Ngày 15/10, tại Vùng Umbria, miền trung Italia, Hội nghị các nước công nghiệp phát triển (G7) về hòa nhập và người khuyết tật đã khai mạc. Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng đầu tiên của G7 bàn về vấn đề này.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam làm trưởng đoàn, tham dự hội nghị.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi chia sẻ, Việt Nam rất quan tâm đến công tác người khuyết tật. Bản Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc theo tài năng và đức hạnh của mình”. Kế thừa và phát huy Hiến pháp năm 1946, các Hiến pháp sửa đổi năm 1959, 1980, 1992, và Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật ”, Điều 34 quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi (giữa) phát biểu tại Hội nghị G7 về người khuyết tật tại Italia. (Ảnh: Molisa) |
Năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2019, Việt Nam phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động, việc làm. Năm 2022, Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn tiếp cận chữ và các tác phẩm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Theo Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, hiện thực hóa Hiến pháp và các cam kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã trình Quốc hội ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010; Bộ luật Lao động; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Giao thông, Luật Trợ giúp pháp lý quy định các chính sách đặc thù hỗ trợ người khuyết tật. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam giúp Thủ tướng chỉ đạo giải quyết những vấn đề về công tác người khuyết tật.
Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều chương trình, chính sách nhằm bảo vệ, chăm lo, trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng như: chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình trợ giúp người khuyết tật, bảo đảm thực thi đầy đủ và toàn diện quyền con người và quyền của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt bảo đảm thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa, an sinh xã hội; bảo đảm trẻ em khuyết tật được đến trường, người khuyết tật được học nghề, việc làm, sinh kế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, y tế, tiếp cận thông tin, giao thông.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng trong công tác giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều nhanh từ 60% vào những năm 1990, xuống còn 13,5% vào năm 2014, đến năm 2023 còn khoảng 5%.
Hệ thống an sinh xã hội không ngừng mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng chính sách đối với người khuyết tật. Hơn 1,6 triệu người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, 96% người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế. Các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng; trẻ em khuyết tật được hỗ trợ học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục; đối với trẻ em không có khả năng học hòa nhập được hỗ trợ học tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Hệ thống an sinh xã hội không ngừng mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng chính sách đối với người khuyết tật. Hơn 1,6 triệu người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, 96% người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế,
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cùng các đại biểu dự Hội nghị G7 về người khuyết tật tại Italia. (Ảnh: Molisa) |
Hiện nay, toàn bộ lực lượng lao động là người khuyết tật (gần 4 triệu người) đã được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, sinh kế hoặc được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tự giải quyết việc làm. Họ cũng được quan tâm, ưu đãi khi tham gia giao thông, vào các khu vui chơi giải trí, các công trình văn hóa, di tích lịch sử được miễn, giảm giá vé.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện Việt Nam vẫn là nước có thu nhập còn thấp nên công tác trợ giúp người khuyết tật còn nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe, việc làm, tiếp cận các công trình xây dựng, giao thông, thể thao, văn hóa; người khuyết tật còn khó cạnh tranh trên thị trường lao động.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các nước G7 và các đối tác song phương, đa phương trong khu vực và trên thế giới, nhằm đạt được các mục tiêu bao trùm và hòa nhập đối với người khuyết tật; tăng cường trợ giúp về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông đối với người khuyết tật.
“Chúng tôi tiếp tục cụ thể hóa Công ước và các cam kết quốc tế vào pháp luật quốc gia lên tầm cao mới, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt với người khuyết tật”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.
Ông bày tỏ, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ các nước G7 trong việc thúc đẩy cuộc sống tốt đẹp hơn đối với người khuyết tật Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là khuyết tật nặng và đặc biệt nặng và là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Theo Cục Bảo trợ xã hội, đến hết năm 2023, cả nước có gần 343 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Trong năm 2023, ngân sách nhà nước đã bố trí 31,3 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 489 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật. Cụ thể: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động 552 tỷ đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam (dioxin) Việt Nam và các hội thành viên vận động tài trợ 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị...
Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Nước ta cũng là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.