Tận dụng lợi thế tự nhiên, nhiều năm qua, chủ đầu tư, người dân xây dựng, đa dạng hóa các loại hình du lịch, mang đến những trải nghiệm khó quên về văn hóa sông nước đậm chất Tây Nam Bộ.
Những điểm đến hấp dẫn
Cù lao An Bình (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) bao gồm bốn xã: An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước, có diện tích hơn 60km2, được bao bọc bởi sông Cổ Chiên và sông Tiền.
Nhờ phù sa những dòng sông bao bọc, bồi đắp, nơi đây đã xuất hiện những miệt vườn cây trái xanh tốt. Cây ở đây có quanh năm, mùa nào thức nấy, mỗi loại mang một hương vị đặc trưng riêng.
Nhờ vào địa thế sông nước, miệt vườn, nhiều nhà vườn đã hình thành và được chọn làm nơi khai thác du lịch. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng của du khách, từ năm 2000 đến nay, nhiều khu du lịch sinh thái, homestay đã mọc lên trên cù lao An Bình.
Homestay ở cù lao An Bình được nhiều du khách ưa thích. |
Tại đây, du khách có thể trải nghiệm các trò chơi như tập đi cầu khỉ, trượt cỏ, cưỡi đà điểu. Đáng chú ý là trò chơi nhử mồi cá sấu giúp người chơi hình dung ra cả một hành trình khai phá thiên nhiên của người dân Nam Bộ cách đây mấy trăm năm.
Theo đánh giá của nhiều công ty lữ hành, du lịch trải nghiệm ở các cù lao miền Tây Nam Bộ có tiềm năng lớn để phát triển, nhất là sự đa dạng, phong phú của các vườn cây ăn quả mang tính đặc thù vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Tính cách phóng khoáng, hiếu khách và những kiến trúc mang đậm văn hóa truyền thống cũng là điểm nhấn.
Theo nhiều người dân tại cù lao An Bình, phần lớn du khách, nhất là khách nước ngoài khi đến đây thường chọn nghỉ lại qua đêm để được chứng kiến cuộc sống của người dân bản địa.
Đáng chú ý, năm 2023, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia, cụm homestay xã An Bình của tỉnh Vĩnh Long được vinh danh đoạt giải du lịch ASEAN gồm 6 đơn vị homestay liên kết thành, gồm: Út Thủy, Sáu Thành, Năm Thành, Ba Lình, Ngọc Phượng, Ngọc Sang.
Du khách trải nghiệm tại cù lao Mây. |
Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) được người địa phương ví là “hòn đảo ngọt đất Tây Đô”. Không chỉ có những vườn cây ăn trái, ở đây còn có cả các di tích cùng những ngôi nhà cổ tuổi đời trăm năm. Nổi tiếng nhất là khu du lịch vườn dừa Tân Lộc. Vườn dừa rộng hơn 1.000m2, với những cây dừa đủ loại, từ dừa ta, dừa xiêm, dừa dứa. Chung quanh vườn là những mương nhỏ để du khách chèo xuồng tham quan.
Bà Đào Thị Diễm Kiều, chủ nhân vườn dừa, cho biết, ban đầu nhà bà chỉ trồng dừa để bán quả. Sau đó, nhiều người đi qua thấy vườn dừa, hệ thống mương tưới nước và chiếc xuồng nhỏ rất đẹp cho nên xin vào chụp ảnh. Hiện nay, mỗi ngày, hàng trăm du khách kéo đến đây , mang đến cho gia đình chị Diễm nguồn thu nhập ổn định.
Cù lao Mây (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), nằm giữa 2 nhánh sông Hậu và sông Trà Ôn, nổi tiếng với những vườn chôm chôm chín đỏ, vườn nhãn trĩu cành cùng làng nghề bánh tráng có tuổi đời gần 100 năm.
Cù Lao Dung - vùng đất vươn ra biển Đông
Người dân ở đây bắt đầu làm du lịch chỉ hơn 10 năm. Nhưng nhìn vào lượng du khách nườm nượp đến đây vào những ngày nghỉ, lễ, tết, có thể thấy ngành "công nghiệp không khói" ở địa phương đang có những bước phát triển.
Nhiều cù lao ở Tây Nam Bộ đón rất nhiều du khách, nhất là các dịp lễ, tết. |
Người dân địa phương cho biết, ban đầu, họ chỉ khai thác những vườn cây. Sau đó, họ mở rộng thành những khu sinh thái với các trò chơi dân gian, món ăn đặc sản địa phương. Không được đào tạo về du lịch và họ dùng cái chân chất, gần gũi, thân thiện, vốn là “đặc sản” của người miền Tây để níu chân du khách.
