Quả ngọt trên núi

Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, đời sống người dân Võ Nhai ngày càng no ấm nhờ triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có việc phát triển vùng trồng cây ăn quả theo hướng bền vững. Từ đó, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu được khai thác để xây dựng vùng na ngày càng lớn, mang lại thu nhập ngày càng tăng cho nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu và khách hàng ưa dùng, cây na là cây trồng ăn quả được bà con nông dân các xóm, xã dọc Quốc lộ 1B từ La Hiên đến tận Phú Thượng, huyện Võ Nhai phát triển mạnh.
Phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu và khách hàng ưa dùng, cây na là cây trồng ăn quả được bà con nông dân các xóm, xã dọc Quốc lộ 1B từ La Hiên đến tận Phú Thượng, huyện Võ Nhai phát triển mạnh.

Phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng nên cây na được trồng ở huyện vùng cao Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, cho quả có chất lượng khác biệt bởi hương thơm, vị ngọt thanh, mát, nhiều dinh dưỡng. Nhưng những năm trước đây chưa trở thành hàng hóa, na chỉ là loại quả cho trẻ nhỏ và người già ở địa phương “ăn chơi”.

Cũng vì chưa trở thành hàng hóa nên na được trồng tự nhiên, ít chăm bón, năm nào thời tiết thuận lợi thì đậu nhiều quả, ăn không hết, người dân đựng na trong sọt, thúng, bày trên mẹt mang ra ven Quốc lộ 1B bán cho người đi đường kiếm ít tiền tiêu vặt.

Quả ngọt trên núi ảnh 1

Na thích nghi trên sườn núi, không chỉ phủ xanh đồi, núi trọc, mà còn mang lại thu nhập khá cho người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ những năm 1990, một số người dân miền xuôi lên vùng cao Võ Nhai khai hoang đồi bãi trồng sắn, trồng na. Người miền xuôi lên Võ Nhai khai hoang không nhiều, nhưng có cách nghĩ khác, làm khác, trồng na bài bản, bón phân, tưới nước nên cây xanh tốt, khỏe mạnh, biết cách thụ phấn cho na nên quả to đều, mọng nước.

Bà con miền xuôi không “giấu mánh” trồng na, đem kiến thức, kinh nghiệm phổ biến, bày cách trồng, thụ phấn na cho hàng xóm, bà con làng dưới, bản trên để cùng trồng, cùng phát triển cây na. Na đều quả, thơm ngọt, mọng nước, mang bán được “dày tiền” nên bà con đẩy mạnh trồng, chăm sóc, tăng diện tích.

Quả ngọt trên núi ảnh 3

Năm 2024 nông dân Võ Nhai thu 6.000 tấn na, quả mọng nước, thanh mát, người tiêu dùng ưa chuộng nên tiêu thụ hết

Chị Trần Tiểu Hoa ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng chia sẻ: “Với sự phổ biến ban đầu của những người anh em từ miền xuôi và cán bộ khuyến nông, sau mỗi vụ thu hoạch, chúng tôi phải tích cực bón phân, chăm sóc để cây na nhanh phục hồi. Sau Tết thì tỉa cành, tháng 3, 4 thì thụ phấn cho hoa và chăm sóc cho đến ngày hái nên na có năng suất, chất lượng cao”.

Cấp ủy, chính quyền huyện xác định, Võ Nhai là huyện vùng cao, chủ yếu là đồi núi, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, khó thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ như nhiều địa phương khác trong tỉnh, giải pháp phù hợp thực tiễn là phát triển cây ăn quả như na, bưởi, thanh long, ổi để khai thác tiềm năng, nhằm giảm nghèo, tiến tới làm giàu bền vững cho người dân. Hướng đi này được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Võ Nhai nhiệm kỳ 2020- 2025.

Quả ngọt trên núi ảnh 4

Người dân Võ Nhai tời na từ trên núi xuống để vận chuyển được nhiều và tránh cho quả bị dập nát.

Cụ thể hóa nghị quyết, huyện Võ Nhai xây dựng và triển khai “Dự án phát triển cây na và một số cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến 2030” với chính sách hỗ trợ giống, phân bón và 40% hệ thống tưới tiết kiệm; hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất na theo quy trình VietGAP và hữu cơ; tăng cường quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Trồng, chăm sóc na mất nhiều công sức và đầu tư, nhưng khi có dự án hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật của huyện, nông dân Võ Nhai nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tận dụng từng khoảnh đất trên núi đá, cải tạo vườn tạp, đồi bãi để trồng na. Cây na cứ thế dần dần phủ xanh những đồi núi trọc ở vùng cao Võ Nhai.

Quả ngọt trên núi ảnh 5

Hằng năm, huyện Võ Nhai tổ chức lễ hội quảng bá, tiêu thụ na.

Người dân Võ Nhai nhớ lại, cách đây khoảng hơn mười năm, trên các sườn đồi, núi, mỗi năm bà con trồng một, hai vụ ngô thu hoạch không được là bao. Khi na trở thành hàng hóa, sau đó được dự án của huyện đầu tư, na được trồng và thích nghi ở các sườn đồi, núi, người dân cần cù chăm sóc nên na cho quả to, ngọt, trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập khá cho người dân, nhiều hộ thu nhập ba, bốn trăm triệu đồng sau mỗi vụ na.

Quả ngọt trên núi ảnh 6

Na Võ Nhai được đóng gói đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố.

Theo Bí thư Huyện ủy Võ Nhai Hà Thị Bích Hồng, toàn huyện có 700ha na, sản lượng năm nay đạt khoảng 6.000 tấn và sẽ còn tăng lên trong những năm tới. Để quảng bá, tiêu thụ na cho bà con, hằng năm huyện tổ chức lễ hội quảng bá, tiêu thụ na, đặc biệt những năm gần đây na Võ Nhai có “tiếng vang” lớn, xã hội rất quan tâm. Dù sản lượng lớn, nhưng đều tiêu thụ hết, được giá, đầu vụ người dân bán 60-70 nghìn/kg.

Sau dịch Covid-19, xã hội chưa trở lại trạng thái bình thường, mùa na năm 2021 sợ tiêu thụ không hết, huyện Võ Nhai có sáng kiến mời nhiều youtuber, tiktoker, streamer đến lễ hội na để tổ chức các chương trình livestream bán na thu hút sự quan tâm của xã hội. Từ vụ sau, nhiều hợp tác xã, hộ gia đình có sản lượng na lớn nhanh nhạy ứng dụng chuyển đổi số, tự tổ chức livestream bán na, lập tài khoản, nhận đơn hàng từ xa và đóng trong thùng xốp gửi đến khách hàng.

Quả ngọt trên núi ảnh 7

Vùng na xã Phú Thượng bước đầu hình thành điểm du lịch cộng đồng để thu hút du khách trải nghiệm.

Chính quyền địa phương và người dân Võ Nhai tích cực xây dựng vùng na đặc sản, có uy tín với người tiêu dùng, tương lai không xa sẽ là thực sự là cây trồng chủ lực, làm giàu cho người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.