Kỳ công “thu nhỏ” đình làng

Cả cuộc đời gắn bó với nghề mộc truyền thống, ông Phan Lạc Hùng luôn mong muốn làm một điều thật ý nghĩa cho quê hương. Sau 5 năm lên ý tưởng và thực hiện, bằng sự tài hoa, kiên trì của mình, ông đã cho “thu nhỏ” ngôi đình Hữu Bằng (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) với tỷ lệ chính xác cao, họa tiết hoa văn tỉ mỉ. Ngôi đình “mi-ni” được ông trưng bày trong gia đình với cả niềm tự hào về quê hương.
0:00 / 0:00
0:00

Xứ Đoài nổi tiếng với nhiều di tích giá trị có tuổi đời hàng trăm năm. Một trong số đó phải kể đến cụm di tích đình, chùa, văn từ Hữu Bằng. Trong đó, ngôi đình được xây từ cuối thế kỷ 17. Hữu Bằng có tên Nôm nổi tiếng là Kẻ Nủa. Vì thế, ngôi đình còn có một tên gọi khác là đình Nủa. Đình Hữu Bằng có quy mô khá đồ sộ. Từ ngoài đi vào, phía trước đình là ao sen, tiếp đó là tấm bình phong, nghi môn rồi đến sân đình. Đó là một sân rộng, hai dãy tả, hữu vu có kích thước lớn, mỗi dãy đều có bảy gian; bộ khung gỗ bào trơn đóng bén; tường xây, đầu hồi bít đốc. Tòa đại đình là trung tâm của ngôi đình, gồm đại bái và hậu cung bố trí theo hình chữ “đinh” (chuôi vồ). Bốn bề đại bái thông thoáng, hai bên có bục gỗ, chung quanh là lan can con tiện. Nghệ thuật chạm khắc của đình Nủa cũng rất đặc biệt, với nhiều họa tiết rồng mây, cảnh sinh hoạt, hội hè… được chạm khắc tỉ mỉ.

Ông Phan Lạc Hùng sinh ra và lớn lên ở quê hương Hữu Bằng. Ngay từ nhỏ, hình ảnh ngôi đình với ông đã trở nên thân thuộc. Càng lớn lên, ngôi đình làng càng trở nên gắn bó. Hiện giờ, gia đình ông ở tại xóm Chùa, một xóm ngay gần đình. Xã Hữu Bằng có nghề điêu khắc gỗ truyền thống nổi tiếng. Xóm Chùa nơi ông sinh sống, chỗ nào cũng nghe tiếng đục, tiếng gõ lách cách cả ngày. Hàng trăm năm qua, người dân đã sinh sống bằng nghề mộc. Gia đình ông Hùng cũng là một trong những nhà có nhiều đời gắn bó với nghề truyền thống của làng. Yêu quê hương, lại có sẵn tay nghề làm mộc, ông Hùng ấp ủ ý tưởng chế tác ngôi đình làng bằng gỗ thu nhỏ, lấy nguyên bản kiến trúc, thiết kế từ ngôi đình làng Hữu Bằng. Ông Hùng nhớ lại: “Trước một kiến trúc đồ sộ như đình làng trong khi tôi chưa có kinh nghiệm “thu nhỏ” một công trình nào, cho nên mỗi khi ra đình Hữu Bằng, tôi lại nhìn ngắm kỹ lưỡng từng cây cột, từng con tiện, đầu đao…, ghi nhớ kỹ rồi hình dung trong đầu ý tưởng thiết kế mô hình”.

Sau nhiều nghiên cứu, ông Hùng quyết định bắt tay vào dự án “thu nhỏ” đình Hữu Bằng trên thực tế. Để có thể tạo ra mô hình sát nguyên gốc nhất, ông Hùng đo đạc kích thước từ tổng thể không gian đến chiều cao, kích cỡ từng cây cột và các họa tiết, hoa văn... Sau nhiều cân nhắc, ông Hùng chọn gỗ gụ bởi đây là loại gỗ quý, nhưng thớ gỗ không quá cứng, thuận lợi cho chế tác các bộ phận nhỏ. Ông Phan Lạc Hùng cho biết: “Trong suốt hai năm, mỗi ngày tôi phải làm việc liên tục từ sáu đến tám giờ. Có nhiều chi tiết chế tác xong phải làm lại thì tỷ lệ mới cân đối”. Tổng cộng có hàng nghìn cấu kiện nhỏ bằng đầu ngón tay được ông chế tác, rồi lắp ghép. Chỉ riêng về ngói, ông Hùng tỉ mỉ chế tác từng viên nhỏ để “lợp” lên mái nhà. Tổng cộng hơn 100.000 viên ngói được làm ra, nhưng ông chỉ sử dụng hết khoảng 70.000 viên. Mỗi ngày chỉ dập được 1.500 viên và mất khoảng hai tháng mới làm xong phần ngói đình. Chạm khắc, phục dựng lại những chi tiết cổ là một việc làm rất khó, hơn nữa ông Hùng lại là người đã có tuổi. Vì thế để cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật mô hình ngôi đình với sự chính xác cao như này không chỉ đòi hỏi vào tay nghề và sự kiên nhẫn mà còn ở cả tình yêu với nghề. Toàn bộ mô hình nặng khoảng 60 kg, hai người khiêng được và có thể vận chuyển đi xa.

Sau khi mô hình được hoàn thành, rất nhiều người tới xem. Có người muốn mua lại nhưng ông Hùng quyết tâm giữ lại tác phẩm. Ông mong muốn kỷ vật này góp phần khơi dậy tình yêu quê hương trong lòng mỗi người. Nếu sau này ngôi đình thật có bị hư hỏng thì người ta có thể dùng mô hình thu nhỏ của ông để làm căn cứ tu bổ, phục hồi ■