“Hiệp sĩ” của di sản kiến trúc

Mặc dù tự nhận mình chưa có nhiều đóng góp cho Hà Nội, nhưng nếu liệt kê những di sản kiến trúc mà Giáo sư Hoàng Đạo Kính là người chủ trì tu bổ, ai cũng phải ngạc nhiên.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Hoàng Đạo Kính được trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2024.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính được trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2024.

Tất cả đều là những di sản có tính biểu tượng, hoặc những di tích nổi tiếng như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Thầy, đình Tây Đằng hay Nhà hát Lớn. Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2024 là sự tôn vinh những cống hiến của ông với Thủ đô, đặc biệt là trong lĩnh vực kiến trúc.

Giáo sư Hoàng Đạo Kính quê ở đất Kẻ Lủ (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), mảnh đất nổi tiếng sinh ra nhiều nhân tài. Kẻ Lủ được mệnh danh là làng “đẻ quan, đẻ trạng”. Ông là con trai nhà cách mạng, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, cháu nội chí sĩ yêu nước Hoàng Đạo Thành, người đã tham gia vào Phong trào Duy Tân. Truyền thống của quê hương, của gia đình góp phần tạo nên một “nội lực” đặc biệt trong ông.

Phát triển sự nghiệp với vai trò một kiến trúc sư, sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Đạo Kính trải dài với hàng loạt công trình tu bổ kiến trúc từ bắc vào nam, trong đó, ông trực tiếp tham gia tu bổ nhiều hệ thống di tích tại Huế (Thừa Thiên Huế), Hội An (Quảng Nam), những tháp Chăm nổi tiếng…, đặt nền móng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị mà ngày nay, chính quyền những địa phương ấy vẫn đang triển khai. Nhưng gắn bó nhất, dành tình yêu sâu nặng nhất chính là những công trình ở Hà Nội, mảnh đất nghìn năm văn hiến mà ông đã sinh ra, lớn lên, hấp thụ truyền thống văn hóa.

Ông luôn trăn trở mình đóng góp cho Hà Nội chưa được nhiều, vì không phải lúc nào cũng có cơ hội. Tuy nhiên, nếu kể những công trình kiến trúc trên địa bàn thành phố mà ông đã từng trực tiếp chủ trì tu bổ thì ai cũng phải ngạc nhiên và thán phục. Đó đều là những kiến trúc biểu tượng cho Thăng Long-Hà Nội như: Đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đặc biệt còn có Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội.

Một trong những công trình ấn tượng nhất là tu bổ Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Nếu tìm lại những bức ảnh xưa cũ về những tấm bia đá ở Văn Miếu, mọi người đều nhận thấy những tấm bia đó trải bao thế kỷ phơi mưa, phơi nắng. Còn bây giờ, toàn bộ 82 tấm bia đều nằm trong những nhà bia, dọc hai bên giếng Thiên Quang. Thực tế, trăm năm bia đá cũng mòn. Nếu không có nhà bia, công tác bảo vệ bia đá Văn Miếu-Quốc Tử Giám có thể gặp khó khăn. Nhưng “đề bài” tạo mái che cho văn bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám là một “bài toán khó”. Thậm chí có ý kiến đề xuất làm mái che với kết cấu hiện đại.

Nhưng rồi Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã đề xuất phương án tạo các mái che, tương tự nhà bia trong kiến trúc cổ truyền. Những kiến trúc này sẽ tạo ra sự hài hòa với tổng thể chung quanh. Kích thước của nhà bia cũng không quá lớn, để ảnh hưởng tới những công trình khác. Kết quả là những nhà bia thành công đến mức, sau khi “xuống màu” thời gian, người ta ngỡ đây là những hạng mục đã được xây dựng từ xa xưa. Những nhà bia mới hoàn toàn ăn nhập với kiến trúc cũ về mặt hình thái kiến trúc lẫn kích thước công trình.

Một công trình ấn tượng không kém là đình Tây Đằng (huyện Ba Vì). Đó là thời điểm ông chưa đến 40 tuổi, nhưng được giao phụ trách một công trình trùng tu khoa học lớn đầu tiên ở Việt Nam. Thời điểm đó, quan điểm về trùng tu kiến trúc gỗ còn chưa hình thành bài bản; chưa có những quy định về tiêu chí trùng tu. Vấn đề đầu tiên đặt ra là phải giải quyết thỏa đáng quan điểm trùng tu như thế nào. Sau nhiều tranh luận, quan điểm của Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã được chấp nhận.

Công tác trùng tu đặt nhiệm vụ chính là tu bổ để kiến trúc có thể tồn tại lâu dài, duy trì tối đa hiện trạng kiến trúc và trang trí của di tích; hạn chế đến mức thấp nhất sự thay thế; nếu cấu kiện nào đó bị hư hại thì tu sửa theo kỹ thuật truyền thống… Quan điểm tu bổ đó là nền móng cho phương pháp tu bổ những công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam sau này, nhiều quan điểm đã trở thành tiêu chí, quy chuẩn trong các văn bản quy phạm pháp luật về tu bổ di tích.

Dù đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề của thành phố mà ông trăn trở. Một trong những vấn đề ông ưu tư nhất là bảo tồn phố cổ Hà Nội. Cũng như nhiều di sản khác, ông quan tâm quan điểm bảo tồn, ứng xử với phố cổ Hà Nội. Nhiều người vẫn gọi phố cổ Hà Nội là một di sản đô thị. Nhưng ông nhấn mạnh, phố cổ là một đô thị dung chứa nhiều di sản có giá trị. Ông cũng không đồng thuận với cách gọi phố cổ là một di tích. Phố cổ là một thực thể sống.

Do đó, phải bảo tồn “động”, bảo tồn trong sự tiếp nối chứ không cứng nhắc, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, các nhà chuyên môn cần cung cấp cho người dân những hiểu biết về giá trị di sản của mình, làm cho họ hiểu rõ nhu cầu bảo tồn di sản với tư cách một động lực phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Đã ngoài 80 tuổi, tuy không còn trực tiếp tham gia vào công tác tu bổ, nhưng nhiều ý kiến phản biện của Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã đóng góp thiết thực cho công tác tu bổ di tích, quản lý kiến trúc, quản lý đô thị, với mong muốn Hà Nội ngày một phát triển bền vững hơn trên nền tảng truyền thống của mình.