Là cây trồng chủ lực, làm giàu cho nông dân, chè được trồng ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Thái Nguyên, trong đó chè có chất lượng thơm, ngọt hậu, nước xanh hoặc vàng óng chủ yếu được trồng ở vùng sườn đông dãy Tam Đảo hùng vĩ như Tân Cương, các xã phía tây huyện Đại Từ. Một số vùng ở huyện Phú Lương và Đồng Hỷ cũng có những sản phẩm chè nổi tiếng.
Nổi tiếng nhất phải kể đến chè được trồng, chế biến ở vùng Tân Cương, đó là 6 xã phía tây nam thành phố Thái Nguyên, vùng chè đặc sản lâu đời, được công nhận chỉ dẫn địa lý, nơi mà “Tri thức trồng và chế biến chè” được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hằng năm, thành phố Thái Nguyên tổ chức lễ hội chè, hội thi sao chè thủ công nhằm tôn vinh người trồng chè |
Tân Cương là vùng trung du, đồi thấp trập trùng, khí hậu trong lành, được tưới bởi nguồn nước sông Công, hồ Núi Cốc mát lành, người dân nhiều đời giàu kinh nghiệm trồng những đồi chè bát ngát, nương chè xanh mơn mởn, giàu sức sống. Bà con thu hái đúng thời điểm, kinh nghiệm chế biến, làm cho chè có chất lượng và hương vị thơm ngon, làm vừa lòng người sành thưởng trà.
Nhân rộng mô hình chè hữu cơ ở Thái Nguyên
Ngày nay, nghề chè ở Tân Cương phát triển lên trình độ chuyên môn cao, các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất phát triển mạnh.
Vốn là một nông dân trồng chè ở xã Tân Cương, sớm nắm bắt tiềm năng, lợi thế, giá trị của loại cây này, bà Đào Thanh Hảo đã kiên trì tích tụ đất đai, vận động thành lập tổ hợp tác, hướng dẫn kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến, sáng lập hợp tác xã, thành lập Chi bộ Hợp tác xã Chè Hảo Đạt do mình làm Bí thư Chi bộ, phát triển thành cơ sở chế biến, kinh doanh chè lớn, có thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm đạt OCOP năm sao quốc gia.
Là cây trồng chủ lực, chè là sinh kế của hàng chục vạn hộ dân và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng nghìn người chế biến. |
Với hơn 50ha chè hữu cơ, sản xuất theo hướng hữu cơ của hợp tác xã, liên kết với người dân trong khu vực để phát triển vùng nguyên liệu, mỗi ngày, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt chế biến từ 4- 4,5 tấn chè búp tươi, mỗi tháng chế biến từ 1.350-1.500 tấn chè búp tươi, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 250-300 tấn chè búp khô.
Cùng với đầu tư công nghệ, thiết bị sản xuất hiện đại, hợp tác xã này đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chè Thái Nguyên được đóng gói, mẫu mã đẹp. |
Hợp tác xã Chè Hảo Đạt đã xây dựng điểm du lịch cộng đồng, bao gồm không gian trải nghiệm vườn chè, trồng, chế biến chè, thưởng trà và sản phẩm chế biến từ chè. Qua đó nâng cao giá trị của chè, vùng chè đặc sản.
Cách đó không xa, là Không gian văn hóa trà Thái Nguyên, nơi trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật về “Tri thức trồng và chế biến chè”, dụng cụ pha trà qua các thời kỳ.
Không chỉ ở Tân Cương, nhiều hợp tác xã, người dân ở dọc sườn đông Tam Đảo như La Bằng, Hoàng Nông thuộc huyện Đại Từ phát huy địa thế, phong cảnh đẹp; khí hậu trong lành, chỉnh trang đồi chè, nương chè, xây dựng cơ sở lưu trú để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch vùng chè.
Không gian văn hóa trà Thái Nguyên nơi lưu giữ, tôn vinh văn hóa trà Thái. |
Để giữ “sức khỏe” của đất, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người trồng, chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vô cơ được người dân, các hợp tác xã không chỉ ở vùng chè đặc sản Tân Cương và nhiều nơi khác trong tỉnh hạn chế đến mức thấp nhất.
Là cây trồng chủ lực, được trồng trên diện rộng, năm 2023 chè mang lại doanh thu khoảng 13 nghìn tỷ đồng, là sinh kế của hàng trăm nghìn hộ nông dân, góp phần quan trọng làm giàu cho nông dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn hơn 3% số hộ, 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát huy lợi thế về cảnh quan, khí hậu, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực phát triển du lịch để lan tỏa giá trị của chè. |
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình, so với các loại cây trồng khác, chè đã mang lại doanh thu lớn nhất, nhưng tỉnh phấn đấu đạt doanh thu 1 tỷ USD/năm để mang lại thu nhập lớn hơn cho nông dân, tầng lớp chiếm số đông trên địa bàn tỉnh.
Nhằm đạt doanh thu 1 tỷ USD từ chè trong bối cảnh và xu thế đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu giữ nguyên diện tích chè hiện có và phát triển lên 25 nghìn ha chè trong những năm tới; tái cơ cấu ngành chè theo hướng tăng giá trị, chất lượng, thương hiệu chè Thái, trước mắt là đầu tư tưới tự động để tăng năng suất chè vụ đông, liên kết sản xuất theo chuỗi để từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún quy mô hộ gia đình; gắn sản xuất chè, vùng chè với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.