Nghệ nhân trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống

Từ trước Trung thu cả tháng, nghệ nhân Bùi Viết Tưởng ở xã Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội đã vô cùng bận rộn. Càng gần đến ngày rằm tháng 8 (âm lịch), công việc càng nhiều hơn, bởi anh là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường, lịch diễn luôn dày đặc. Song, nghệ nhân Bùi Viết Tưởng còn bận bịu vì một lý do đặc biệt: Anh vừa múa lân, vừa là người làm ra những chiếc đầu lân, anh còn là người truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp nối, yêu mến văn hóa cổ truyền.
0:00 / 0:00
0:00
Một màn biểu diễn của Câu lạc bộ Lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường.
Một màn biểu diễn của Câu lạc bộ Lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường.

Từ đầu tháng 8 (âm lịch) tới nay, anh Bùi Viết Tưởng và đoàn múa lân, múa rồng của mình luôn tíu tít với lịch biểu diễn phục vụ Tết Trung thu. Đoàn múa lân liên tục di chuyển lúc thì vào nội thành, lúc lại trở ra ngoại thành. Sinh năm 1989, nhưng anh Tưởng đã có 14 năm gắn bó với múa lân và làm đầu lân, đầu rồng.

Ngay từ nhỏ, cậu bé Tưởng đã đam mê học hỏi võ thuật. Lớn lên, Tưởng trở thành một võ sư dạy võ cho trẻ em trong vùng. Cùng với đam mê võ thuật, mỗi lần nghe tiếng trống múa lân, tiếng nhạc múa rồng, Tưởng như mê mẩn, háo hức hẳn lên. Vừa luyện võ, anh vừa theo học múa lân, múa rồng.

Nhờ có sức khỏe và các động tác võ thuật, cho nên những màn múa lân, múa rồng của Bùi Viết Tưởng sinh động hơn hẳn. Con lân do anh điều khiển khi thì oai nghiêm, dũng mãnh, khi thì lại uốn lượn thân mình mềm mại, linh hoạt.

cho biết: “”.

.Việc luyện võ bổ trợ cho múa lân rất nhiều. Người luyện võ vừa rắn chắc, vừa dẻo dai, uyển chuyển. Vũ điệu của múa lân lại vừa linh hoạt, vừa oai nghiêm. Tôi rất vui khi múa lân đem đến niềm vui cho mọi người, nhất là trẻ em.

Anh Bùi Viết Tưởng

Ban đầu Tưởng mua các loại đầu lân về múa. Được một thời gian, các đầu lân thường bị hỏng. Cái thì thủng đầu, cái thì hỏng mắt, cái móp sừng... Tưởng mày mò tự tay chỉnh sửa. Mỗi lần tháo ra, lắp vào chỉnh sửa, anh “học lỏm” cách làm của các nghệ nhân khác. Anh quan sát tỉ mỉ cấu tạo của bộ khung, từng chi tiết nhỏ của đôi mắt, cái mũi, cái mồm... của con lân và quyết định làm thử.

Khó nhất vẫn là dựng bộ khung, để sau này khi căng vải và làm các họa tiết trang trí, đầu lân phải vừa bền, chắc, sử dụng được lâu dài, vừa thể hiện được sự oai nghiêm mà cũng có nét hồn nhiên, dí dỏm. Những chiếc đầu lân đầu tiên ra đời bởi chính đôi bàn tay mình khiến anh càng đam mê. “Làm bộ khung của đầu lân tốn nhiều thời gian. Tôi phải lựa chọn vật liệu kỹ càng, sau đó phải uốn để tạo hình. Làm con mắt lân cũng là công đoạn phức tạp.

Đôi mắt phải sinh động, có hồn, có chiều sâu để mỗi khi múa, trẻ em thấy gần gũi, ngộ nghĩnh. Để làm được việc này thì người thợ phải làm việc bằng cả tâm hồn, dùng trí tưởng tượng chứ không phải chỉ bằng đôi tay thông thường. Mỗi khi làm việc tôi thường nghĩ mình muốn truyền tải một hình ảnh con lân như thế nào đến mọi người? Vừa làm tôi vừa rút kinh nghiệm để cho ra đời những sản phẩm tốt hơn”, anh Tưởng chia sẻ.

Không được học nghề chính thức nhưng nhờ có hoa tay, đồng thời, việc vừa là người biểu diễn, vừa là người chế tác giúp Tưởng khắc phục những nhược điểm của đầu lân một cách dễ dàng hơn so với những người thợ thủ công khác.

Anh biết điều chỉnh độ dữ-hiền của từng đầu lân phục vụ cho các buổi diễn khác nhau, điều chỉnh sự chuyển động của mắt, mũi, tai, miệng trên đầu lân sao cho phù hợp với các động tác của người múa.

Ngoài ra, do trẻ em thích mầu sắc sặc sỡ, cho nên anh có những điều chỉnh nhất định về trang trí mầu sắc bên ngoài. Bởi thế, những chiếc đầu lân do gia đình anh làm ra cung cấp cho các đội lân khắp nơi trên cả nước và xuất khẩu ra thế giới. Trung bình mỗi mùa Trung thu, câu lạc bộ đưa ra thị trường khoảng gần 100 đầu lân chuyên dùng để múa.

Từ việc chế tác đầu lân và biểu diễn, Câu lạc bộ Lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường ra đời, vừa đem đến niềm vui cho mọi người, cho các em nhỏ, vừa là nơi Bùi Viết Tưởng truyền cho giới trẻ tình yêu với nghệ thuật truyền thống. Dịp đầu năm lễ hội, câu lạc bộ thường diễn múa rồng, còn vào mùa Trung thu, chủ yếu là múa lân. Ở câu lạc bộ, Bùi Viết Tưởng không chỉ dạy nghề, anh còn quan tâm đến rèn luyện đạo đức cho các em.

Sau những buổi biểu diễn dịch vụ, anh luôn cùng mọi người trích một phần tiền thù lao để gây quỹ. Số tiền này được thầy trò võ sư Tưởng dùng để thăm hỏi các học viên trong câu lạc bộ mỗi khi đau ốm, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, mỗi năm anh và các học trò sẽ trích quỹ tiết kiệm được để đi thiện nguyện, thăm, tặng quà những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn.

Mỗi mùa Trung thu, Câu lạc bộ Tưởng Nghĩa Đường bận bịu hơn, bởi vừa làm dịch vụ để duy trì hoạt động, vừa có những buổi diễn miễn phí cho cộng đồng. Chia sẻ về tương lai, anh Bùi Viết Tưởng mong rằng, các bạn trẻ sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ văn hóa cổ truyền, anh luôn hy vọng thế hệ trẻ có thể tiếp nối, khôi phục lại những giá trị truyền thống của dân tộc.