Giữ "gốc" cho sơn mài Hạ Thái

Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) là làng nghề nổi tiếng của Hà Nội, có nhiều sản phẩm trang trí, đồ lưu niệm hấp dẫn. Trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, nhiều người chuyển sang làm sơn mài "công nghiệp" bằng cách thay chất liệu, rút bớt công đoạn. Tuy nhiên, nghệ nhân Vũ Huy Mến vẫn kiên trì gìn giữ sơn mài truyền thống, sử dụng sơn ta và giữ vững các công đoạn, bởi với ông, chính việc gìn giữ nét đẹp truyền thống này mới thật sự tạo tương lai cho làng nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Vũ Huy Mến giới thiệu về kỹ thuật làm vóc sơn mài truyền thống.
Nghệ nhân Vũ Huy Mến giới thiệu về kỹ thuật làm vóc sơn mài truyền thống.

Nghệ nhân Vũ Huy Mến là người có thể nói chuyện về sơn mài từ ngày này sang ngày khác. Năm nay 77 tuổi, nhưng ông vẫn luôn mang một phong thái trẻ trung. Đôi mắt ông trở nên tinh anh, đầy sức sống nếu có người hỏi chuyện về sơn mài.

Nghệ nhân Vũ Huy Mến chia sẻ: "Thuở xưa, nghề sơn ra đời chủ yếu là để phục vụ cho hoạt động tâm linh hay cuộc sống của tầng lớp quý tộc. Kỹ thuật sơn mài là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Sau này, năm 1927, cụ Đinh Văn Thành, người con của làng Hạ Thái, khi làm việc tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đã có những cải tiến hết sức quan trọng trong vẽ và mài, mở đường cho kỹ thuật tranh sơn mài, tạo tiền đề cho các kỹ thuật khác như: Gắn vỏ trứng, đắp sơn nổi, dát bạc, dát vàng... để tạo hiệu ứng cho sơn mài. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, điều cốt lõi của kỹ thuật sơn mài chính là ứng dụng chất liệu sơn ta. Cứ sơn xong đưa vào buồng ủ khô, rồi lại mang sản phẩm ra mài. Làm khoảng 12 nước sơn mới xong được "cốt". Đây chính là quy trình chuẩn truyền thống của sơn mài Hạ Thái".

Là người nắm vững tinh hoa của sơn mài Hạ Thái, nhưng điều khá bất ngờ, ông Mến không sinh ra ở ngôi làng này. Thời trẻ, ông từng học nghề tại Xưởng Mỹ nghệ giải phóng trực thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp Trung ương (tức Trường Thủ công mỹ nghệ Hà Tây). Ông đến với nghề sơn mài và bén duyên với một phụ nữ Hạ Thái - tức vợ ông bây giờ. Sau một thời gian dạy học, nghệ nhân Vũ Huy Mến quyết định chuyển hẳn về sống, làm việc tại làng nghề Hạ Thái. Tuy là rể, nhưng gắn bó hơn nửa thế kỷ với nghề sơn mài, cho nên ông được người dân trong làng quý mến như người dân gốc ở làng nghề này.

Bước vào thời kỳ hội nhập, hợp tác xã kiểu cũ không còn phù hợp, nhiều người bung ra làm ăn theo cơ chế mới. Kinh tế phát triển, diện mạo của ngôi làng đổi thay khi nhiều người thành công trong xuất khẩu hàng ra thế giới, trong tiêu thụ các sản phẩm dành cho khách du lịch.

Nhưng làng nghề cũng đối mặt với nhiều vấn đề trong giữ gìn nghề truyền thống. Sơn mài truyền thống được lấy từ cây sơn vùng trung du Phú Thọ. Nhựa sơn sau khi lấy từ cây chứa vào thùng, được để "nuôi" ít nhất từ năm đến sáu tháng. Sau đó, sơn được lấy ra trộn lẫn với dầu trẩu hoặc nhựa thông và "đánh" để tạo thành sơn chín. Tiếp đó, khi làm thành sản phẩm, phải qua rất nhiều quy trình sơn và mài, nhiều người ngại làm theo lối cũ.

Các loại sơn công nghiệp được nhập về, giúp người ta "rút ngắn" được công đoạn làm nghề. Tuy nhiên, nếu có trình độ, người ta có thể phân biệt được khá dễ dàng. Thí dụ như độ bóng, cái bóng của sơn mài cổ truyền có độ sâu, còn bóng của sơn mài công nghiệp là bóng "giả". Đã vậy, sơn mài công nghiệp lại không bền, trong khi độ bền của sơn mài truyền thống là vài trăm năm, thậm chí còn hơn.

Thấm nhuần vẻ đẹp của sơn mài truyền thống, nghệ nhân Vũ Huy Mến kiên trì giữ gìn, trân trọng mọi công đoạn, đơn cử như công đoạn ủ khô. Sơn mài khô trong điều kiện độ ẩm lý tưởng là khoảng hơn 85%. Để đạt được sự tối ưu ấy, ông duy trì một căn phòng ủ vẫn giữ nguyên nền đất theo nguyên lý các cụ truyền lại. Độ ẩm có âm dương hài hòa như thế mới bảo đảm được bức tranh đẹp. Mỗi lần ủ khô phải mất 10 đến 24 tiếng. Do phụ thuộc vào thời tiết nên mỗi lần sơn rồi ủ, ông phải "trông trời, trông đất" chứ không như sơn công nghiệp, mỗi ngày người ta có thể sơn rồi đợi khô đến vài lần. Ngoài ra, thay vì sử dụng dụng cụ công nghiệp, muốn có sơn mầu cánh gián thì ông quấy sơn bằng thúng gỗ, tre, còn khi cần mầu đen thì cho sơn vào chảo bằng gang để đánh... Mỗi sản phẩm truyền thống của ông phải mất ít nhất vài tháng, có khi tới cả năm mới có thể ra đời.

"Không ủ tranh thì không phải tranh sơn mài truyền thống. Việc bỏ qua rất nhiều công đoạn cũng như không sử dụng sơn ta, tuy tiết kiệm và thời gian, nhưng sẽ không bảo đảm chất lượng, độ bền và sắc mầu đặc trưng của tranh sơn mài truyền thống", nghệ nhân Vũ Huy Mến giải thích.

Do nhận thức của cộng đồng ngày một cao, ngày càng nhiều người hiểu giá trị của sơn mài truyền thống. Giá trị của sản phẩm, tác phẩm sơn mài truyền thống cao hơn đáng kể so với sơn mài công nghiệp, nhưng thị trường vẫn chấp nhận. Điều đó cho thấy sự "bảo thủ" của nghệ nhân Vũ Huy Mến là hướng đi đúng đắn trong bảo tồn di sản làng nghề ở Hạ Thái.