỹ "rất Hà Nội". Ngay cả tấm biển với dòng chữ: "Khuôn bánh trung thu gia truyền Phúc Lợi" cũng nhiều năm không được chăm sóc. Nhưng đó có lẽ cũng là một trong những yếu tố khiến cửa hàng luôn đông khách.

Khắc gỗ vốn là nghề gia truyền của gia đình ông Toàn. Ông học nghề từ cha. Cha ông lại học nghề từ ông nội. Gia đình ông vốn làm nhiều thứ, cả khắc dấu lẫn làm khuôn bánh trung thu. Lớn lên, ông học đại học rồi theo nghề giáo. Từng nhiều năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen, nhưng đến đầu những năm 1990, khi đó lương nhà giáo thấp quá, không lo nổi cho cuộc sống gia đình, cho nên ông đã trở về với nghề gia truyền.

Vốn thạo nghề từ nhỏ, nay "nhất tâm" gắn bó với nghề, cho nên ông thoả sức với những sáng tạo cùng con dấu. Nhìn cách ông làm việc, người ta khó mà không "mê" được. Con dao khắc nhỏ xíu trong tay ông "đi" những đường rất ngọt. Những mẩu gỗ bong ra, để lại những họa tiết, những hình bé xíu. Cả một "bức tranh" được trình bày vẻn vẹn trên vài cm2. Ở tuổi 70, đôi bàn tay ông vẫn thoăn thoắt khoét những mẩu gỗ nhỏ. Ðôi khi, cảm giác như ông "nhìn" bằng chính đôi tay của mình thay cho đôi mắt. Ông Phạm Văn Toàn cho biết: "Thời xưa, chủ yếu dấu gỗ có hai loại: vuông và tròn, để khắc chữ triện hoặc hoa văn trong tín ngưỡng của người Việt. Nhưng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, để biến thành một món quà lưu niệm, thì tôi đưa nhiều hình ảnh, hoạ tiết, hoa văn lên con dấu. Có những người đặt khắc cả chân dung của họ".

Con dấu không chỉ dùng trong văn bản hành chính nhà nước. Từ xưa, những con dấu đã có mặt trong những thú chơi, nhất là trong vẽ tranh, chơi thư pháp. Xã hội đổi thay, có quãng thời gian những thú chơi này gần như đứt đoạn. Hà Nội vốn có hàng chục nghề thủ công mỹ nghệ. Nhiều nghề hiện nay đã không còn cũng vì những thay đổi ấy.

Có những quãng thời gian, khi kinh tế khó khăn tưởng chừng nghề khắc dấu cũng đã biến mất, nhưng như câu chuyện của ông Toàn, chính những sáng tạo đã giữ nghề xưa ở lại. Những con dấu gỗ thường được làm bằng gỗ thừng mực, vừa mềm để dễ tạo hình những đường nét nhỏ, lại vừa có độ dai để bảo đảm độ bền. Sau đó, người thợ tạo "phôi", tức hình dáng cơ bản của con dấu. Khó nhất là công đoạn cuối cùng - khắc dấu. Với những mẫu phổ thông, người thợ chỉ cần ít phút có thể cho ra thành phẩm. Nhưng những mẫu phức tạp, nhất là chân dung người, thì người thợ mất nhiều thời gian. Nếu để "biết khắc" thì chỉ mất vài tháng. Nhưng nếu để lành nghề, khắc được những hoạ tiết khó, khắc chân dung có hồn thì một người có hoa tay muốn lành nghề cũng phải mất đôi, ba năm mới điều chỉnh bàn tay cho ra những con dấu như ý được.

Thấy những con dấu gỗ của ông Toàn được quan tâm, đông khách mua hàng, nhiều người ở phố cổ cũng đến với nghề khắc dấu. Chỉ một góc nhỏ là có thể hình thành một "cửa hàng" khắc dấu riêng cho mình. Hỏi ra thì mới biết, nhiều người trong số đó là… con cháu trong họ, hoặc học trò của ông Toàn. Mấy chục năm gắn bó với những mẩu gỗ nhỏ bé, ông Toàn có niềm tự hào riêng. Ðó là ngày càng nhiều khách du lịch tìm đến dấu gỗ, tìm đến cửa hàng của ông. Nhờ thế mà những nét đẹp văn hoá Việt, văn hoá Thủ đô được lan toả đến bạn bè quốc tế.