Nông dân thu hoạch lúa tại Cần Thơ.
Nông dân thu hoạch lúa tại Cần Thơ.

Nâng cao chất lượng đất sản xuất nông nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long có đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào, giúp cho canh tác lúa và nhiều cây trồng khác rất hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, tài nguyên đất bị ảnh hưởng. Nâng cao chất lượng đất sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề cấp bách tại khu vực.

Ngoài các yếu tố thiên nhiên, việc thâm canh quá mức, tăng vụ, bón phân không cân đối, rơm rạ không được tái sử dụng… khiến sản nông nghiệp đứng trước rất nhiều thách thức như chi phí tăng cao, hiệu quả chưa tương xứng với đầu tư.

Chịu nhiều tác động

Theo một số nhà khoa học, đồng bằng sông Cửu Long trở thành một trong 3 đồng bằng trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, với các vấn đề như nước biển dâng, khai thác thượng nguồn, sụt lún.

Bên cạnh đó, hiện nay, khu vực này phần lớn là đất phèn và đất mặn. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và ý thức sử dụng, cải tạo đất phèn, mặn của người dân chưa cao đã và đang làm gia tăng diện tích đất bị nhiễm phèn, mặn. Đây là 2 loại đất có những đặc tính bất lợi cho sinh trưởng và năng suất cây trồng.

Nâng cao chất lượng đất sản xuất nông nghiệp ảnh 1

Nông dân tại tỉnh Hậu Giang trồng dưa Kim Hồng Ngọc trên đất lúa để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Trong đất phèn có trị số pH thấp, hàm lượng các độc chất sắt, nhôm cao gây ức chế bộ rễ cây trồng phát triển. Hàm lượng dinh dưỡng không cân đối, nhất là thiếu lân làm giảm năng suất. Hàm lượng độc chất quá cao thậm chí gây chết cây.

Việc phân loại đánh giá các đất ảnh hưởng mặn trong vùng gặp nhiều trở ngại, do điều kiện địa lý phần lớn là vùng bán đảo, ven biển, chịu ảnh hưởng thường xuyên của triều biển xâm nhập vào đất liền. Đồng bằng sông Cửu Long lại chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa (mùa khô và mùa mưa). Vào mùa khô, hầu như những vùng ven biển đều chịu ảnh hưởng bởi mặn từ biển đưa vào.

Ngoài ra, đối với những vùng vừa chịu ảnh hưởng của phèn vừa chịu ảnh hưởng của mặn lại có rất nhiều biến đổi về đặc tính lý hóa học đất cho nên rất khó để xác định cấp mặn, cấp gây hại cho cây trồng, và để phân loại đất mặn.

Nâng cao chất lượng đất sản xuất nông nghiệp ảnh 2

Ước thu vụ hè thu 2024 tại đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Một số chuyên gia cho biết, việc thâm canh quá mức, tăng vụ, bón phân không cân đối, rơm rạ không được tái sử dụng… khiến sản xuất lúa đứng trước rất nhiều thách thức như chi phí tăng cao, hiệu quả chưa tương xứng với đầu tư. Canh tác lúa cũng là lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn, với khoảng 50% của ngành sản xuất nông nghiệp.

Các nghiên cứu đã chỉ ra hiện tại diện tích nhóm đất mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên hơn 177.000 ha. Nguyên nhân do tác động biến đổi khí hậu và một phần do điều tiết tài nguyên nước trong vùng.

Lũ lụt khiến nước biển dâng ngập mặn các vùng ven biển, hạn hán liên tục khiến các mạch nước ngầm hoạt động mạnh, tạo điều kiện để muối “leo lên” các tầng đất phía trên. Mực nước sông Cửu Long giảm sâu vào mùa khô càng gia tăng độ mặn và tái nhiễm mặn (cũng như khoảng cách xâm mặn tiến vào sâu hơn) ở một số vùng đất.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa (chuyên gia nông nghiệp)

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Lúa là cây trồng chủ lực của nông nông nghiệp tỉnh, tuy nhiên, việc canh tác lúa gặp một số khó khăn thách thức trong canh tác lúa.

Mặt bằng đồng ruộng không đồng đều, có những vùng trũng ngập sâu 0,8m đến 1m vào mùa mưa bão.

Những vùng ngoài đê bao ngăn lũ, triều cường ngập úng 2 đến 3 tháng gây khó khăn trong việc san phẳng đồng ruộng và điều tiết nước. Những vùng tiếp giáp với biển thường xuyên bị xâm nhập mặn vào mùa khô, thiếu nước ngọt đầu vụ gây khó khăn cho canh tác lúa.

Giáo sư, tiến sĩ Mai Văn Quyền (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) cho rằng, câu nói của cha ông ta đã tổng kết về nghề trồng trọt là nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống là rất chính xác. Câu tổng kết này đặt trên nền đất của đồng bằng sông Cửu Long lại càng được phát huy thuận lợi hơn. Chính vì vậy, năng suất lúa vùng này không ngừng được cải thiện so với các vùng đất còn lại.

Nâng cao chất lượng đất sản xuất nông nghiệp ảnh 3

Đóng các cống thủy điện Cái Lớn - Cái Bé Giữa vào cao điểm hạn mặn.

