Nối nghiệp thiên nga bông

Bên mâm cỗ trông trăng của người Hà Nội xưa thường có một cặp thiên nga bông trắng muốt đặt trong chiếc lẵng nhỏ. Vừa “làm cảnh”, vừa là thứ đồ chơi đặc biệt mà đứa trẻ nào cũng mong ước. Cả Hà Nội chỉ mình cụ Vũ Thị Thanh Tâm còn giữ nghề làm thiên nga bông. Tưởng rằng nghề ấy sẽ đi theo cụ khi đôi tay yếu dần và cụ cũng ngoài 90. Nhưng giờ, cụ đã có người nối nghiệp...
 

Nghệ nhân Quách Thị Bắc thực hiện công đoạn làm thiên nga bông.
Nghệ nhân Quách Thị Bắc thực hiện công đoạn làm thiên nga bông.

Mùa Trung thu năm nay, gia đình bà Quách Thị Bắc không được mở quầy hàng bán thiên nga bông. Nhưng bà Bắc vẫn có niềm vui nho nhỏ khi là khách mời trong chương trình “Trung thu sum vầy” của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Với người Hà Nội cũ, thiên nga bông là món đồ chơi độc đáo, như một niềm tự hào về sự lịch thiệp, tinh tế trong lối chơi. Từng là món đồ chơi phổ biến, nhưng rồi, món đồ chơi này mai một theo thời gian. Người biết đến thiên nga bông ngày càng ít. Món đồ chơi cũng gần như biến mất khỏi thị trường. Cả Hà Nội chỉ còn mỗi cụ Vũ Thị Thanh Tâm ở phố Hàng Lược còn giữ được nghề. Nhưng đấy là câu chuyện cũ. Bà Bắc chính là người kế thừa những kỹ thuật làm thiên nga bông của cụ.

Hơn 30 năm trước, chị Bắc về làm dâu cụ Vũ Thị Thanh Tâm. Trước đó, chị chưa từng biết về món đồ chơi này. Nhưng chị mê ngay từ lần đầu nhìn thấy. Đó là khi đến nhà anh Ngô Văn Tấn - người yêu chị thuở ấy, thấy mẹ chồng tương lai ngồi làm những con thiên nga bông trắng muốt. Công việc hết sức tỉ mẩn. Đầu tiên là phải lấy giấy gấp làm thân thiên nga, sau đó nhồi bông vào bên trong cho cứng. Cổ thiên nga được uốn bằng dây thép gắn vào thân. Người thợ lấy bông y tế phủ toàn bộ thân và cổ thiên nga rồi tiếp tục dùng nước hồ phết cho thân và cổ thiên nga sao cho thật mịn. Đây cũng là công đoạn khó nhất để làm nên một con thiên nga đẹp, bởi nếu bóc bông và phủ không khéo, bông sẽ rối hoặc xoắn, thiên nga sẽ không đẹp. Để làm cánh thiên nga, phải dùng bông bóc thành từng lớp mỏng, dàn đều ra rồi phết hồ, dán nhiều lớp bông vào với nhau, ép cho phẳng, sau đó, lấy miếng bông ép mỏng này cắt thành những đôi cánh... Khi hoàn thành, lẵng thiên nga hiện ra đẹp trang nhã, sang trọng. Mê nên khi chưa chính thức làm dâu, chị Bắc đã bắt đầu tập làm thiên nga bông cùng cụ Tâm. Đến khi làm dâu thì học làm một cách bài bản. “Xưa, cả nhà làm trước cả tháng mới đủ hàng để bán. Thời hưng thịnh đó, mỗi mùa phải đến nghìn lẵng thiên nga bông”, bà Bắc nhớ lại.

Càng làm, thì càng “ngấm”, càng tự hào về lối chơi của người Hà Nội, cho dù đó chỉ là những món đồ chơi dành cho trẻ em. Làm kỳ công, thu nhập lại không bao nhiêu, có lúc bà Bắc định bỏ. Cụ Tâm đã già yếu, gia đình không ai phụ việc. Chồng bận, con trai thì ngại việc tỉ mỉ. Bà toàn loay hoay làm một mình. Đã thế, có giai đoạn hàng không dễ bán. Nhưng rồi cứ gần Trung thu, trong lòng lại xốn xang, lại mua nguyên vật liệu về làm... Cũng nhờ thế, mà bà Bắc giữ nghề được đến bây giờ, khi cộng đồng quan tâm hơn đến văn hóa truyền thống. Giờ về hưu bà có nhiều thời gian dành cho nghề hơn. Những năm gần đây, nhiều khách hàng đặt bà làm từ sớm, nhất là các cơ quan, tổ chức, trường học... không chỉ để trưng bày, mà còn giới thiệu về thiên nga bông cho bọn trẻ. “Làm “con bông” (thân mình con thiên nga) phải cẩn thận lắm, đấy cũng là khâu khó nhất. Làm xong, phải phơi phóng sạch sẽ. Công đoạn trang trí lẵng, cắt dán hoa... thì đơn giản hơn. Chúng tôi thường làm “con bông” trước. Đến khi sắp bán hàng thì làm nốt phần còn lại”, bà Bắc cho biết. Năm nay, do dịch bệnh, không thể bán hàng như mọi khi, nhưng vẫn có nhiều khách đặt hàng và thuê người chuyển đến.

Tết Trung thu của Hà thành luôn có những nét riêng. Thiên nga bông là một trong số ấy. Có những nét đẹp tưởng đã phôi pha, nhưng rồi lại trở về. Đấy là câu chuyện của nhiều món đồ chơi dân gian, của con giống bột, mặt nạ giấy bồi... và bây giờ là của thiên nga bông. Những nét đẹp văn hóa, được gìn giữ, bồi đắp bởi bàn tay của những con người bình dị ■