Mô hình trồng đỗ leo bốn mùa tại Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: NGUYÊN DŨNG)
Mô hình trồng đỗ leo bốn mùa tại Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: NGUYÊN DŨNG)

Đề xuất tiêu chí lao động có thu nhập thấp trong Chương trình giảm nghèo bền vững

Hiện nay, do chưa có văn bản xác định cụ thể người lao động có thu nhập thấp, các địa phương đã được phân bổ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không thể thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho nhóm đối tượng này. Vì vậy, cần sớm ban hành tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp để phù hợp thực tiễn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

GỠ VƯỚNG TỪ THỰC TIỄN TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là dự thảo Nghị định). Theo đó, đề nghị bổ sung quy định tiêu chí xác định “người lao độngthu nhập thấp”. Văn bản đang được lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Đề xuất tiêu chí lao động có thu nhập thấp trong Chương trình giảm nghèo bền vững ảnh 1

Mô hình trồng dâu tây tại Hợp tác xã Dâu tây Mường Phăng, Điện Biên. (Ảnh: NGUYÊN DŨNG)

Về quy định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, tại báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình xác định mục tiêu: Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho khoảng 50.000 người lao động cho các ngành, nghề trọng điểm; đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của vùng, địa phương. Phân bổ tối thiểu 40% tổng số vốn sự nghiệp ngân sách trung ương của Tiểu dự án 1 Dự án 4 cho các địa phương để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng này.

Đến thời điểm 30/6/2024, có khoảng 167.980 lượt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề. Riêng đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa được hỗ trợ triển khai do chưa có văn bản xác định cụ thể.

Cùng với đó, Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 quy định rõ, người lao động có thu nhập thấp là đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề.

Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng quy định mức hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp.

Trong Chương trình đã xác định nguồn vốn cho cả giai đoạn 2021-2025 và hằng năm để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng, trong đó có đối tượng là người lao động có thu nhập thấp.

Hiện nay, người lao động có thu nhập thấp chưa có văn bản xác định cụ thể nên 48 địa phương đã được phân bổ kinh phí từ Chương trình nhưng không thể thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho nhóm đối tượng này. Vì vậy, việc xác định người lao động có thu nhập thấp để có căn cứ, cơ sở thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này là hết sức cần thiết.

Thông tin thêm về thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 4 thuộc Chương trình giai đoạn 2021-2025, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, tổng nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương bố trí cho Tiểu dự án 1 Dự án 4 là 5.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp ngân sách địa phương là 4.500 tỷ đồng và vốn huy động khác là 3.500 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2024, theo báo cáo của các địa phương, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đã bố trí khoảng 3.148,578 tỷ đồng vốn sự nghiệp để thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 4 thuộc Chương trình, trong đó có hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình.

Số liệu từ 73 cơ quan bộ, ngành, địa phương tính đến thời điểm 30/6/2024 cho thấy, có khoảng 167.980 lượt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề. Riêng đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa được hỗ trợ triển khai do chưa có văn bản xác định cụ thể.

29 địa phương đã có văn bản kiến nghị và nhiều địa phương phản ánh, kiến nghị. Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cụ thể về đối tượng “người lao động có thu nhập thấp” để các địa phương có căn cứ, cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này.

Từ thực tiễn trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, việc trình Chính phủ về việc lập đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (bổ sung quy định về người lao động có thu nhập thấp) là phù hợp quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi năm 2020), Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 108/2023/NQ-QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về Giám sát chuyên đề “Việc triển thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Đồng thời, nhằm thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là cần thiết.

KHÔNG LÀM THAY ĐỔI ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG

Đề xuất tiêu chí lao động có thu nhập thấp trong Chương trình giảm nghèo bền vững ảnh 2

Nghề trồng nho ở Ninh Thuận. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2021/NĐ-CP đề nghị bổ sung tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, người lao động không thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được xác định là người lao động có thu nhập thấp khi thuộc hộ gia đình ở khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 2.250.000 đồng; hoặc ở khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 3.000.000 đồng.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc xây dựng dự thảo Nghị định trên bảo đảm phù hợp chủ trương đầu tư công Chương trình; không làm thay đổi mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện Chương trình; không ban hành tiêu chí mới, không làm thay đổi đối tượng thụ hưởng, không làm tăng kinh phí thực hiện Chương trình; phù hợp thực tiễn, giải quyết được khó khăn, vướng mắc của các địa phương.

Đối tượng áp dụng với hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.

Việc ban hành tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp” hướng tới ba mục tiêu sau.

Thứ nhất, hướng dẫn đầy đủ nội dung của Chương trình để bảo đảm không có khoảng trống trong triển khai thực hiện Chương trình; tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp được hỗ trợ đào tạo nghề giúp tạo việc làm, có sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh rơi vào nghèo đói.

Thứ hai, bảo đảm ngân sách của Chương trình được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, không làm phát sinh thêm ngân sách đã được phê duyệt.

Thứ ba, đạt mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp, ngăn ngừa rơi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của vùng, địa phương.

Tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp” chỉ áp dụng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Quy trình rà soát, xác định “người lao động có thu nhập thấp” áp dụng theo quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025.

Việc thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng được hỗ trợ, trong đó có đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”, từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trong khả năng bố trí ngân sách của trung ương và địa phương, bảo đảm đúng mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng quy định.

Công tác tổ chức rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp và thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề được áp dụng từ năm 2024 cho đến hết năm 2025 - thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 kết thúc. Không áp dụng các tiêu chí này để thực hiện hỗ trợ cho các năm từ 2021 đến năm 2023.

Nguồn lực triển khai thực hiện Nghị định đã được bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương, địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác bố trí cho Tiểu dự án 1 Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, không làm phát sinh kinh phí.

Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững

Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn

- Mục tiêu: Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Một trong bốn đối tượng: Người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp.

- Một trong năm nội dung hỗ trợ: Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

- Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 15.300 tỷ đồng.

+ Ngân sách trung ương: 7.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 2.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 5.000 tỷ đồng);

- Ngân sách địa phương: 4.800 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 300 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 4.500 tỷ đồng);

+ Vốn huy động hợp pháp khác: 3.500 tỷ đồng.

(Nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025).

back to top