Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái

Chương trình “Trẻ em gái làm chủ tương lai” ghi nhận vai trò quan trọng của trẻ em gái trong xây dựng một tương lai bình đẳng. Sự kiện cũng tôn vinh tiếng nói và sự đóng góp của nhà giáo trong quá trình hoàn thiện chính sách và môi trường giáo dục hòa nhập hơn cho mọi người học bao gồm trẻ em gái, đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng hành động thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

TRẺ EM GÁI LÀM CHỦ TƯƠNG LAI

Ngày 12/10, gần 300 đại biểu gồm lãnh đạo ngành giáo dục, thầy cô giáo, học sinh của tỉnh Vĩnh Long, cùng đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc đã tham gia sự kiện truyền thông “Trẻ em gái làm chủ tương lai”.

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, 30 năm Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Ngày Nhà giáo thế giới 5/10 nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái tại Việt Nam.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái ảnh 1

Một tiết mục văn nghệ tại chương trình “Trẻ em gái làm chủ tương lai”. (Ảnh: UN Women Việt Nam)

Chương trình nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của trẻ em gái trong việc xây dựng một tương lai bình đẳng. Sự kiện cũng tôn vinh tiếng nói và sự đóng góp của nhà giáo trong quá trình hoàn thiện chính sách và môi trường giáo dục hòa nhập hơn cho mọi người học bao gồm trẻ em gái, đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng hành động thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

Hoạt động này do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp tổ chức cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long.

Đây là hoạt động nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, Ngày Nhà giáo thế giới 5/10, và 30 năm Tuyên bố Bắc Kinh và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh (1995-2025).

Chương trình diễn ra tại Trường trung học cơ sở Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, một trong 15 trường trung học cơ sở tham gia dự án “Chúng tôi có thể” do UNESCO, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Giáo dục-Đào tạo triển khai và do Tập đoàn CJ tài trợ.

Bình đẳng giới là một trong hai ưu tiên toàn cầu của UNESCO. Tại Việt Nam, UNESCO đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo suốt hơn một thập kỷ trong triển khai các sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới trong và thông qua giáo dục. Một trong những điểm nhấn đó là dự án “Chúng tôi có thể” triển khai ở các tỉnh có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, gồm các địa phương: Vĩnh Long, Cao Bằng và Ninh Thuận.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái ảnh 2

Nữ vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên ký tặng các bạn trẻ tại chương trình. (Ảnh: UN Women Việt Nam)

Hưởng ứng chủ đề toàn cầu “Trẻ em gái làm chủ tương lai”, các hoạt động triển lãm, trò chơi giao lưu, thi sáng tác tranh cổ động đã mang đến cơ hội cho học sinh thể hiện quan điểm và vai trò của trẻ em gái cùng các bạn trong việc làm chủ tương lai của mình, gia đình và xã hội thông qua dự án liên môn mỹ thuật, ngữ văn và trải nghiệm sáng tạo.

Các em học sinh cũng được tham gia chuyến xe buýt “Beijing+30 Bus Tour” do UN Women tổ chức nhằm ghi nhận những thành tựu về bình đẳng giới của Việt Nam trong 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một văn kiện được 189 quốc gia trong đó có Chính phủ Việt Nam phê chuẩn và tích cực triển khai thực hiện. Đây cũng là chương trình nghị sự toàn cầu mang tính thay đổi và toàn diện nhất nhằm đạt bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Chiến dịch truyền thông với các chuyến xe buýt “Beijing+30 Bus Tour” của UN Women nhằm ghi nhận những thành tựu về bình đẳng giới của Việt Nam.

Nhiều chuyến xe buýt tương tự sẽ được thực hiện tại 8 địa phương khác nhau. Đó là các tỉnh, thành phố: Vĩnh Long, Đà Nẵng, Cần Thơ, Ninh Thuận, Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Điện Biên.

Những hoạt động trên mỗi chuyến xe đều được thiết kế sáng tạo, tập trung vào việc tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng tham gia đối thoại, hành động để tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức, hành vi về bình đẳng giới và quyền phụ nữ.

Chiến dịch truyền thông với các chuyến xe buýt “Beijing+30 Bus Tour” của UN Women nhằm ghi nhận những thành tựu về bình đẳng giới của Việt Nam. Nhiều chuyến xe buýt tương tự sẽ được thực hiện tại 8 địa phương: Vĩnh Long, Đà Nẵng, Cần Thơ, Ninh Thuận, Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Điện Biên.

TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CÁC HỌC SINH NỮ

Một điểm đặc biệt trong chương trình này là phần đối thoại trực tiếp với các diễn giả nữ có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực giáo dục, thể thao và khoa học và các bạn học sinh.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái ảnh 3

Tọa đàm truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, nhất là trẻ em gái. (Ảnh: UN Women Việt Nam)

Bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, đã chia sẻ về những thành tựu và thách thức trong việc thúc đẩy giáo dục bình đẳng cho trẻ em gái tại địa phương.