Tuy nhiên, có những trở ngại làm cho tiêu chí “nhất nước” bị xâm hại đó là nguồn nước lũ ngày càng bị giảm, từ mức lũ bình thường xuống mức lũ thấp, rồi không có lũ đang diễn ra.

Cần nhiều giải pháp

Theo tiến sĩ Đào Minh Sô (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền nam), vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở nước ta từ nhiều năm qua là ô nhiễm môi trường và tồn dư độc chất trong nông sản.Thực trạng này cho thấy việc giảm dần và tiến tới hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất độc hại là mục tiêu đặc biệt quan trọng của ngành trồng trọt, cũng là đòi hỏi bức thiết của người tiêu dùng và lực lượng lao động nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng đất sản xuất nông nghiệp ảnh 5

Thu hoạch lúa tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ.

Do vậy, “giải pháp canh tác bền vững” để bảo vệ môi trường, sức khỏe người lao động và nâng cao chất lượng nông sản là hết sức cần thiết và là trọng tâm trong chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhất là trên cây lúa.

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Quyền cho rằng, hiện nay, để giải quyết vấn đề nguồn nước, cần xây dựng một số hồ chứa nước ngọt trong mùa mưa, việc này có tính khả thi. Nhưng xây dựng vị trí nào, công suất bao nhiêu tùy thuộc khả năng của địa phương và Nhà nước quyết định.

Xây dựng các cống ngăn mặn ở các cửa sông để hạn chế nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Chuẩn bị phương án mở rộng diện tích lúa-tôm ở vành đai bị mặn xâm nhập. Thử nghiệm một số cây trồng chịu khô hạn có giá trị kinh tế chấp nhận. Mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước mặn để ứng phó với tình huống nói trên sẽ xảy ra.

Nâng cao chất lượng đất sản xuất nông nghiệp ảnh 6

Người dân chăm sóc vườn sầu riêng tại quận Bình Thủy, Cần Thơ.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đối với vùng trũng, ngập úng vào mùa mưa bão chủ động canh tác lúa 2 vụ lúa, vụ hè thu bắt đầu tháng cuối 3 dương lịch và kết thúc vào tháng 7 dương lịch; vụ đông xuân bắt đầu tháng 11 dương lịch và kết thúc vào tháng 2 dương lịch năm sau để tránh giai đoạn ngập úng gây khó khăn trong canh tác lúa.

Đối với vùng tiếp giáp với biển, thường xuyên bị nước mặn xâm nhập chủ động canh tác 2 vụ lúa, vụ hè thu bắt đầu cuối tháng 5 dương lịch và kết thúc vào đầu tháng 9 dương lịch; vụ đông xuân bắt đầu từ đầu tháng 10 dương lịch và kết thúc tháng 1 dương lịch năm sau để tránh bị ảnh hưởng bởi nước mặn.

Cần có cơ sở dữ liệu, bản đồ quản lý tài nguyên đất, dinh dưỡng, nước, biến đổi khí hậu... theo từng tiểu vùng sinh thái. Quản lý dinh dưỡng (bón phân) tối ưu theo vùng chuyên biệt, cập nhật các giải pháp mới như sạ hàng hoặc cụ bằng máy kết hợp vùi phân. Phát triển giải pháp xử lý gốc rạ trên đồng, giảm thời gian phân huỷ thấp hơn 2 tuần là rất quan trọng, tránh được hiện tượng đốt đồng, đặc biệt là sau vụ đông xuân và trước vụ hè thu.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế

Theo Tiến sĩ Châu Minh Khôi (Trường Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ), kết quả từ các mô hình thử nghiệm lặp lại ở các vùng sinh thái canh tác lúa khác nhau cho thấy đối với đất có pH thấp, việc bón bổ sung phân hữu cơ hoặc biochar (than sinh học) là cần thiết.

Hơn nữa, nhằm mục tiêu tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, kỹ thuật bón vùi cũng thể hiện được ưu thế trong việc duy trì dinh dưỡng trong đất mặc dù sử dụng lượng phân vô cơ ít hơn.

Kết quả đã chứng minh việc áp dụng các biện pháp quản lý đất cải tiến như áp dụng bón vùi kết hợp phân hữu cơ và biochar đã giúp duy trì hoặc tăng năng suất lúa cũng như cải thiện độ phì nhiêu trong đất trong khi giảm được lượng phân vô cơ 25% so với khuyến cáo, hoặc thậm chí giảm 50% so với thực tiễn sản xuất của nông dân ở vùng sinh thái nhiễm mặn.

Nâng cao chất lượng đất sản xuất nông nghiệp ảnh 7

Nông dân tỉnh Hậu Giang chuẩn bị cho mùa vụ mới.

Hệ thống luân canh lúa - cây trồng cạn thích hợp ở những vùng chịu ảnh hưởng xâm nhập nhập mặn và thiếu nước tưới cho canh tác lúa vào mùa khô. Sau vụ trồng cây trồng cạn, độ phì nhiêu của đất và năng suất lúa được cải thiện mặc dù bón lượng phân vô cơ thấp hơn so với độc canh lúa.

back to top