Hai bức Tứ phủ công đồng và Ngũ hổ có cùng kích thước 1,4 m x 1,8 m của dòng tranh Hàng Trống được lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội chọn lựa đặt ở vị trí trang trọng nhất trong triển lãm 12 dòng tranh dân gian Việt Nam mở cửa từ tháng 8-2016. Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, không phải vì đây là bức tranh Hàng Trống có kích thước lớn nhất từ trước đến nay, mà bởi sự hài hòa về mầu sắc, sự tinh tế đến vi diệu trong từng nét vẽ, sự linh hoạt trong chuyển sắc thái đậm nhạt của từng gam mầu.
Ðặc biệt là ở bức Tứ phủ công đồng, các vị thánh của người Việt vừa gợi lên sự sùng kính, vừa gần gũi qua bức tranh. Và điều đặc biệt hơn, hai tác phẩm đó không mặc nhiên thuộc về nghệ nhân Lê Ðình Nghiên như mọi người vẫn nghĩ. Ðó là sản phẩm chung của nghệ nhân Lê Ðình Nghiên và người con trai Lê Hoàn. Nghệ nhân trẻ Lê Hoàn chia sẻ về bức tranh này: "Hai bức tranh khổ lớn này tốn rất nhiều công sức. Hai cha con phải "đánh vật" trong mấy tháng trời, nhất là bức Tứ phủ công đồng. Em có thể làm hầu hết các mẫu tranh Hàng Trống, nhưng đây là lần đầu tiên có tác phẩm chung với bố đi triển lãm".
Từ lâu lắm, khi nói đến tranh Hàng Trống - dòng tranh cổ truyền nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội, mọi người vẫn nghĩ chỉ còn mỗi mình nghệ nhân Lê Ðình Nghiên theo nghề, mà không mấy ai biết rằng, nghệ nhân trẻ Lê Hoàn cũng có hơn mười năm tuổi nghề. Chuyện nối nghiệp của Lê Hoàn không bằng phẳng. Sinh ra và lớn lên bên những mầu, những bút, những tranh nhưng Hoàn không "ngấm" ngay. Năm 12 tuổi, một hôm đi học về, Hoàn được bố giao cho một chiếc bút để tập vẽ, tập tô. Con nhà nòi nên Hoàn học khá nhanh. Một thời gian đã tô thành thạo những chi tiết đơn giản trên bức tranh. Nhưng nếu cha con Hoàn sống ở một làng quê có lẽ lại khác. Cuộc sống đô thị bao điều hấp dẫn. Lọ mọ với những bức tranh "cổ điển" có khi bạn bè lại cười cho. Mà tranh Hàng Trống cực kỳ tinh tế, người thợ phải gò lưng bên tranh từ sáng đến tối mới xong việc.
Hoàn bị "cuốn" đi cùng với cuộc sống hiện đại. Mãi khi thấy bố đã cao tuổi, mà ai ai cũng nói tranh Hàng Trống là vốn quý, Hoàn mới bắt đầu suy nghĩ. Hoàn đến nơi công tác của bố - Phòng Phục chế, Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, hiểu thêm về giá trị của tranh truyền thống Việt Nam và được các cô chú ở đó động viên nên theo nghề. Lúc này, nhu cầu "trở về" mới thật sự thôi thúc. Vừa theo bố học vẽ, vừa tìm hiểu thêm về nghệ thuật tranh dân gian nói chung, tìm hiểu những nét văn hóa của tranh Hàng Trống nói riêng.
"Khi 17, 18 tuổi, em bắt đầu tự mình hoàn thiện được những bức tranh đơn giản như bức Lý ngư vọng nguyệt, hay bức Tứ quý... Nhưng nếu nói yêu, nói say mê ngay từ lúc ấy thì chưa hẳn. Thế giới tranh Hàng Trống đa dạng, ngoài kỹ thuật, thì mỗi đề tài tranh là một câu chuyện văn hóa. Phải có thời gian thẩm thấu thì mới yêu, mới say mê. Và khi đó em quyết tâm theo nghề", Lê Hoàn chia sẻ. Lâu nay, người ta vẫn nghĩ tranh Hàng Trống dùng ván khắc nét, sau đó, người nghệ nhân chỉ việc "vờn" mầu. Cái khó của "vờn" mầu là tạo nên những sắc độ khác nhau, cho dù là cùng một gam mầu để tạo hiệu ứng thị giác cho tác phẩm.
Sự thật hóa ra khác xa như thế. Chỉ có khoảng 40 đến 50 mẫu dùng ván khắc. Những bức như Tố nữ, Tứ dân (ngư, tiều, canh, mục), Tứ quý (Bốn mùa), Lý ngư vọng nguyệt... đều làm theo lối này. Ðó là những bức in, rồi vờn mầu để bán đại trà. Ðỉnh cao của tranh Hàng Trống nằm ở những bức tranh không dùng ván khắc. Mà những mẫu này có cả trăm, nhất là những mẫu tranh thờ. Ví như bức Tứ phủ công đồng, bản can (bản mẫu) của mẫu tranh này rất sơ sài, chỉ định hình những bố cục và một số nét rất cơ bản. Người thợ phải chuyển bản can này lên giấy dó đã được bồi theo kích thước nhất định, từ đó mới vẽ, các chi tiết của khuôn mặt, cho đến vờn mầu đều phải thực hiện bằng tay gần như 100%. Những bức tranh Hàng Trống thường rực rỡ sắc mầu, mỗi bức có khi dùng đến mấy chục mầu khác nhau, mà lại dùng mầu nước, khi vẽ xong thường phải đợi mầu khô mới tiếp tục vẽ mầu khác. Ðây là khác biệt cơ bản so với tranh Ðông Hồ, vì tranh Ðông Hồ phần lớn dùng ván in nên có thể sản xuất hàng loạt nhanh chóng hơn.
Vẽ tranh Hàng Trống đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì. Song, bù lại, ở từng bức vẽ, dấu ấn của người nghệ nhân khá rõ và ở những bức không dùng ván khắc, tác phẩm làm ra là độc bản, cho nên có giá trị sưu tập khá cao. Nghĩ đến bạn bè cùng trang lứa bay nhảy, còn mình gò lưng cặm cụi với tranh, nhiều lúc Lê Hoàn cũng "tủi". Nhưng rồi tình yêu, trách nhiệm với nghề gia truyền khiến Hoàn dành tâm huyết để nối nghiệp cha. Nghệ nhân trẻ Lê Hoàn cho biết, chính giá trị độc bản này là yếu tố thách thức người nghệ nhân nhưng cũng làm cho người nghệ nhân say mê với nghề.
Sinh năm 1988, đến giờ, Lê Hoàn đã trải qua mười năm vẽ tranh Hàng Trống. Việc Lê Hoàn được công tác ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với công việc phục chế tranh giấy cổ cũng là thuận lợi lớn để Hoàn gắn bó với nghề. Lê Hoàn cho biết, những bức tranh ở triển lãm 12 dòng tranh dân gian Việt Nam mới chỉ là khởi đầu. Trong tương lai, Hoàn sẽ thực hiện một triển lãm cho riêng mình. Nhưng vẫn còn nhiều điều phải cố gắng. Mười năm với một nghề đòi hỏi kỳ công như tranh Hàng Trống còn quá ngắn. Giờ là lúc Hoàn nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ người cha, phòng lúc ông cao tuổi run tay. Câu chuyện nối nghiệp của nghệ nhân trẻ Lê Hoàn cho ta thấy sức sống mạnh mẽ của tranh Hàng Trống. Chính bề dày văn hóa của nó đã làm nên tình yêu, niềm đam mê.