Người truyền giữ chầu văn

Nghệ nhân Bùi Quốc Thi được mọi người tôn vinh là "đại thụ" của hát chầu văn. Không chỉ là một kho tàng văn hóa về thờ Mẫu, ở mỗi màn diễn xướng, ông như có sự liên thông về tâm tưởng của thanh đồng, để luyến láy những ngón đàn, điệu hát thăng hoa.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Bùi Quốc Thi trình diễn hát văn.
Nghệ nhân Bùi Quốc Thi trình diễn hát văn.

Đang mùa lễ hội, nghệ nhân Bùi Quốc Thi bận bịu với những buổi chầu văn trong nam, ngoài bắc. Có những buổi chầu văn tận miền trung, miền nam, phải di chuyển xa khá vất vả, nhưng ông bảo: "Với tôi đấy là được lan tỏa nét hay và cái đẹp của hát văn. Dù xa, dù vất vả thế nào khi được mời, tôi không bao giờ từ chối". Sinh năm 1960, dù tuổi chưa phải là cao, nhưng nghệ nhân Bùi Quốc Thi được coi là cung văn đại thụ. Bởi trong số học trò của ông có đến bốn nghệ nhân được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, bản thân ông vừa được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cuối năm 2022.

Tín ngưỡng thờ Mẫu được cấu thành bởi nhiều lớp lang. Nổi bật nhất trong đó là những giá hầu đồng, khi các vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu "giáng" vào các thanh đồng. Mỗi giá hầu như thế, lại có những bài hát về các vị thánh. Tham gia mỗi giá hầu, người ta thường chú tâm đến những màn diễn xướng của thanh đồng, mà ít người chú ý đến lời hát của cung văn - dù là thành tố không thể thiếu ở giá hầu, nhưng nhiều người vẫn xem lời hát làm nền cho giá hầu đồng. Nhưng nghệ nhân Bùi Quốc Thi chưa bao giờ bận tâm về điều đó. Ngay cả khi tập luyện, trải chiếc chiếu ra, ngồi xuống, tay cầm cây đàn nguyệt lựa phím, ông đã hoàn toàn nhập tâm.

Sinh ra ở thị trấn Vân Ðình (huyện Ứng Hòa) trong một gia đình có truyền thống thờ Mẫu, ông là thế hệ thứ tư thờ Mẫu và hát văn. Từ thuở bé, cậu bé Thi đã lớn lên cùng tiếng đàn nguyệt, cùng những câu hát hầu thánh khi cha cậu tập luyện. Lớn lên chút nữa, cậu theo cha đi đến các đền, phủ gần nhà. Duyên nợ như thế cho nên có những điều cha chưa dạy, cậu đã học được rồi. Ðến 14, 15 tuổi đã thành thạo đàn nguyệt và tham gia những giá hầu. Sau này, có thời gian nhập ngũ, dù trong quân đội, nghệ nhân Bùi Quốc Thi vẫn luyện tập, đi đến đâu nghe có thanh đồng, có cung văn giỏi, ông lập tức tìm gặp để học hỏi.

"Có một thời gian tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng bị coi là mê tín, dị đoan. Lúc hát hầu thánh ở những đền, phủ lớn, có người đến nói tôi làm như vậy là mê tín. Tôi mới bảo rằng, đây là văn hóa cha ông truyền lại, nó gắn với chính những đền, những phủ, mà đền phủ này là những công trình văn hóa được nhà nước công nhận. Tôi nói có tình, có lý, thế là cán bộ cũng nhận ra. Phải nói là thời điểm ấy, có người chán nản, còn tôi thì chưa bao giờ. Tôi vẫn tìm hiểu về đạo Mẫu, vẫn luyện tập hằng ngày. Nhiều người vẫn đến xin tôi truyền dạy từ hồi còn chưa được công nhận ấy", nghệ nhân Bùi Quốc Thi nhớ lại.

Phải hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu lắm, phải say mê lắm, ông mới có niềm tin vững vàng như thế, để luyện tập qua tháng năm, để gìn giữ những câu hát qua những khó khăn. Ông là một trong số rất ít người trình diễn được tất cả làn điệu hát chầu văn 36 giá đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu. Cho đến ngày tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ được ghi nhận là di sản, được UNESCO ghi danh, tài năng của ông càng có dịp bay xa. Bây giờ, tín ngưỡng thờ Mẫu hồi sinh, cung văn ngày một nhiều hơn, nhiều cung văn hát hay, đàn giỏi, nhiều người xuất thân từ các trường đào tạo chuyên nghiệp. Nhưng những màn diễn xướng của nghệ nhân Bùi Quốc Thi không lẫn vào đâu được. Mỗi giá đồng có những bài hát tương ứng, kể về sự tích, công lao của các vị được hầu. Nhưng nghệ nhân Bùi Quốc Thi không chỉ hát theo bài. Trong không khí linh thiêng của đền phủ, khi âm nhạc xướng lên, ông nhập tâm hoàn toàn vào màn diễn xướng, ông quan sát cảm xúc của thanh đồng. Khi nhập tâm như thế, giữa cung văn và thanh đồng như có sự liên thông tâm tưởng. Vì thế, những màn vũ đạo, những cảm xúc của thanh đồng được truyền tải trọn vẹn qua những luyến láy, trầm bổng của câu hát, ngón đàn. Người ta bảo những lúc như thế là những màn diễn xuất thần. Nghệ nhân Bùi Quốc Thi còn sáng tác thêm một số lời mới cho những bài hát hầu. Những lời mới, đều dựa trên vốn cổ, góp phần làm cho những giá hầu thêm sinh động, cảm xúc hơn.

Không chỉ là một nghệ sĩ đi hát, nghệ nhân Bùi Quốc Thi luôn tâm nguyện truyền dạy lại nghệ thuật hát văn cho thế hệ sau để bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ông đã thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn hát văn xứ Ðoài để thường xuyên đưa nghệ thuật hát văn vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng thông qua các hội thi, hội diễn. Giờ, ngoài học trò trực tiếp đến học, ông còn sẵn sàng dạy trực tuyến qua mạng. Con trai ông, anh Bùi Thành Ðạt, năm nay 38 tuổi cũng là cung văn có tiếng trong làng hát văn. "Tôi rất vui, khi gia đình có 5 thế hệ cung văn. Tôi luôn chỉ bảo cho con trai tôi những giá trị hát văn phải bảo tồn, vừa là trách nhiệm với cộng đồng, vừa là trách nhiệm với tổ tiên, gia đình".