Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến từng nhiều năm công tác tại báo Hà Nội mới. Ông đã về hưu từ lâu, nhưng lúc nào cũng bận rộn với công việc nghiên cứu, với sách vở. Mới đây nhất, ông cho ra đời hai cuốn sách: Hà Nội còn một chút này và Qua đêm ở nhà các Vua Nguyễn, làm dày lên những nghiên cứu, sáng tác về Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại Hà Nội. Cả cuộc đời ông gắn bó với thành phố quê hương, chứng kiến những năm tháng chiến tranh, rồi những bước phát triển của thành phố sau thời kỳ đổi mới cùng biết bao biến động về văn hóa-xã hội khác; lại có hơn 30 năm làm báo, những điều này không chỉ nuôi lớn tình yêu Hà Nội trong ông mà còn là điều kiện lý tưởng để ông hình thành cái nhìn có chiều sâu về văn hóa, con người, cuộc sống Hà Nội. Ông chia sẻ: “Tôi có may mắn làm việc hơn 30 năm tại báo Hà Nội Mới, chỉ cách Hồ Gươm chừng 10 mét. Mở cửa sổ là thấy ngay hồ, rồi có thể nhìn trọn từ vị trí bến tàu điện cũ cho đến hết phố Hàng Khay. Những khi mệt mỏi, tôi đi bộ quanh hồ một vòng để lấy lại tinh thần. Những lúc khác, từ cơ quan, tôi cùng bạn bè hay ngồi cà-phê tại những quán ven hồ”.
Sớm phải lòng Hà Nội, cho nên từ thời trẻ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến luôn sưu tầm những tư liệu cũ để tìm hiểu về Thủ đô. Đồng thời, ông cũng lăn lộn thực tế, gặp gỡ nhiều lớp người Hà Nội khác nhau. Dần dần, nhà văn tích lũy được khối lượng kiến thức khổng lồ. Kiến thức đó được kết tinh thành hàng loạt cuốn sách khảo cứu về Hà Nội lần lượt ra đời. Tiêu biểu các cuốn như: Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Dọc ngang Ba Vì, Hà Nội còn một chút này, Chuyện quanh quanh Dâm Đàm… Trong đó cuốn Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2012. Không chỉ khảo cứu, ông còn viết văn, viết kịch bản phim, lời bình… và chủ đề chính vẫn là về Hà Nội. Những sáng tác văn học của ông được nhiều người biết đến như: Lính Hà, Mong manh, Me Tư Hồng... Trong đó, cuốn Me Tư Hồng viết về một nhân vật, liên quan đến một thời kỳ đặc biệt của Hà Nội. Bà Tư Hồng là người có nhiều đời chồng, được biết đến với cái tên Me Tư Hồng do lấy một sĩ quan người Pháp. Me Tư Hồng chính là người trúng thầu việc phá dỡ thành Hà Nội và dùng vật liệu đó để xây nhiều biệt thự. Điều này cho thấy ngay cả trong sáng tác văn học, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng luôn đau đáu với những tìm tòi, những góc nhìn khác nhau về sự thay đổi của Hà Nội qua các thời kỳ.
Các cuốn khảo cứu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến luôn có sự tỉ mỉ, giàu tính quan sát. Thí dụ trong Hà Nội còn một chút này, ông dành khá nhiều bài viết lý giải về những câu chuyện quanh hồ Hoàn Kiếm như: Vì sao nước Hồ Gươm có màu xanh, Vì sao gọi là Bờ Hồ, Hồ Gươm còn một chút này… Chỉ với chùm bài này đã đủ thấy, ông có một Hồ Gươm mang diện mạo riêng khác so với bao điều đã có, đã biết. Ông cũng kể nhiều câu chuyện bắt đầu từ việc nêu các câu hỏi như: Tên Kẻ Chợ có từ bao giờ?, vì sao trường học lại trồng phượng?, vì sao thành Hà Nội bị phá?… Hay cả những câu hỏi lạ lùng khác về những quảng trường, những con phố, những món quà sáng, những thú chơi xe, chơi chó, chơi xổ số… của cư dân Thủ đô qua các thời kỳ.
Về quá trình nghiên cứu, sáng tác các tác phẩm về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: “Tôi luôn cố gắng làm những thứ gì mà mọi người chưa biết hoặc ít biết, hay nhìn ở các góc độ khác nhau để thành phố đa chiều hơn, như vậy tính khách quan sẽ cao hơn”. Khác với mọi người thường chỉ đề cập đến mặt tích cực, theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, tình yêu Hà Nội bao gồm cả những điều trong quá khứ và hiện tại, cả những cái hay và những điều chưa trọn vẹn. Bởi thế, các tác phẩm của ông không chỉ có những mảng màu đẹp mà có thể còn có những tồn tại trong cuộc sống mà thành phố cần giải quyết. Đó là, tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, phố xá chật hẹp, khó khăn trong giải phóng mặt bằng… Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023 là sự tôn vinh xứng đáng dành cho những đóng góp của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến ■