Bốn thế hệ giữ nghiệp dựng nhà cổ

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết có bốn đời giữ nghề điêu khắc truyền thống. Nhưng thế hệ thứ tư của gia đình ông không chỉ hài lòng với kiến thức "cha truyền con nối", mà quyết tâm theo học những kiến thức từ trường lớp để trở về nối nghiệp gia đình.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết (thứ hai từ trái sang) trao đổi với các nhà nghiên cứu về điêu khắc Việt Nam truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết (thứ hai từ trái sang) trao đổi với các nhà nghiên cứu về điêu khắc Việt Nam truyền thống.

Vẫn biết Hà Nội có nhiều làng nghề điêu khắc nổi tiếng, nhưng khi tham quan trưng bày điêu khắc gỗ nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, ai cũng ngạc nhiên về độ tinh xảo của những sản phẩm. Những chiếc tủ thờ, bức phù điêu, họa tiết… được đục chạm nhiều hình trang trí sắc nét. Chủ nhân của những "bộ sưu tập" là nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết, đến từ làng nghề điêu khắc gỗ truyền thống Áng Phao (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai). Sản phẩm của làng nghề có nhiều loại, bàn ghế, sập gụ, tủ chè… lối cổ. Nhưng "đặc sản" của Áng Phao chính là nhà cổ. Một nếp nhà truyền thống, có thể coi là nơi hội tụ tinh hoa của nghề mộc, từ những kỹ thuật tính toán, lắp ghép, cho đến những bức chạm khắc, trang trí.

Áng Phao có nhiều hộ giữ nghề. Nhưng xưởng của nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết là lớn nhất, chuyên làm nhà cổ và các loại đồ thờ. Dù là chủ của một xưởng có hơn 40 lao động, doanh thu vài chục tỷ đồng mỗi năm, nhưng nhìn nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết ít ai nghĩ đó là một ông chủ. Lối ăn mặc giản dị, mộc mạc, cùng cách nói chuyện chậm rãi, khiêm tốn. Ông giống như một bác thợ cả lành nghề, ham công tiếc việc. Mà ông Quyết đúng một "bác cả" thật. Nghề mộc xưa toàn làm thủ công, vất vả, nên người ta nói "nhất thổ, nhì mộc". Thế mà mới hơn 10 tuổi, cậu bé Quyết ngày ấy đã bắt đầu thạo nghề. Ðến năm 14-15 tuổi thì tay đục, tay chạm đã thuần thục! Hỏi chuyện thì ông Quyết tủm tỉm bảo: "Ông thân sinh ra mình cũng là thợ cả mà". Không chỉ đời bố, theo ông Quyết, đời ông nội ông đã làm nghề mộc rồi. Mà gia đình toàn thợ có tiếng. Nối nghiệp không chỉ vì mưu sinh, mà còn có trách nhiệm ở đó.

Hà Nội có nhiều làng nghề điêu khắc, nghề dựng nhà cổ với những thương hiệu mạnh như Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), Phù Yên (Chương Mỹ)… Ðâu cũng khéo nghề. Nhưng "nhà cổ ông Quyết" có một chỗ đứng riêng. Trước hết là khâu lựa chọn, xử lý gỗ. Các cụ ngày xưa làm ra những ngôi nhà có tuổi đời mấy trăm năm. Kể cả gỗ xoan, dù rẻ tiền, nhưng nếu xử lý đúng kỹ thuật, tuổi đời cũng rất cao. Mỗi căn nhà đều được ông tính toán, xử lý cẩn thận từ khâu nguyên liệu. Từ chỗ tinh thông các ngón nghề, ông Quyết có những cải biên, sáng tạo, thích ứng cho phù hợp thực tế xã hội bây giờ. Thí dụ nhà cổ cũng cần phải có máy điều hòa, cần công trình phụ… và nhiều tiện ích khác. Ông Quyết đã "tích hợp" một cách hợp lý những yêu cầu mới vào nếp nhà ba gian, năm gian cũ.

Dù bận công việc điều hành nhiều công trình một lúc, ở khắp các tỉnh, thành phố, ông vẫn trực tiếp "ra mực" (vẽ mẫu). Ông Quyết chia sẻ: "Có thể là cho ra những họa tiết mới phù hợp với yêu cầu, nhưng điều căn bản là phải thể hiện được rõ chất truyền thống của những mẫu trang trí". Dù bây giờ máy đục được ứng dụng nhiều, nhưng "đồ mộc ông Quyết", thợ vẫn hoàn toàn đục tay, chỉ những phần việc bào trơn, đóng bén mới dùng máy móc. Sản phẩm đục tay khiến cho các họa tiết trang trí, dù là rồng phượng hay hoa lá, đều có hồn so với đục máy giống nhau tăm tắp. Không chỉ có khách hàng Hà Nội, ông còn được khách hàng ở cả những vùng có nghề mộc nổi tiếng như Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Ðịnh… thuê dựng nhà, hoặc đặt hàng sản phẩm.

Xuất hiện trong triển lãm và trực tiếp cầm đục chạm trổ những họa tiết hoa văn cho khách trải nghiệm còn có con trai ông Quyết là anh Nguyễn Văn Chiến. Vốn thừa kế đam mê nghề điêu khắc của cha ông, nhưng Chiến không bằng lòng với việc chỉ học hỏi kiến thức "làng". Lớn lên, Chiến đã theo học chuyên ngành Bảo tồn-Bảo tàng tại Ðại học Văn hóa Hà Nội. Bây giờ, anh hỗ trợ cho công việc của gia đình. Ðiều đặc biệt ở Chiến chính là kết hợp những kiến thức chuyên sâu về mỹ thuật, di sản truyền thống với kinh nghiệm làm nghề của gia đình. Nhờ thế, anh có nhiều sáng tạo trong hoạt động sản xuất, bảo đảm tính truyền thống và vẫn phát huy được các công năng hiện đại của sản phẩm. Trên cơ sở hiểu biết về mỹ thuật truyền thống, Chiến rất chú trọng phục hồi một số sản phẩm hay họa tiết, hoa văn đã thất truyền hoặc ít được sử dụng. Trong triển lãm lần này, gia đình anh đem đến một bức phù điêu chim phượng được chạm khắc theo phong cách đời Lý và được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao.

Từ đời cha đến đời con giữ nghề điêu khắc truyền thống. Nhưng không hài lòng với kiến thức "cha truyền con nối", mà kết hợp với kiến thức từ trường lớp. Ðó chính là biện pháp "nâng tầm" nghề truyền thống mà cha con ông Nguyễn Văn Quyết đang thực hiện ■ 

Giang Nam