Người giữ lửa nghề

Phố Hàng Bạc là một trong những phố nghề đặc sắc, tiêu biểu của Thăng Long - Kẻ Chợ, nơi sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa. Do những biến đổi của xã hội, phố Hàng Bạc giờ đã chuyển sang kinh doanh vàng bạc, đá quý, chỉ có duy nhất một gia đình còn gắn bó với nghề kim hoàn. Ðó là ông Nguyễn Chí Thành, người hơn 60 năm giữ nghề chạm bạc.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Chí Thành giới thiệu một số dụng cụ nghề kim hoàn.
Ông Nguyễn Chí Thành giới thiệu một số dụng cụ nghề kim hoàn.

Thế kỷ 15, ông Lưu Xuân Tín, một vị quan dưới triều vua Lê Thánh Tông được triều đình giao cho lập xưởng đúc bạc ở kinh thành. Vốn quê làng Châu Khê (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), ông đem người làng lên làm việc ở xưởng. Người dân đến ngày càng đông, lập ra phường đúc bạc, hình thành lên phố Hàng Bạc bây giờ. Sau này, thợ kim hoàn từ Ðồng Xâm (Thái Bình), Ðịnh Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng hội tụ về đây, phố Hàng Bạc trở thành trung tâm sản xuất đồ kim hoàn, trung tâm kinh doanh vàng bạc lớn của cả nước. Ông Nguyễn Chí Thành là thế hệ thứ tư trong một gia đình có truyền thống làm nghề kim hoàn. Quê gốc ở Ðịnh Công, nhưng các cụ trong gia đình ông đã lên Hàng Bạc lập nghiệp từ những năm đầu thế kỷ 20. Ông Thành chia sẻ: "Không phải ai cũng hiểu cái đặc sắc riêng của phố Hàng Bạc. Phố Hàng Bạc cùng với Hàng Ngang-Hàng Ðào tạo thành trục chữ T. Trước kia Hàng Ngang, Hàng Ðào buôn bán những đồ may mặc cao cấp. Người ta đến phố cổ sắm sanh, thì đến Hàng Ngang, Hàng Ðào và Hàng Bạc, đều là những con phố cung cấp đồ đắt tiền, không phải nơi nào cũng có".

Nghề kim hoàn đòi hỏi sự tinh tế, cầu kỳ, tỉ mỉ. Năm nay tròn 73 tuổi, nhưng ông vẫn tinh tường để mài, giũa, chạm trên những chiếc nhẫn, chiếc vòng hay dây chuyền mà các đường nét chỉ mỏng như tơ, như tóc. Vốn sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề, từ nhỏ, ông đã quen với tiếng "thổi lửa" để nung vàng bạc nóng chảy, quen với những dụng cụ nhỏ li ti, với hình ảnh cha mình xoay trần bên "cỗ" đồ nghề làm bạc. Khoảng mười tuổi, ông đã tập tành giúp đỡ gia đình. Những sản phẩm đầu tay ra đời ngay từ thuở ấy. Dù sau đó, sản phẩm phải đưa cho bố mẹ sửa lại vài lần mới có thể giao cho khách hàng, nhưng những chiếc vòng, chiếc nhẫn do cậu bé Thành làm ra ngày ấy đã mang dấu ấn riêng.

Có lẽ vì gắn bó từ thơ ấu, nên sau này, khi công nghệ phát triển, nhiều người sử dụng máy móc, nhất là đúc công nghiệp hay dùng kỹ thuật laze để khắc lên sản phẩm kim hoàn, ông Thành vẫn một mực thủy chung với kỹ thuật cổ điển. Trong căn nhà nhỏ sâu hun hút ở số 83, phố Hàng Bạc, ngày ngày, ông vẫn gắn bó với chiếc bàn làm việc la liệt những dụng cụ, từ những chiếc búa, cho đến hàng loạt kéo, kìm,… tất cả đều nhỏ xíu và cũ kỹ. Hóa ra, đó cũng là vật gia truyền. Cái bàn làm việc đó ông nội ông, rồi người thân sinh ra ông từng ngồi làm việc. Dụng cụ đều nhuốm màu thời gian, nhưng ông vẫn gắn bó. Quy trình làm ra một sản phẩm bạc thủ công rất phức tạp. Ðầu tiên, người thợ phải nấu bạc cho chảy ra, dùng búa tán cho kích thước như dự kiến, rồi uốn, khắc các họa tiết. Nếu sản phẩm bạc công nghiệp như bây giờ thì có khuôn, đúc xong có sẵn một số chi tiết, thì với sản phẩm thủ công, ông phải tự tay cắt, uốn, hàn… rất nhiều công đoạn. Có những họa tiết trên chiếc vòng, chiếc nhẫn nhỏ li ti, dù mắt không còn tinh tường như trước, ông vẫn tỉ mẩn tạo hình hoàn toàn thủ công. Có những món đồ trang sức cầu kỳ, phức tạp, ông Thành phải làm đến hai, ba ngày mới xong. Nhưng cũng vì thế, rất nhiều khách quốc tế khi đến phố Hàng Bạc thích thú khi được ngắm nhìn ông thợ đầu bạc miệt mài bên chiếc bàn làm việc. Nhiều người bảo rằng, đó là hình ảnh đại diện cho một Hà Nội xưa mà càng ngày càng ít gặp. Ông Thành cho biết: "Có những hướng dẫn viên du lịch vào muốn nói chuyện, nhưng thực tình công việc của tôi bận lắm. Tôi bảo các anh cứ để khách nước ngoài xem tôi làm là được rồi, xem thoải mái không sao, nhưng để tiếp chuyện thì tôi không có thời gian. Nhưng điều đấy cũng cho thấy, việc làm nghề ở con phố này có sức hấp dẫn riêng. Vì bản chất nó là một phố nghề thủ công".

Cũng vì cái việc "làm nghề" mà ông Thành luôn trăn trở suốt bao năm qua. Bây giờ, khách hàng muốn sửa một món đồ cầu kỳ một chút là không có người làm, phải gửi lại cửa hàng mấy hôm sau mới lấy được. Chế tác công nghiệp khiến các gia đình kinh doanh những mẫu hầu hết là giống nhau, ít thấy sự kỳ công, sáng tạo trong những sản phẩm. Kinh tế đi lên, nhưng tay nghề đi xuống là điều có thực. "Nếu chỉ dừng lại ở kinh doanh, thì ở đâu người ta cũng có thể làm được. Nếu như vậy thì phố Hàng Bạc không còn đặc trưng riêng của nó nữa. Tôi luôn mong rằng những hộ kinh doanh hướng nghiệp cho con em làm nghề kim hoàn. Như thế con phố sẽ duy trì được sức hấp dẫn", ông Nguyễn Chí Thành tâm sự.