Để bảo đảm quyền lợi cho người khuyết tật, năm 2010 Quốc hội đã ban hành Luật người khuyết tật. Song song đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phù hợp với Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD) mà Việt Nam là thành viên.
Hiện Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Luật Người khuyết tật sửa đổi, bổ sung. Nhiều chính sách mới đã được ban hành để kịp thời đáp ứng nhu cầu, lợi ích và bảo đảm quyền của người khuyết tật. Mới đây, có thể kể đến Nghị định số 76/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó bao gồm cả người khuyết tật.
Trước đó, năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, năm 2019 phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động, việc làm…
Ngày 18/4 hằng năm được chọn là Ngày người khuyết tật Việt Nam. Đây là ngày hội lớn đối với người khuyết tật nói chung và các tổ chức, cá nhân đã quan tâm và đang giúp đỡ người khuyết tật nói riêng.
Giới thiệu và chia sẻ định hướng nghề nghiệp cho người khuyết tật tại Cần Thơ. (Ảnh: BTC) |
Hiện trên cả nước đã có 38/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban công tác người khuyết tật cấp tỉnh và 30 tỉnh, thành phố thành lập tới cấp huyện đã phát huy tốt vai trò giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch liên quan đến người khuyết tật.
Người khuyết tật được trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ học nghề, việc làm. Các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi. Toàn quốc có 1.130 cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 225 cơ sở dạy nghề chuyên biệt.
Hằng năm có từ 17.000-20.000 người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật được đào tạo nghề. Các trung tâm dịch vụ việc làm bình quân mỗi năm tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt hơn 50%.
Người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng hoặc được chăm sóc trong cơ sở bảo trợ xã hội tùy vào mức độ khuyết tật và tình trạng thực tế của họ.
Nhà nước đã chi khoảng 15.000 tỷ đồng (618 triệu USD) để hỗ trợ, giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 1,1 triệu người khuyết tật; hỗ trợ 20.000 người khuyết tật tiếp cận để học nghề và việc làm; hỗ trợ 1,2 triệu học sinh khuyết tật đến trường.
Việc xây dựng các công trình công cộng đã chú trọng đến việc bố trí lối đi dành cho người khuyết tật. (Ảnh: Bộ GTVT) |
Tính đến cuối năm 2022, 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng. Đối tượng người khuyết tật, bao gồm cả trẻ em khuyết tật và tâm thần chiếm 46,5% số người được cung cấp dịch vụ tại 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Số người khuyết tật được lập hồ sơ sức khỏe là 3 triệu người, trong đó có hồ sơ điện tử là 720.000 người, 11.036 người khuyết tật được cung cấp dụng cụ trợ giúp miễn phí.
Tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận bảo hiểm y tế lên tới 95%. Việt Nam cũng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, như hợp tác với WHO để phát triển mô hình lồng ghép sức khỏe tâm thần vào sức khỏe nói chung tập trung vào tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé cho người khuyết tật khi tham gia giao thông công cộng. Năm 2022 có 121.624 lượt người khuyết tật được miễn giảm giá vé giao thông đường bộ. Đường sắt quốc gia đã có 19/33 ga đã cải tạo lối đi, bố trí cửa vé ưu tiên phục vụ người khuyết tật và nhân viên hỗ trợ người khuyết tật; 22/22 cảng hàng không đều bố trí hỗ trợ cho hành khách khuyết tật từ khu vực công cộng đến tàu bay và 13 cảng hàng không có xe nâng hành khách sử dụng xe lăn.
Nhiều công trình xây mới, cải tạo đã bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận, trong đó 80% các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại dịch vụ, trụ sở cơ quan bảo đảm tiêu chuẩn tiếp cập của người khuyết tật và 85% các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo đảm tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật.
Các cháu Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Quảng Trạch biểu diễn văn nghệ. (Ảnh: BTC) |
Việt Nam bảo đảm triển khai các chương trình giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp mầm non, phổ thông trong cả nước đối với trẻ em khuyết tật; ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục học sinh khuyết tật; phát triển các mô hình chăm sóc trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng.
Số học sinh khuyết tật được đi học giai đoạn 2012-2020 tăng gấp khoảng 10 lần so với giai đoạn 2002-2010, chất lượng học tập của trẻ khuyết tật được nâng lên, tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở trẻ em khuyết tật giảm đáng kể. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ khuyết tật khoảng 88,7%, trung học phổ thông là 33,6%.