Vượt qua tục cổ tìm lại hát dô

Xứ Đoài là một miền cổ tích với nhiều điều bí ẩn. Ở Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai, Hà Nội) xưa kia có tục lệ 36 năm mới tổ chức lễ hội hát dô một lần. Lời nguyền ấy không ai dám vượt qua, khiến cái hay, cái đẹp hát dô có nguy cơ biến mất. Chấp nhận những “rủi ro” có thể đến, bà Nguyễn Thị Lan đã đi tìm lại những điệu hát dô suốt 30 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan (ngoài cùng bên phải) cùng các “con hát” trong Câu lạc bộ hát dô Liệp Tuyết.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan (ngoài cùng bên phải) cùng các “con hát” trong Câu lạc bộ hát dô Liệp Tuyết.

“Bà Lan hát dô” vừa mới được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, danh hiệu cao quý nhất dành cho những người gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của nước ta. Nhận được những lời chúc mừng từ nhiều người, bà bảo: “Tôi cũng không ngờ có ngày được ghi nhận, lâu nay, cứ chỉ nghĩ vốn quý của quê mình thì mình gìn giữ thôi, đâu dám nghĩ đến vinh danh bao giờ. Vinh dự nhưng mà cũng lo lắng, vì thấy trách nhiệm của mình nhiều hơn”. Cuối năm cũng là khi nghệ nhân Nguyễn Thị Lan bận rộn hơn, khi cùng các “con hát” chuẩn bị cho mùa hát hội sang năm.

Hát dô là một loại hình diễn xướng dân gian, gắn với lễ hội đền Khánh Xuân (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh. Không biết có từ bao giờ, cứ 36 năm, hội hát dô mới được tổ chức một lần. Trước kỳ tổ chức hội hát, đền Khánh Xuân mở cửa để dân làng làm lễ xin thánh cho mở sách, sao chép bài hát để kén người tập luyện. Đội hình múa hát, có một đến hai người làm “cái” lĩnh xướng, từ 8 đến 20 nữ làm “con hát” và múa phụ họa. “Cái” mặc áo the, khăn xếp; “con hát” tóc vấn đuôi gà, cổ đeo chuỗi hạt vàng, mặc áo năm thân. “Cái” xướng và điều chỉnh bằng tiếng sênh, “con hát” vừa hát vừa múa phụ họa nội dung từng đoạn như chèo đò, bắn cung, hái hoa, dệt cửi... Lời ca cầu thánh ban phước lành, kể chuyện thiên nhiên, mô tả cảnh sinh hoạt... Theo tục lệ xưa, con hát là các thanh nữ trẻ tuổi, chưa chồng, gia đình không có “bụi” (để tang người thân). Sau kỳ hát hội, người dân lại cất kỹ tất cả các tư liệu, đạo cụ múa hát, không ai được nhắc đến nữa. 36 năm sau, khi mở hội, lại mở ra để… tập lại từ đầu. Mọi người truyền nhau rằng nếu ai hát dô vào ngày thường sẽ bị thánh trừng phạt.

Nếu ở những vùng quê khác, người ta thường gắn bó với những làn điệu dân ca, khi lớn lên bằng sự nuôi dưỡng của chính những làn điệu ấy, thì bà Lan… chưa nghe hát dô bao giờ. Lần hội đền Khánh Xuân gần nhất có tổ chức hát dô là năm 1926. 36 năm sau, là thời điểm đất nước đang có chiến tranh, hội không được tổ chức nữa. Lại thêm 36 năm nữa, tư liệu thất lạc dần, đặc biệt là cuốn sách cổ về hát dô vốn để thờ thánh bị thất lạc, người xưa cũng không còn nhiều. Những màn hát hội có nguy cơ biến mất hẳn. Đúng lúc ấy Sở Văn hóa Hà Tây (trước đây) cử người tìm về những điệu hát dô. Bà Lan khi ấy là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Liệp Tuyết, bà được nghe giải thích về hát dô, hiểu được cái hay, cái đẹp của làn điệu dân ca quê hương mình, bà tham gia cùng cán bộ văn hóa tìm lại hát dô. Khi cán bộ văn hóa rời đi, nhưng “dự án” không kết thúc, bà vẫn cặm cụi công việc của mình. Chỉ còn ba cụ cao tuổi tham gia hội hát dô năm 1926, bà hỏi han các cụ để ghi lại các tư liệu, nhằm khôi phục hát dô. Nhưng lúc ấy cũng là lúc khó khăn thật sự bắt đầu. Người dân tin vào tục lệ cũ, rất sợ con cháu tham gia xảy ra điều gì bất trắc, thậm chí ảnh hưởng cả tính mạng như lời đồn thổi bấy lâu. “Nhiều người ngăn cản không cho con cháu tham gia. Có khi, thấy tôi đến nhà, họ đã tìm cách né tránh. Đi đâu người ta cũng xì xào. Lúc đó, áp lực rất lớn. Tôi phải giải thích cặn kẽ những giá trị câu hát quê mình. Rồi bản thân tôi hằng ngày tập hát mà cũng có bị tai họa gì đâu. Dần dần mọi người hiểu ra, mới từng bước ủng hộ, không còn ngăn cấm con cái tham gia nữa”.

Trong nhà bà Lan đầy những sổ sách ghi lại những tư liệu xưa, những cung cách tổ chức. Sau khi cùng các cháu nhỏ luyện tập, phải đợi các cụ cao niên “duyệt” nữa thì mới coi như khôi phục xong. May sao, trong quá trình ấy thì cuốn sách thờ được tìm lại, việc sưu tầm tư liệu giảm bớt khó khăn. Nhưng làn điệu cổ được tìm lại nguyên vẹn với các thể loại: Hát Thờ, hát Chúc, hát múa Bỏ bộ. Thế rồi, Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết ra đời, bà Lan được bầu làm chủ nhiệm. Ngoảnh đi ngoảnh lại, giờ đã 30 năm. “Bà Lan hát dô” cứ miệt mài với câu hát, dù cuộc sống còn nhiều vất vả do đồng lương hưu ít ỏi, bà vẫn phải chăm lo công việc đồng áng để có thêm thu nhập.

Hát dô là “độc bản”, chỉ có ở Liệp Tuyết. Giá trị thì đã rõ ràng. Nhưng ngoài nỗ lực của cộng đồng, tiêu biểu là hoạt động của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan, hát dô vẫn chờ đợi một chính sách cụ thể, một chương trình bảo tồn nghiêm túc từ phía chính quyền. Bà Lan và các cô gái trẻ vẫn gắn bó với hát dô bằng cả tình yêu. Nhưng nỗi lo canh cánh, khi hát dô vẫn chưa có người kế cận xứng đáng, khi bà Lan tuổi ngày một cao.