Xúc tiến thương mại "online"

Do dịch Covid-19, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới áp dụng các hạn chế về xuất, nhập cảnh. Do đó, các đơn vị, doanh nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tuyến để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.

Vải thiều Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận.
Vải thiều Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận.

Từ ngày 25 đến 27/6, tại Trung tâm thương mại Aeon Lake Town (tỉnh Saitama) và 350 cửa hàng trong chuỗi bán lẻ của Tập đoàn Aeon tại Nhật Bản đã diễn ra "Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon - Nhật Bản". Ðây là hoạt động hằng năm do UBND thành phố Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp Tập đoàn Aeon tổ chức, thuộc Ðề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài", hướng tới đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch (HPA) Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức chương trình. Ðể sự kiện có thể diễn ra bảo đảm tính liên tục của đề án và cam kết giữa các bên, từ đầu năm 2021, đơn vị tổ chức đã xây dựng các phương án triển khai thích ứng với tình hình dịch bệnh. Bên cạnh việc giới thiệu trực tiếp tại cửa hàng, các nông sản, thực phẩm, hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam như mì ăn liền, phở khô, bánh tráng, gia vị, cà-phê, thủy sản, dệt may, da giày, quả vải tươi... đã được đẩy mạnh giới thiệu, kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến của Tập đoàn Aeon bằng nhiều hình ảnh, clip sinh động. Qua các kỳ tổ chức, đến nay chương trình "Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon - Nhật Bản" đã hỗ trợ hơn 100 lượt doanh nghiệp của 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam tham dự quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng Nhật Bản.

Dịch Covid-19 cũng khiến hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại Pháp khó tổ chức. Do đó, Trung tâm HPA đã phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Pháp và siêu thị Thanh Bình Jeune tổ chức xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến nhằm tiếp tục quảng bá hàng Việt. Sau chương trình, một số doanh nghiệp Việt Nam đã kết nối để đưa nông sản tiêu thụ trên kênh phân phối này.

Dịch Covid-19 lan rộng, nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp Việt Nam, đã áp dụng những giới hạn trong xuất, nhập cảnh, tổ chức sự kiện tập trung đông người, do đó kênh giao thương truyền thống bị "đóng băng". Ðể có thể tiếp tục quảng bá sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã nhanh nhạy, chuyển đổi từ mô hình tham gia hội chợ trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế do những rào cản về trình độ công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, ngoại ngữ... Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa làm quen với việc sử dụng công nghệ trong quá trình bán hàng, quảng bá sản phẩm…

Ðại diện Trung tâm HPA cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử trong nước và nước ngoài, HPA đã vận hành website Nông sản an toàn, hỗ trợ 300 doanh nghiệp kết nối với sàn thương mại điện tử Sendo quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HPA còn liên kết với các website Tự hào hàng Việt, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…, đẩy mạnh quảng bá hàng Việt tới người tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế.

Để hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, giảm ảnh hưởng do dịch Covid-19, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND triển khai đề án huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Theo kế hoạch này, thành phố yêu cầu các sở, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Hà Nội đủ điều kiện xuất khẩu phù hợp từng thị trường; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; phát triển liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ðồng thời, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông - lâm - thủy sản thực phẩm TP Hà Nội (check.gov.vn), sẵn sàng kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; góp phần minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý xuất, nhập khẩu. Trong đó, giải pháp đưa hàng Việt vào kênh phân phối của nước ngoài tại thị trường Việt Nam để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cũng được các đơn vị chức năng triển khai.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19, xúc tiến thương mại "online" đang là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt. Trong những điều kiện có thể, trung tâm sẽ triển khai các chương trình tập huấn, hỗ trợ để doanh nghiệp có thể nắm bắt và chủ động trong quá trình chuyển đổi số, qua đó "vượt bão" Covid thành công" - Phó Giám đốc Trung tâm HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết.