Bộ đội Biên phòng Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới vùng biên giới

Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã tích cực phối hợp với các địa phương, các lực lượng giúp người dân trên địa bàn đóng quân phát triển các mô hình kinh tế, ổn định cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân, dân... Góp phần giữ "ba yên" biên giới.
0:00 / 0:00
0:00
Đồn Biên phòng Keng Đu giúp nhân dân bản Huồi Phuôn 2 (Keng Đu) làm đường giao thông nội bản. (Ảnh Lê Thạch)
Đồn Biên phòng Keng Đu giúp nhân dân bản Huồi Phuôn 2 (Keng Đu) làm đường giao thông nội bản. (Ảnh Lê Thạch)

Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng Nghệ An tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt, đồng hành cùng đồng bào trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; xây dựng bản, làng nông thôn mới; giữ vững bình yên vùng phên dậu thân yêu của Tổ quốc.

Phát triển mô hình kinh tế

Bản Huồi Thum nằm dưới chân núi Phu Xai Lai Leng, cách trung tâm xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) 15km đường rừng. Nơi đây có gần 40 hộ dân, gồm đồng bào dân tộc Thái và Khơ Mú sinh sống. Trước đây, dân bản sinh sống chủ yếu bằng săn bắt, đốt nương làm rẫy nên cái đói, cái nghèo bủa vây lấy họ.

Được sự phân công, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Ngũ Quang Hùng ở Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Na Ngoi (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ bà con bản Huồi Thum xây dựng mô hình trồng lúa nước và rau sạch thâm canh.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới vùng biên giới ảnh 1

Trung tá Ngũ Quang Hùng hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc lúa lai ở bản Huồi Thum.

Để bà con “tận mục sở thị” và làm theo, đầu tiên, Trung tá Hùng hướng dẫn hai gia đình ông Bùi Văn Tuấn và Bùi Văn Nhâm cách làm đất, ủ giống, gieo mạ, làm cỏ, bón phân... Khi lúa chín, Trung tá Hùng giúp họ thu hoạch thành quả.

Ngay vụ mùa đầu tiên, hai gia đình đã thu được 1,5 tấn lúa. “Nhờ có anh Hùng hướng dẫn và cùng làm giúp, gia đình tôi rất biết ơn. Có nhiều lúa ăn, không sợ đói, bà con ưng cái bụng lắm!”, ông Bùi Văn Tuấn nói. Nhận thấy hiệu quả, các hộ dân khác trong bản đã hưởng ứng tham gia trồng lúa nước, thay cho phát nương làm rẫy.

Phát huy kết quả đạt được, Trung tá Hùng tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện mô hình trồng rau sạch trái vụ trên diện tích đất lúa vừa thu hoạch xong. Đồn Biên phòng Na Ngoi đã huy động hơn 100 ngày công của cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ bốn hộ dân làm đất, lên luống, rào vườn… Đồng thời, vận động Tổng đội Thanh niên xung phong 10 hỗ trợ bà con cây giống: bắp cải, cải ngọt, cải ngồng và phân bón các loại.

Vụ rau sạch đầu tiên đem lại lợi ích cao khi gia đình ông Bùi Văn Tuấn thu nhập 30 triệu đồng, gia đình ông Xeo Văn Tiến 24 triệu đồng… Từ bốn hộ ban đầu, nay đã có 14 hộ dân tham gia trồng rau để nâng cao thu nhập.

Trung tá Hùng đã đến Ban quản lý thủy điện Ka Nan, các công ty, nhà trường để liên hệ bao tiêu rau cho bà con. Nhờ vậy, rau làm ra đến đâu đã tiêu thụ hết đến đó, tạo thêm động lực để cho bà con tham gia tích cực trồng rau, phát triển kinh tế.

Theo phân công, Đại úy Nguyễn Kim Trọng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương hỗ trợ hộ nghèo Xồng Nhia Lỳ, ở bản Phà Lõm, xã Tam Hợp phát triển kinh tế.

Đại úy Nguyễn Kim Trọng chia sẻ: "Thấy gia đình ông Xồng Nhia Lỳ đông con, khó khăn, tôi đã trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để giúp họ thoát nghèo. Sau khi nghiên cứu, tôi đã vận động gia đình ông Lỳ chọn chăn nuôi dê, bò để phát triển kinh tế... Từ những cặp dê và bò giống ban đầu, lại được Đại úy Nguyễn Kim Trọng hướng dẫn chăm sóc đúng kỹ thuật, gia đình ông Xồng Nhia Lỳ đã phát triển được đàn dê, bò 26 con phát triển tốt. “Được bộ đội hỗ trợ nguồn vốn mua con giống, hướng dẫn chăm sóc dê, bò nhanh lớn, phát triển tốt”. Ông Xồng Nhia Lỳ cho biết. Đến nay, mô hình chăn nuôi dê, bò của gia đình ông Xồng Nhia Lỳ đã có hiệu quả, được người dân trong bản làm theo...