Chúng ta cần trang bị cho tất cả trẻ em, đặc biệt là các bé gái, những kỹ năng cần thiết để thành công. Nếu các bé gái không được tham gia bình đẳng vào nền kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh, chúng ta có nguy cơ bỏ lại phía sau một nửa dân số trong thế giới việc làm đầy cạnh tranh trong tương lai.

Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam

Cùng tham gia còn có sự góp mặt của Giáo sư Đặng Thị Phương Thảo - giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nữ Giáo sư duy nhất ngành sinh học năm 2023, đạt học bổng quốc gia của L’Oreal và UNESCO vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học.

Góp mặt tại chương trình còn có vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên - cựu vận động viên bơi lội, huấn luyện viên thể thao, người đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc và là hình mẫu của sự quyết tâm và tự tin.

Cuộc đối thoại đã truyền cảm hứng cho các học sinh, đặc biệt là học sinh nữ, có sự liên hệ với bản thân, tự hình dung về tương lai mình mong muốn, và có được nhiều bài học, lời tư vấn quý giá về sự quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, giúp các em tự tin khi theo đuổi ước mơ và mục tiêu của mình.

Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam, cho biết, cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới và Việt Nam, kết hợp sự gia tăng của các công việc xanh, đang mang lại vô số cơ hội.

Đồng thời, lãnh đạo của UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy và học STEM: “Chúng ta cần trang bị cho tất cả trẻ em, đặc biệt là các bé gái, những kỹ năng cần thiết để thành công. Nếu các bé gái không được tham gia bình đẳng vào nền kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh, chúng ta có nguy cơ bỏ lại phía sau một nửa dân số trong thế giới việc làm đầy cạnh tranh trong tương lai”.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái ảnh 4

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam J.W. Bake trao giải cho một hoạt động tại chương trình. (Ảnh: UN Women Việt Nam)

Nhân dịp này, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Bake chia sẻ: “Sự kiện ngày hôm nay cũng nhằm kỷ niệm Ngày Nhà giáo thế giới 5/10 với chủ đề ‘Tôn vinh tiếng nói của nhà giáo: Hướng tới một khế ước xã hội mới cho giáo dục’. UNESCO khuyến khích các thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục cất tiếng nói của mình và tìm kiếm các câu trả lời để cùng xây dựng môi trường dạy và học thu hút hơn, bình đẳng hơn và bao trùm đến mọi đối tượng cho một tương lai bền vững của Việt Nam”.

Thông qua chủ đề này, Ban tổ chức mong muốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục cho trẻ em gái và trao quyền để các em vượt qua thách thức, tích cực tham gia vào việc kiến tạo một tương lai toàn diện hơn. Đồng thời, sự kiện cũng tôn vinh tiếng nói và vai trò của các nhà giáo, đặc biệt là giáo viên nữ, trong việc định hướng và hỗ trợ các em gái phát triển toàn diện.

Từ năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày 11/10 hằng năm làm Ngày Quốc tế trẻ em gái để công nhận quyền và những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt trên khắp thế giới.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái ảnh 5

Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam C. Nyamayemombe trao giải cho một hoạt động tại chương trình. (Ảnh: UN Women Việt Nam)

Sự ra đời của ngày kỷ niệm này nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay cải thiện nhận thức về bất bình đẳng giới trên khía cạnh y tế, dinh dưỡng và giáo dục. Các thông điệp truyền tải hướng tới những hành động bảo vệ trẻ em gái khỏi nạn tảo hôn, sự kỳ thị và bạo lực gia đình, trường học...

Mỗi năm, Liên hợp quốc lại lựa chọn một chủ đề riêng nhằm tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo nguy cơ, hệ lụy tác động đến trẻ em gái và phụ nữ nói chung. Các chủ đề đã được lựa chọn như: “Chấm dứt nạn tảo hôn”; “Đổi mới giáo dục”; “Trao quyền cho các bé gái”; “Sức mạnh của cô gái vị thành niên”; “Bình đẳng để trẻ em gái được học tập, dẫn dắt, quyết định và phát triển”; “Để trẻ em gái tạo dựng và phát huy vị thế xứng đáng trong xã hội”; “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”.

Trong năm 2024, chủ đề dành cho Ngày Quốc tế trẻ em gái là “Tầm nhìn cho tương lai của trẻ em gái” (Girls’ vision of the future).

Chủ đề này nhằm tăng cường trách nhiệm, sự cam kết, quan tâm và vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân có tầm nhìn về tương lai cho trẻ em gái và tập trung thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Trong năm 2024, chủ đề dành cho Ngày Quốc tế trẻ em gái là “Tầm nhìn cho tương lai của trẻ em gái” (Girls’ vision of the future).

back to top