Chúng tôi làm du lịch bằng chất lượng dịch vụ, bằng sự mến khách. Hiện nay, lượng khách du lịch đến đây tương đối ổn định. Chúng tôi chưa biết cách quảng bá hiệu quả, nhưng tôi vẫn tin là “hữu xạ tự nhiên hương”, mình làm tốt thì khách sẽ tự tìm đến”, chị Phương Lan, quản lý một khu du lịch tại đây chia sẻ.
Cần tăng tính đa dạng sản phẩm
Theo đánh giá của nhiều du khách, mặc dù trải nghiệm tại các cù lao miền Tây rất thú vị, nhưng những điểm đến này hiện tại chỉ thích hợp cho những chuyến đi ngắn ngày, trải nghiệm một lần cho biết. Nếu muốn phát triển lâu dài, tính đa dạng trong sản phẩm là hết sức quan trọng.
Du khách trải nghiệm tại một cù lao ở tỉnh Vĩnh Long. |
Anh Nguyễn Ngọc Anh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Việc trải nghiệm sẽ thú vị hơn nếu có thêm nhiều trò chơi mới lạ, kết hợp tham quan các điểm đến, di tích đặc trưng. Tại một số cù lao ở miền Tây tôi từng qua, các trò chơi hầu hết là giống nhau, chỉ cần trải nghiệm một vài lần là đủ. Cần phát triển mạnh những điểm nổi bật, để làm sao khi nhắc đến đặc điểm nào, người ta nghĩ ngay đến cù lao ấy".
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, nhiều công ty lữ hành ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... đã khảo sát tại các cù lao ở đồng bằng sông Cửu Long để mở thêm các tour, tuyến cho du khách tham quan. Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại các cù lao vẫn tự phát, đơn lẻ. Sản phẩm du lịch ít, đơn điệu và phụ thuộc quá nhiều vào các miệt vườn, trò chơi dân gian.
Một điểm nghẽn lớn trong phát triển du lịch tại các cù lao là các khu du lịch chưa biết cách quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, các điểm tham quan thiếu sự liên kết, gây khó khăn trong tiếp cận nguồn khách cũng như hình thành được chuỗi sản phẩm, dịch vụ.
Phát triển du lịch đường sông gắn với bảo tồn giá trị làng nghề gạch gốm Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long
Hồi bắt đầu làm du lịch, chúng tôi thường xuyên đối mặt với bài toán thiếu vốn, thiếu nhân lực. Người trong nhà chẳng được đào tạo du lịch mà chỉ nhặt nhạnh kiến thức từ những khu sinh thái ở nơi khác. Khu du lịch của chúng tôi hình thành từ những cái áo bà ba tự may, những chiếc cầu khỉ, cầu lắc tự thiết kế, tự thi công…
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, quản lý Khu du lịch Tám Trong (cù lao Mây)
Nhiều hộ kinh doanh du lịch xuất thân từ những người trồng cây ăn trái. Vì thế, với họ, việc làm sao để tạo dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu đang là bài toán khó.
Tại nhiều địa điểm du lịch, nhân lực phục vụ hoạt động chủ yếu theo kiểu "của nhà trồng được". Từ quản lý đến nhân viên phục vụ chủ yếu từ người nhà, người quen, hầu hết không được đào tạo về làm du lịch.
Nhiều chủ khu du lịch đang chủ yếu dựa vào cách quảng bá qua mạng xã hội hoặc kiểu truyền miệng truyền thống. Không ít người vẫn tỏ ra lạ lẫm với cách thức kết nối với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để đưa điểm du lịch của mình vào trong chương trình tour, tuyến.
Đẩy mạnh quảng bá là cách để đưa hình ảnh các cù lao đồng bằng sông Cửu Long đến với du khách. |
"Nhiều khi muốn vay vốn đầu tư thêm nhiều công trình phục vụ du khách, nhưng đầu tư thế nào, làm những cái gì, liệu có hiệu quả hay không vẫn khiến chúng tôi loay hoay", chủ một vườn trái cây ở cù lao Tân Lộc chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều du khách, việc đi lại, di chuyển tại nhiều cù lao ở đồng bằng sông Cửu Long chưa thật sự thuận tiện. Điều này cũng là cản trở không nhỏ cho việc phát triển du lịch tại đây.
Tại cù lao Tân Lộc, du khách chỉ có thể tham quan bằng cách đi phà từ đất liền từ trung tâm quận Thốt Nốt, cách trung tâm thành phố Cần Thơ hơn 40km. Nhiều tuyến đường trong cù lao cũng xuống cấp trầm trọng.
Việc đi lại thuận tiện sẽ là điều kiện để du lịch các cù lao phát triển. |
Tại cù lao Mây, dù có tuyến tàu đường sông đưa du khách từ trung tâm thành Cần Thơ tới đây, tuy nhiên giá vé khá cao. Chưa kể, tàu chỉ đưa khách đến những khu vui chơi cố định, nằm ở phía ngoài. Khi du khách muốn khám phá bên trong thì khó khăn trong di chuyển vì không có phương tiện.