Bộ đội Biên phòng Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới vùng biên giới ảnh 2

Hướng dẫn kỹ thuật dê cho gia đình chị Vi Thị Nhung ở bản Piêng Mứn, xã Mai Sơn (Tương Dương).

Trung tá Ngũ Quang Hùng, Đại úy Nguyễn Kim Trọng là hai trong số 522 đảng viên Đồn Biên phòng được Bộ đội Biên phòng Nghệ An phân công giúp đỡ 2.387 gia đình nghèo, khó khăn trong khu vực biên giới phát triển các mô hình kinh tế theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Trong số này, nhiều mô hình có hiệu quả như: Mô hình chuyển đổi sản xuất từ phát nương làm rẫy sang khai hoang làm ruộng nước; mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, dê sinh sản; mô hình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Đồng hành cùng nông dân nghèo”…

Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết: Để giúp đỡ các gia đình nghèo trên địa bàn, Đồn Biên phòng đã đầu tư cây, con giống và cử cán bộ, đảng viên giúp hướng dẫn kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để triển khai các mô hình kinh tế. Sự thành công của các mô hình không chỉ giúp các hộ được hỗ trợ phát triển kinh tế, mà còn là nơi để các hộ khác học tập, làm theo. Qua đó, đã góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào ở vùng biên giới.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng nền biên phòng toàn dân, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An thường xuyên duy trì 27 cán bộ Biên phòng tăng cường cho các xã khu vực biên giới đất liền giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã; chuyển 80 đảng viên là cán bộ Biên phòng về sinh hoạt tại chi bộ các thôn, bản địa bàn xung yếu, phức tạp và vùng giáo…

Đại tá Trần Đăng Khoa, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết: Không chỉ thành công trong việc phát triển các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn biên giới, giúp đồng bào nâng cao thu nhập, Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn chung sức giúp các địa phương này xây dựng nông thôn mới.

Thông qua, phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, Bộ đội biên phòng Nghệ An đã huy động lực lượng từ các Đồn Biên phòng, các phòng, ban ở Bộ Chỉ huy, thành lập các tổ thợ để giúp địa phương xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, kênh mương, sửa - làm nhà ở cho người nghèo... Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã huy động được hơn 4.000 ngày công cùng các địa phương làm mới và tu sửa gần 500km đường giao thông nông thôn; 195,4km kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất; giúp dân xây mới và sửa chữa được 74 căn nhà.

Không chỉ “cầm tay chỉ việc” giúp hàng chục nghìn hộ dân phát triển kinh tế, Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn huy động đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, kết nối với các nhà hảo tâm tặng 270 con bò giống, 148 con dê giống cho các hộ nghèo… Qua đó, đã góp phần giúp một số xã cùng các xóm, bản vùng biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới vùng biên giới ảnh 3

Tuyên truyền bà con phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Thực hiện Chương trình:“Nâng bước em tới trường”, năm học 2023-2024, Bộ đội Biên phòng Nghệ An tiếp tục nhận đỡ đầu, giúp đỡ, nuôi dưỡng 96 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; trong đó có 80 em học sinh người Việt Nam và 16 em học sinh người Lào cùng 18 em học sinh trong chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Toàn bộ kinh phí nhận nuôi và hỗ trợ hằng tháng cho các em học sinh đều được trích từ tiền lương và các khoản sinh hoạt phí khác của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nghệ An.

Các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn giúp đỡ các trường học trên địa bàn củng cố cơ sở trường, lớp, cảnh quan môi trường đón học sinh vào năm học mới hay khắc phục hậu quả mưa lũ... Với sự giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và từ các chương trình như “nâng bước em tới trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”, và Dự án “ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” điều kiện học tập, ăn ở của các em học sinh nghèo vùng cao đã được cải thiện tốt hơn rất nhiều. Nhiều cháu đã vươn lên để trở thành học sinh khá, giỏi để mai này góp sức xây dựng bản làng no ấm, giàu đẹp.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới vùng biên giới ảnh 4

Quân y sĩ ở các Đồn Biên phòng, phòng khám quân dân y thường xuyên khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào vùng biên giới.

Trên tuyến biên giới, Bộ đội Biên phòng Nghệ An hiện đang triển khai bảy phòng khám quân dân y và hai tủ thuốc biên cương. Ngoài khám chữa bệnh các bác sĩ quân y nơi đây còn là những tuyên truyền viên tuyên truyền người dân trên địa bàn chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình và đặc biệt là phòng, chống các loại dịch bệnh, là cánh tay nối dài của y tế nơi vùng sâu, vùng xa biên giới.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn tích cực tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hay di cư bất hợp pháp…

Theo Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An: Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng Nghệ An tiếp tục đồng hành với đồng bào vùng biên giới trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn; vận động các hộ sản xuất giỏi giúp hộ nghèo kinh nghiệm sản xuất, vốn, giống, kỹ thuật… góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ vững bình yên vùng phên dậu thân yêu của Tổ quốc.