Người lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: nhandan.vn)
Người lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: nhandan.vn)

Bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Hiện nay, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bình quân tháng là 6 triệu đồng, và cứ 12-14 người đóng bảo hiểm thất nghiệp thì có 1 người hưởng. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ trình lên Quốc hội sắp tới có nhiều đề xuất bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cũng như thu hút thêm người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

12-14 NGƯỜI ĐÓNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP THÌ CÓ 1 NGƯỜI HƯỞNG

Hiện nay, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bình quân tháng là 6 triệu đồng. Một người đóng tối thiểu là 12 tháng với số tiền là 1% x 6 triệu đồng x 12 tháng = 720.000 đồng (tương ứng 12%) có thể hưởng các chế độ lên đến khoảng gần 500% (chưa tính đến chế độ hưởng tư vấn, giới thiệu việc làm). Thực tế hiện nay, cứ 12-14 người đóng bảo hiểm thất nghiệp thì có 1 người hưởng.

Đây là thông tin được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời đề nghị của cử tri Vĩnh Phúc về việc nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm theo hướng người đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến khi về hưu hoặc chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được thanh toán số tiền cá nhân đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (1%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vì theo nguyên tắc của bảo hiểm là “có đóng có hưởng”.

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bình quân tháng là 6 triệu đồng.
Thực tế hiện nay, cứ 12-14 người đóng bảo hiểm thất nghiệp thì có 1 người hưởng.

Cơ quan này nêu rõ, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn (như bảo hiểm y tế), tính chia sẻ rủi ro cao giữa người có việc làm với người bị mất việc làm; nhiều người đóng nhưng chỉ có một số ít người mất việc làm mới được hưởng.

Qua đó, nhằm hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho biết, nguyên tắc đóng-hưởng trong bảo hiểm thất nghiệp là nếu xảy ra rủi ro và đáp ứng đủ điều kiện, người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng khoản hỗ trợ đền bù về thiệt hại theo từng chế độ chứ không phải đóng tiền vào quỹ...

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang đề xuất mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Sau đó, người lao động cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

DỰ THẢO LUẬT VIỆC LÀM: NHIỀU ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp ảnh 1

Người lao động tại Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên. (Ảnh: SEVT)

Hiện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người lao động khi tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Trong trường hợp, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng, gồm: hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề...

Nhóm người sử dụng lao động được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Trợ cấp thất nghiệp là chế độ hỗ trợ quan trọng giúp cho người lao động vượt qua khó khăn khi mất việc làm. Nếu mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao, chưa chắc khuyến khích được người lao động.

Cùng với đó, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đề xuất linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Cơ sở để đưa ra đề xuất này là trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Luật Việc làm hiện hành quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Do đó, chưa bảo đảm tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái hoặc khi Quỹ kết dư lớn.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối tháng 10 tới.

Thực tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Do đó, dự thảo Luật Việc làm đề xuất sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Nhìn nhận về tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn 2015-2023 cho thấy, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng trưởng qua các năm. Mức tăng bình quân khoảng hơn 6%/năm.

Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong năm 2024, mục tiêu đặt ra của ngành lao động-thương binh và xã hội là nâng tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo thất nghiệp đạt khoảng 33-33,5%.

Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là một thách thức lớn.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối tháng 10 tới.

back to top