Giữ gìn the lụa La Khê

So với lụa Vạn Phúc, the La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) ít được người dân biết đến hơn. Tuy cùng làm từ tơ tằm, the La Khê đòi hỏi kỹ thuật dệt phức tạp hơn, giá thành cao hơn. Có giai đoạn, the La tưởng chừng đã biến mất. Nhưng ở La Khê có một nghệ nhân đã kỳ công gìn giữ suốt mấy chục năm qua và đang đưa the La trở lại thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tìm hiểu về the lụa La Khê trong khuôn khổ triển lãm tổ chức tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Khách du lịch tìm hiểu về the lụa La Khê trong khuôn khổ triển lãm tổ chức tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Triển lãm “The La - Ngàn năm canh cửi” mới tổ chức cách đây ít ngày tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã thu hút đông đảo công chúng, nhất là những người quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, bởi đã khá lâu rồi the La Khê mới được giới thiệu. Không gian của Nhà Thái học trở thành không gian nghệ thuật với những loại vải cổ. Với vải từ tơ tằm, người ta thường biết đến lụa, nhưng triển lãm lần nay giới thiệu những loại vải độc đáo khác như: the, sa, xuyến, quế…

Đây đều là những loại vải quý, kỹ thuật dệt phức tạp. Cùng với đó, là những bộ khung cửi dệt vải để khách tham quan trải nghiệm tự tay dệt vải, cảm nhận được sự tinh xảo và khéo léo của người thợ xưa và những bộ áo dài được dệt từ the lụa của La Khê. Toàn bộ bộ sưu tập áo dài lẫn những tấm vải tại đây đều được làm bởi bàn tay của nghệ nhân Lê Đăng Toản.

Xưa kia, dân gian có câu: “The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn” để nói về những loại vải quý. Giờ đây, hầu hết các làng làm nghề dệt này đều mai một, người ta chủ yếu biết đến lụa Vạn Phúc. Tuy nhiên, chỉ cách Vạn Phúc một quãng, là làng the La Khê. Nghề dệt the lụa ở La Khê chính thức được ghi nhận từ thế kỷ 17. Sản phẩm truyền thống của làng là the lụa, vân, sa, quế, băng, xuyến…

Cũng dệt từ tơ tằm, nhưng người làng La Khê đặt sợi thưa để tạo nên những tấm vải dày mà lại thoáng; do sử dụng kỹ thuật dệt khác biệt nên sợi được đan vặn xoắn, bền, không bị co giãn hay xô dạt sau một thời gian sử dụng như một số loại lụa khác. The La gặp khó khăn trong giai đoạn đất nước chiến tranh, nhất là từ năm 1954, do nhu cầu xã hội hầu như không còn, các khung cửi La Khê chuyển sang dệt vải bông, khăn mặt.

Năm 2002, nhờ có chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống, nghề dệt the La Khê mới được khôi phục. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, mọi người lần lượt bỏ nghề vì sản phẩm the La không tìm được thị trường. Một phần vì the La có đặc tính quý nên giá thành cao, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận.

Trong khi mọi người bỏ nghề thì với tình yêu quê hương, anh Lê Đăng Toản vẫn kiên trì “bám trụ” với những bộ khung cửi. Một động lực khác khiến anh gắn bó với nghề là vợ anh, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh là một người am hiểu văn hóa truyền thống. Cả hai vợ chồng cùng động viên nhau vượt qua khó khăn, vừa tìm cách khôi phục những mẫu vải cổ, vừa nghiên cứu, cải tiến những mẫu mới nhằm thích ứng thị trường để giữ nghề truyền thống của quê hương.

Anh Toản cho biết: “Dệt the rất công phu, có những mẫu phải mất vài tháng mới dệt xong, thậm chí những mẫu hàng phức tạp phải mất nửa năm. Trong đó, công đoạn vẽ hoa để dệt là khó nhất. Bởi không chỉ là vẽ một bức tranh, người vẽ mẫu dệt phải tính toán từng đường nét để khi lên vải đường nét hoa văn nổi bật, hài hòa”.

Trải qua nhiều khó khăn, có lúc chào hàng mãi cũng không bán được, thì cách đây khoảng gần 10 năm, nhiều bạn trẻ nhận ra giá trị và tìm cách hồi sinh trang phục truyền thống, nhất là những mẫu như: Áo nhật bình, áo tấc, áo ngũ thân tay chẽn… Nhiều nhà nghiên cứu, nhà thiết kế khôi phục trang phục cung đình, trang phục của quan lại, quý tộc xưa. Khi nghiên cứu, họ thấy những loại vải cổ không đâu có.

Người ta mới tìm đến La Khê. Rất may, nghệ nhân Lê Đăng Toản vẫn còn giữ nghề. Lúc này, những sản phẩm the La mới tìm được khách hàng. Đến nay nghệ nhân Lê Đăng Toản đã dệt được 9/14 loại vải truyền thống. Anh Toản cho biết thêm: “Nhiều người vẫn nghĩ vải từ tơ tằm thì không bền, dễ bị xô, dạt hay co ngót, nhưng kỹ thuật dệt của La Khê khắc phục được đặc tính này. Thí dụ với sa nam, nhìn vải dệt rất thưa nhưng lại không bị xô dạt. Đây là kỹ thuật riêng của La Khê”.

The La nay đã được giới thiệu tại nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước, lễ hội áo dài và được công chúng rất trân trọng. Anh Toản cho biết thêm, ngoài các loại vải như sa, sa nam, sa ngũ phúc, the trơ, the hoa, xuyến, quế…, trong thời gian tới, xưởng dệt lụa của gia đình anh sẽ khôi phục cách dệt vải băng, vải địa.