Dãy Trường Sơn chạy qua tỉnh Nghệ An trở thành hành lang xanh giữa hai nước Việt Nam-Lào. Đồng bào hai nước dù sinh sống hai bên biên giới nhưng đồng điệu về văn hóa, phong tục, tập quán đã gắn kết họ lại với nhau.
Đặc biệt từ khi hai nước láng giềng xây dựng mô hình kết nghĩa bản-bản, từ đó góp phần xây dựng tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa chính quyền, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước; nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và phát triển kinh tế-xã hội.
Sắt son một dải biên cương
Bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào) là bản biên giới với xã Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An). Đây là bản vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của nước bạn Lào.
Năm 2013, cụm bản-bản: Mường Phú, xã Thông Thụ và Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn kết nghĩa dưới sự hỗ trợ đắc lực của Đồn Biên phòng Thông Thụ. Từ đó cho đến nay hai bản đã hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, văn hóa, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo mối đoàn kết hữu nghị.
Đồn biên phòng Thông Thụ hướng dẫn người dân bản Nậm Táy (Lào) trồng cam. |
Trung tá, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thông Thụ Lê Chí Nguyện cho biết: Bộ đội Biên phòng Nghệ An và bản Mường Phú đã đóng góp xây tặng bà con bản Nậm Táy một trường học, một nhà văn hóa cộng đồng, ba nhà đại đoàn kết cho ba gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Cử cán bộ có kinh nghiệm của đồn và bản sang xây dựng mô hình điểm về phát triển kinh tế ở bản Nậm Táy như trồng cam, thả cá giống, nuôi lợn sinh sản,... Hiện, việc hỗ trợ cây, con giống cùng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vẫn được duy trì thường xuyên.
Trưởng bản Mường Phú Lương Văn Nguyên chia sẻ: Nhân các ngày lễ lớn, Tết cổ truyền dân tộc của hai nước, chính quyền và nhân dân các bản kết nghĩa đã phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ. Mỗi khi hai bản thăm nhau, chỉ có bao nếp, chén rượu,... nhưng chứa chan tình anh em.
Bộ đội biên phòng Nghệ An: Xây dựng biên giới bình yên
Nhân dân hai bản còn giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách thức phòng trừ dịch bệnh, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, từ đó nâng cao đời sống của người dân hai bên biên giới.
Chợ biên Việt-Lào, nơi gặp gỡ, giao thương của nhân dân huyện Kỳ Sơn và các huyện nước bạn Lào. |
Đặc biệt, năm 2018, bản Mường Phú bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Với tinh thần “tương thân tương ái”, mặc dù còn khó khăn nhưng bản Nậm Táy và bản Pạ Pục đã hỗ trợ 600kg gạo, ngô, bầu bí cùng nhiều nhu yếu phẩm khác cho nhân dân Mường Phú, Trưởng bản Mường Phú chia sẻ.
Bí thư, Trưởng bản Nậm Táy Xeng Khăm tâm sự: Hai dân tộc Lào và Việt Nam đoàn kết để cùng nhau bảo vệ biên giới và phát triển. Đặc biệt bản Nậm Táy được huyện Quế Phong, Đồn Biên phòng Thông Thụ cùng xã Thông Thụ và bản Mường Phú thường xuyên thăm hỏi, chỉ bảo cách chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ cây giống, xi-măng...
Đồn Biên phòng Thông Thụ còn chỉ cách điều hành cho Ban Quản lý bản, chi bộ; dạy tiếng Việt; chấm dứt tình trạng xâm canh, xâm cư trái phép… Từ đó không có cảm giác núi sông cách trở, Việt-Lào như anh em một nhà.
Đứng chân trên địa bàn hai xã Nậm Cắn và Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn quản lý, bảo vệ gần 27km đường biên giới và tám cột mốc.
Thời gian qua, ngoài nhiệm vụ chính trị giao phó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới.
Hiện trên địa bàn, đơn vị quản lý có ba cặp bản-bản kết nghĩa và hai chi hội phụ nữ và đơn vị Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn ký kết nghĩa với Đồn Công an 31 (Lào).
Tổ chức Lễ ký kết nghĩa bản-bản ở biên giới huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). |
Chính trị viên Đồn cửa khẩu Nậm Cắn Thượng tá Phan Nhật Thành chia sẻ: Các hoạt động đối ngoại biên giới, đối ngoại nhân dân luôn được tăng cường và mở rộng cả về hình thức và nội dung.
Hai bên thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc hai bên biên giới.
Như dịp Tết Lào năm 2024, hai bản Huồi Pốc và bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn đã qua thăm và tặng quà cho hai bản kết nghĩa Phà Vén và Thăm Poọng, cụm bản Noọng Hét Tây, huyện Noọng Hét với tổng giá trị quà 50 triệu đồng.
Ngoài ra, định kỳ, các đơn vị kết nghĩa tổ chức giao ban để trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động vượt biên, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, xâm phạm tài nguyên, phá hoại môi trường; phòng chống di cư tự do, tranh chấp nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép giữa nhân dân các bản hai bên biên giới.
Hai bên còn hỗ trợ nhau trong khuyến nông, phát triển kinh tế, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa. Trong đó chợ biên giới Nậm Cắn, họp vào chủ nhật hằng tuần đã trở thành nơi giao thương, trao đổi hàng hóa, gặp gỡ giao lưu văn hóa của nhân dân hai bên biên giới.
Hội nghị giao ban giữa huyện Kỳ Sơn và các huyện nước bạn Lào, cụm Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. |
Kỳ Sơn là huyện 30a biên giới có 21 xã và thị trấn, trong đó 11 xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào với bốn huyện của tỉnh Xiêng Khoảng và huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn.
