Giữ hồn âm thanh Việt

Sinh ra ở làng đàn Đào Xá, là con của Nghệ nhân Ưu tú duy nhất của làng, nhưng anh Đào Anh Tuấn lại chọn con đường lập nghiệp theo hướng khác. Nhưng rồi, sau những bôn ba, khi đã qua nhiều trải nghiệm cuộc sống, anh Tuấn mới hiểu nỗi lòng, hiểu công việc của cha anh. Tiếng đàn Đào Xá đã “gọi” anh về...

Nghệ nhân Đào Anh Tuấn giới thiệu những nhạc cụ do gia đình mình sản xuất.
Nghệ nhân Đào Anh Tuấn giới thiệu những nhạc cụ do gia đình mình sản xuất.

Vẻ ngoài mộc mạc, thô tháp, anh Đào Anh Tuấn mang dáng vẻ của một nông dân, một bác thợ mộc hơn một nghệ nhân. Nhưng khi ngồi xuống với những dụng cụ làm đàn, khi cầm những cây đàn lên để “thẩm âm”, anh như trở thành con người khác. Tỉ mỉ, cầu kỳ và đầy đam mê. Đào Xá là làng chế tác đàn duy nhất ở Hà Nội, có tuổi đời đến hơn 300 năm. Ở mảnh đất văn vật này, nơi thế hệ nào cũng có những lãng tử, những tao nhân mặc khách thì sự hiện diện của Đào Xá như một lẽ đương nhiên. Những người thợ Đào Xá xưa lên khu 36 phố phường lập nghiệp, lập ra hẳn một phố Hàng Đàn một thời sầm uất. Phố Hàng Đàn giờ không còn, nhưng người Đào Xá vẫn trung thành với nghề xưa. Câu chuyện của anh Tuấn là một câu chuyện “lạ”. 

Nói đến đàn Đào Xá, không ai không biết đến nghệ nhân Đào Văn Soạn. Ông là người hội tụ những tinh hoa của làng nghề. Anh Tuấn là con trai nghệ nhân Đào Văn Soạn. Lớn lên bên những cây đàn của cha, lẽ thường phải theo nghề. Nhưng anh lại chọn con đường khác để lập nghiệp. Ông Soạn vẫn cứ kỳ cạch trong xưởng gỗ, ngày ngày vẫn cứ “tịch, tang” thẩm âm. Còn người con trai thì vẫn cứ bình thản với công việc của mình. “Tôi theo nghiệp làm đàn muộn. Cũng bởi mình chưa hiểu đàn. Nhưng tôi thấy cha tôi say mê quá. Đến khi cụ ngoài 70 tuổi, ngay cả lúc trái gió trở trời vẫn cứ cặm cụi bào, đục làm đàn. Tôi thương ông cụ. Dần dần, khi nghe tiếng đàn, khi được những người nghệ sĩ, nghệ nhân chia sẻ về âm nhạc, về tiếng đàn, tôi mới cảm nhận được cái đẹp của nghề làm đàn, thế rồi tôi mới quay lại với nghề. Tôi học nghề từ chính bố tôi”, anh Đào Anh Tuấn chia sẻ.

Sinh năm 1968, anh Tuấn mới có hơn chục năm tuổi nghề. Nhưng câu chuyện nghề nghiệp của anh là một điển hình cho “chất” gia truyền. Dù thời trẻ không thật sự để tâm, song, do sống cùng những cây đàn từ bé, quen với những âm thanh khi cha thử đàn, quen với những kỹ thuật từ sấy gỗ, đóng thùng, lên dây... nên anh “bắt” vào công việc rất nhanh. Anh nhận ra công việc của cha mình là cả một thế giới. Gia đình anh làm hơn chục loại đàn, tất cả đều là đàn truyền thống, bộ dây. Mỗi loại như đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn đáy, đàn tỳ bà, đàn chanh, đàn bầu... lại có những kỹ thuật khác nhau. Thùng đàn chỉ dày, mỏng hơn nhau một chút xíu, non tay đục, già tay bào là đem đến những kết quả khác nhau. Cây đàn là phương tiện để người nghệ sĩ thể hiện tài hoa, tâm tư, tình cảm. Một cây đàn tốt, sẽ là “trợ thủ” đắc lực cho người nghệ sĩ truyền tải những cái hay, cái đẹp đến công chúng. Bởi thế, một cách tự nhiên, anh phải hiểu thêm về âm nhạc, hiểu thêm về nhu cầu của từng người chơi nhạc cụ. Cũng là cây đàn nguyệt, khi vào một giá hầu đồng với cung văn, độ trầm, độ bổng khác hoàn toàn so với một cây đàn nguyệt khi độc diễn, hay khi tham gia hòa âm một bản nhạc. Có lẽ anh cũng được thừa hưởng khả năng “thẩm âm” của người cha, nên dù không học hành về nhạc lý, anh cũng biết chính xác âm thanh một cây đàn sẽ như thế nào, ngay từ khi hoàn thiện, chứ chưa cần đến lúc so dây, chơi thử.

“Nghề làm đàn không có công thức cụ thể nào cả. Nếu công thức chung nhất thì gần như chỉ có “thành trắc, mặt vông”, tức thùng đàn làm bằng gỗ trắc, mặt đàn bằng gỗ vông. Còn lại, các gia đình đều truyền miệng cho nhau cách làm. Muốn cho ra một cây đàn hay, thì người thợ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Mình không hiểu sâu về âm nhạc, nhưng tự mình chú ý theo dõi, thử nghiệm, mình phải lắng nghe phản hồi của các nghệ sĩ, của người chơi thì sẽ làm ra cây đàn tốt. Đôi khi, mình cũng phải có những cải tiến nhất định theo cảm nhận của mình”, anh Tuấn cho biết thêm. Cứ thế, hằng ngày, anh Tuấn dấn thân sâu hơn vào thế giới của nhạc cụ truyền thống. Gia đình anh hiện sản xuất 15 loại đàn dân tộc tất cả. 

Bây giờ, bên cạnh thương hiệu “đàn Đào Soạn”, khi về Đào Xá, người ta còn mách nhau về thương hiệu “đàn Đào Tuấn”. Một tình yêu nở muộn và chín muộn. Nhưng nó đang góp phần nuôi dưỡng một làng nghề. Ban đầu là công việc, còn bây giờ là cả đam mê. Có bắt tay vào mới hiểu nghề làm đàn có nhiều thú vị. Khâu làm việc nào cũng có những điều đặc biệt. Còn nữa, đấy là điều tự hào khi góp phần gìn giữ “âm thanh của dân tộc”. Anh Tuấn tâm sự như thế.