Nếu như trước đây, một ngày của bà Nguyễn Thị Tuấn thường bắt đầu bằng việc sắp xếp nguyên vật liệu, bố trí công việc cho sản xuất, thì bây giờ, công việc của bà là dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ nghề để khách du lịch trải nghiệm làm quạt giấy. Ngôi nhà của bà trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhiều trường học cũng chọn xưởng sản xuất của bà Tuấn làm địa điểm cho học sinh tìm hiểu về văn hóa, nghề thủ công truyền thống. Nhiều hôm bà Tuấn còn tham dự với tư cách khách mời trong các lễ hội, hội thảo, các workshop… về nghề thủ công. Những hoạt động của bà không chỉ đem lại lợi ích cho xưởng sản xuất, mà còn làm vang danh nghề làm quạt Chàng Sơn, giúp cho nghề thủ công truyền thống có cơ hội hồi sinh, phát triển.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn sinh ra trong một gia đình nhiều đời có nghề làm quạt giấy ở làng quạt Chàng Sơn. Tuy nhiên khi lớn lên, ở tuổi 17, năm 1977, cô gái trẻ Nguyễn Thị Tuấn lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong, khắc phục hậu quả chiến tranh tại vùng đất Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà Tuấn trở về quê hương, làm cô giáo mầm non. Mãi sau này, khi bước sang tuổi 50, bà Tuấn mới trở về với nghề làm quạt. Bà cho biết: “Chàng Sơn là làng nghề truyền thống hàng trăm năm nay. Gia đình tôi ai cũng biết làm quạt từ bé. Nhưng tôi thấy rất buồn khi những chiếc quạt trang trí, quạt làm đồ lưu niệm trên thị trường lại chủ yếu là hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Không đành lòng nhìn sản phẩm gắn bó với mình từ tấm bé đang dần mai một, tôi đã tìm cách để đưa quạt giấy quê hương thành sản phẩm lưu niệm, sản phẩm trang trí, nhất là đưa đến khách quốc tế”.
Từ suy nghĩ ấy, bà Tuấn tìm giải pháp để có thể tạo ra những sản phẩm đẹp, tinh tế hơn những loại quạt đang bán trên thị trường. Từ sản phẩm quạt giấy truyền thống, với công dụng chính là quạt mát, bà Nguyễn Thị Tuấn đã mày mò, nghiên cứu và đầu tư cải tiến sản phẩm để biến những chiếc quạt đơn sơ thành sản phẩm trang trí, quà lưu niệm…
Bà cùng các nghệ nhân tìm tòi, phối hợp với các bên cho ra đời hàng trăm mẫu quạt khác nhau, từ những chiếc quạt trang trí bằng những hình ảnh làng quê Việt Nam, những di sản nổi tiếng Việt Nam cho đến những chiếc quạt viết thư pháp chữ Việt, chữ Hán-Nôm, tranh dân gian… Bà cũng nhận đặt hàng sản phẩm theo yêu cầu, nhất là các sự kiện mang tính văn hóa. Chất liệu làm quạt cũng phong phú, đa dạng. Ngoài chất liệu truyền thống thì có quạt vải, quạt lụa, quạt giấy dó… Kích cỡ những chiếc quạt cũng được thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu. Có những chiếc quạt là những bức tranh khổ lớn rất sinh động.
Được con trai hỗ trợ quảng bá trên internet, sản phẩm của bà Tuấn nhanh chóng được nhiều người biết đến. Bà Tuấn ngày càng có nhiều đơn hàng trong nước và quốc tế. Với mong muốn phát triển nghề truyền thống cho quê hương, bà đã dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Dù “khởi nghiệp” muộn và chậm tiếp cận công nghệ, nhưng với nỗ lực của mình, bà đã từng bước vượt qua khó khăn. Một trong những đột phá của bà Nguyễn Thị Tuấn là cùng người dân nơi đây phát triển hoạt động du lịch trải nghiệm. Để làm được điều này, bà tích cực tham gia các hội chợ, trưng bày, triển lãm, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.
Sản phẩm quạt Chàng Sơn gọn nhẹ, đẹp, cho nên khách du lịch rất thích thú khi được xem và trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm quạt, sau đó được cầm sản phẩm đem về.
Cách làm của bà Tuấn được nhiều người dân trong làng học hỏi, làm theo. Nghề làm quạt giấy có những lúc đã mất chỗ đứng do nhu cầu của xã hội, nhưng nỗ lực của nghệ nhân làng nghề Chàng Sơn, nhất là bà Nguyễn Thị Tuấn đã giúp làng nghề quạt Chàng Sơn hồi sinh. Làng quạt Chàng Sơn hiện giờ đã được nhiều công ty lữ hành đưa vào khai thác du lịch.