Trong những năm qua, cùng với việc tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao đời sống của nhân dân vùng biên giới, công tác đối ngoại nhân dân với các huyện nước bạn Lào luôn được quan tâm.
Hiện 12 bản của huyện Kỳ Sơn kết nghĩa với 13 bản nước bạn Lào và vẫn duy trì hoạt động thường xuyên.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe khẳng định: Hằng năm, ngoài giao ban định kỳ giữa các huyện hai bên biên giới, Kỳ Sơn còn chủ động xây dựng quy chế riêng với các huyện biên giới nước bạn; chủ động liên lạc, kết nối bằng nhiều hình thức với các lãnh đạo địa phương các cấp của nước bạn để trao đổi, giải quyết những vấn đề phát sinh trên tuyến biên giới.
Bên cạnh đó, huyện Kỳ Sơn cũng coi trọng đặc biệt công tác đối ngoại nhân dân để thực hiện mục tiêu “3 yên”: yên dân, yên địa bàn, yên biên giới. Nhờ vậy mà thời gian qua, sự gắn kết giữa chính quyền, nhân dân Kỳ Sơn và các tỉnh, huyện nước bạn Lào không ngừng được vun đắp, trên tinh thần cùng giữ gìn, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện của hai quốc gia, hai dân tộc.
Thắt chặt tình hữu nghị bên dãy Trường Sơn
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An quản lý, bảo vệ đoạn biên giới đường bộ dài 468,281km, tiếp giáp 3 tỉnh: Houaphanh, Xieng Khouang, Bolikhamxay (nước bạn Lào).
Khu vực biên giới đất liền tỉnh Nghệ An có 246 thôn, bản thuộc 27 xã biên giới, trong đó, có 82 bản giáp biên. Khu vực biên giới ba tỉnh nước bạn có 40 bản giáp biên.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới vùng biên giới
Theo Thiếu tá Hà Huy Thành, Trưởng ban Vận động quần chúng (Bộ đội Biên phòng Nghệ An): Để phát huy vai trò của quần chúng nhân dân hai bên biên giới trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, ngày 16/4/2013, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Chỉ thị số 12/2013/CT-UBND về việc tổ chức phong trào kết nghĩa giữa các cụm dân cư (bản-bản) hai bên tuyến biên giới Việt Nam-Lào trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đến nay, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã tổ chức kết nghĩa và tiếp tục duy trì hoạt động tốt 21 cặp bản-bản cùng chín đồn Biên phòng Nghệ An với 8 đại đội Biên phòng và một đồn Công an của 3 tỉnh nước bạn Lào, giáp biên Nghệ An. Nghệ An là tỉnh tổ chức kết nghĩa bản-bản với nước bạn nhiều nhất cả nước.
Thời gian qua, các đơn vị đã phối hợp tổ chức tuyên truyền được 1.750 buổi với 57.280 lượt người tham gia. Các đơn vị bảo vệ biên giới hai bên đã phối hợp tuần tra song phương 285 đợt với 7.340 lượt người; năm 2013, hoàn thành Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào trên thực địa.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn tổ chức huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ biên giới, dạy tiếng Việt Nam cho 318 cán bộ, nhân dân, lực lượng bảo vệ biên giới của bạn Lào.
Hoạt động tuần tra song phương góp phần củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên nói riêng, giữa hai nước Việt Nam-Lào nói chung. |
Các xã, bản của Nghệ An đã giúp các bản đối diện về vật chất, kinh phí với trị giá hàng trăm triệu đồng đồng để mua cây, con giống và các thiết chế văn hóa.
Để góp phần tiêu thụ sản phẩm ở khu vực biên giới, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Nhà máy tinh bột sắn huyện Thanh Chương, đầu tư vùng nguyên liệu sắn tại bản Xốp Tờng, Cụm bản Nậm On, huyện Xayxamphon, tỉnh Bolikhamxay.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An, các trạm xá quân-dân y kết hợp trên tuyến biên giới Nghệ An đã tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân các bản (Lào) được 1.807 lượt người và cấp phát thuốc miễn phí trị giá gần 100 triệu đồng; tham mưu xây dựng, bàn giao Trạm xá Hữu nghị quân-dân y Nậm On ở huyện Xay Chăm Pon, tỉnh Bolikhamxay trị giá gần 15 tỷ đồng...
Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã nhận đỡ đầu cho 16 em học sinh ở 3 tỉnh nước bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi em 500.000 đồng/tháng,... Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện biên giới, đồng thời Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An và các đồn biên phòng đã hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới 3 tỉnh đối diện nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Bunpimay và phòng, chống dịch Covid-19 gần 4,8 tỷ đồng...
Khám, chữa bệnh cho người dân bản Nậm Táy, huyện Sầm Tớ. |
Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết: Qua triển khai mô hình kết nghĩa bản-bản cùng các đồn Biên phòng Nghệ An với các đại đội biên phòng và đồn công an nước bạn Lào đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của hai nước Việt Nam-Lào.
Từ mô hình kết nghĩa bản-bản, người dân hai bên nỗ lực bảo vệ đường biên, cột mốc, xây dựng tình đoàn kết, góp phần đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thôn bản biên giới.
Ngoài ra, mô hình đã góp phần giúp đỡ người dân hai bên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, kịp thời giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; giúp nhau cấp cứu, khám chữa bệnh,…
Lễ kết nghĩa giữa Đồn Biên Phòng Phúc Sơn (Nghệ An) với Đại đội Biên phòng 257 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bolikhamxay (nước bạn Lào). |
Thời gian tới, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành hai nước tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ các địa phương có biên giới phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực biên giới với các khu vực khác, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định và cùng phát triển, Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An chia sẻ.