Lan tỏa giá trị tranh Kim Hoàng

Làng tranh Kim Hoàng (huyện Hoài Ðức, Hà Nội) đã từng thất truyền đến tám thập niên, nhưng bây giờ, ngay giữa ngôi làng cổ có một xưởng làm tranh dân gian Kim Hoàng. Nhiều khách du lịch, nhiều học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Chủ nhân của xưởng làm tranh ấy là nghệ nhân Ðào Ðình Chung. Ðến với tranh dân gian muộn, nhưng tình yêu với dòng tranh quê hương giúp anh gắn bó và lan tỏa nét đẹp dòng tranh này đến cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Ðào Ðình Chung giới thiệu kỹ thuật làm tranh cho các bạn nhỏ.
Nghệ nhân Ðào Ðình Chung giới thiệu kỹ thuật làm tranh cho các bạn nhỏ.

Cho đến giờ, không ít người vẫn nghĩ rằng, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã thất truyền, bởi lẽ, sau trận lụt khủng khiếp năm 1915 làm vỡ đê, thì hầu như các ván in, dụng cụ làm nghề của người dân bị cuốn đi hết. Ðến năm 1945, tranh Kim Hoàng hầu như vắng bóng trên thị trường rồi biến mất hoàn toàn. Qua thời gian, cuộc sống đổi thay, ngay cả những nghệ nhân từng gắn bó với nghề tranh xưa cũng không có điều kiện khôi phục nghề cổ. Hình ảnh sân đình, lối đi rực rỡ mầu đỏ khi phơi tranh chỉ còn trong ký ức.

Nghệ nhân Ðào Ðình Chung sinh ra và lớn lên ở chính ngôi làng Kim Hoàng. Từ bé, anh đã được nghe mọi người kể về nghề tranh Kim Hoàng qua những câu chuyện, từng được biết một số bức tranh quý mà các cụ để lại. Ấn tượng với nét đẹp của dòng tranh quê hương, bản thân anh không muốn di sản quý giá của làng bị mai một, nhưng khi ấy, anh cũng chưa có giải pháp nào để có thể khôi phục.

Năm 2017, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa tìm về làng triển khai Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng. Dù không được đào tạo một cách bài bản về mỹ thuật, nhưng Ðào Ðình Chung quyết định đăng ký tham gia. “Khi các chuyên gia về làng phục dựng lại các mẫu tranh Kim Hoàng, bản thân tôi cũng muốn góp sức “làm sống” lại dòng tranh quê hương, đưa văn hóa làng mình hồi sinh trở lại. May mắn gặp được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, tôi được hỗ trợ học tập, tìm hiểu, nghiên cứu.

Việc khôi phục dòng tranh từng một thời là niềm tự hào của người dân Kim Hoàng, với tôi là việc làm vô cùng ý nghĩa”, nghệ nhân Ðào Ðình Chung nhớ lại. Với sự hỗ trợ của dự án, anh được học hỏi về mỹ thuật dân gian, được tiếp cận các nhà nghiên cứu và học các kỹ thuật làm tranh. Ðến với dòng tranh dân gian Kim Hoàng khi tuổi đã ngoài 30, nhưng với tình yêu quê hương sẵn có, Ðào Ðình Chung miệt mài tìm hiểu, học tập các công đoạn làm tranh, nhất là các kỹ thuật tô mầu, để làm sao bức tranh có hồn, có chiều sâu. Trong số các nghệ nhân tham gia dự án, chỉ còn Ðào Ðình Chung trụ lại với nghề cũng bởi anh vốn là người dân làng Kim Hoàng, gắn bó với quê hương, có tình cảm đặc biệt với nghề truyền thống của cha ông.

Những kiến thức về tranh Kim Hoàng đã thất truyền, cho nên từ những mẫu tranh cổ để “tái tạo” ra sản phẩm hoàn chỉnh là cả một quá trình phức tạp. Nếu hồi bé, anh chỉ biết tranh Kim Hoàng đẹp một cách chung chung, thì việc tham gia dự án giúp Ðào Ðình Chung hiểu cặn kẽ những nét đẹp văn hóa, lịch sử và những nét độc đáo từ khía cạnh mỹ thuật.

Những bức tranh Kim Hoàng có thể mang những chủ đề gần gũi với cuộc sống, như: Thần kê, Lợn độc, Ðấu vật… hay những bức tranh thờ cúng. Anh cho biết thêm: “Các bức tranh đều mang những ý nghĩa sâu sắc, những câu chuyện về quan niệm cuộc sống mà các nghệ nhân gửi gắm. Theo quan niệm dân gian, mỗi dịp Tết đến, trong nhà treo bức tranh Kim Hoàng sẽ đem đến phúc, lộc, may mắn cho gia chủ. Không những vậy, với mầu sắc tươi mới, ấm áp, tranh còn giúp giữ nhà cửa ấm yên đón chào năm mới”.

Sau khi đã thành thạo với nghề làm tranh, nghệ nhân Ðào Ðình Chung lập một xưởng nhỏ ở ngay chính ngôi làng Kim Hoàng xưa. Ðây là nơi anh sản xuất tranh, cũng là địa chỉ để du khách gần xa đến tìm hiểu dòng tranh Kim Hoàng. Hiện nay, anh là nghệ nhân duy nhất trực tiếp thực hiện tất cả các công đoạn làm tranh Kim Hoàng. Khi đã nắm được kiến thức và kỹ thuật làm tranh, nghệ nhân Ðào Ðình Chung tích cực tham gia các cuộc triển lãm, trình diễn kỹ thuật làm tranh ở nhiều bảo tàng, trường học…

Anh rất vui khi được giao lưu với học sinh, giải thích ý nghĩa về những bức tranh khi các bạn nhỏ đưa ra những câu hỏi. Nhờ những hoạt động của anh, danh tiếng tranh Kim Hoàng ngày càng được nhiều người biết đến. Bên cạnh việc hồi sinh những mẫu tranh cổ theo các tài liệu để lại, anh còn cùng các chuyên gia Dự án khôi phục tranh Kim Hoàng sáng tạo ra nhiều mẫu tranh mới theo phong cách tranh Kim Hoàng cổ truyền. Một trong những mẫu tranh được nhiều người chú ý là tranh “Mèo ngắm trăng”. Ðể ra đời một mẫu mới, anh đã dày công thử nghiệm để hình khối, mầu sắc bức tranh đúng chất Kim Hoàng. Nghệ nhân Ðào Ðình Chung dự kiến sẽ còn nhiều thử nghiệm trong sáng tạo những mẫu mới và đưa giá trị tranh Kim Hoàng lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.