Tại các làng nghề, vấn đề đầu ra cho sản phẩm luôn được chính quyền địa phương, người dân hết sức quan tâm. Bên cạnh đó, đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề cũng đang trở thành những rào cản trong việc bảo tồn, phát triển.
Ít người theo nghề
Làng nghề làm đồ chơi Long Tuyền (quận Bình Thủy, Cần Thơ) nằm khép bên dòng kênh xanh mát. Ở đây, cứ mỗi dịp cuối tuần đón không ít khách tham quan, học sinh, sinh viên đến trải nghiệm.
Ngày xưa, có nhiều nhà làm đồ chơi dân gian truyền thống. Ngày nay, do không cạnh tranh được với các sản phẩm đồ chơi điện tử, hiện đại, sản phẩm bán ra ngày càng khó nên giờ chỉ còn vài hộ đau đáu giữ nghề.
Ông Nguyễn Văn Truyền, nghệ nhân gần 30 năm tuổi nghề
Vừa bận bịu với với đống giấy xốp, chỉ, bút lông, dây kẽm để làm những con chuột, con rùa, cá sấu đồ chơi, bà Đặng Thị Ly, thợ làm đồ chơi làng Long Tuyền, bảo: Từ xưa đến nay, các món đồ chơi ở đây vốn đơn giản, mộc mạc như chính con người Tây Nam Bộ .
Để tạo sản phẩm, đầu tiên, dùng kéo cắt giấy xốp theo khuôn mẫu, lấy chỉ và dây kẽm cố định để tạo hình con vật. Để xuống dưới bụng một khối đất sét đặc hình trụ nhỏ, quấn dây vòng quanh một đầu sợi dây xuyên qua lưng con vật.
Khối đất hình trụ có một thanh thép nhỏ, luồn hai sợi dây cao-su sang hai bên. Khi kéo mạnh sợi dây, khối đất sét sẽ quay tròn. Thả sợi dây ra, nhờ các sợi cao-su, khối đất sét quay ngược trở lại như lúc đầu, làm con vật di chuyển.
Những món đồ mộc mạc tại làng nghề đồ chơi dân gian Long Tuyền. |
Các con vật trông đơn giản, nhưng theo ông Nguyễn Văn Truyền, để tạo ra là cả một quá trình nghiên cứu công phu của người dân. Ngày xưa, các hộ nơi đây nhà nào cũng có của ăn, của để, nhưng bây giờ, tìm đầu ra cho sản phẩm rất khó vì trẻ con không còn chuộng các món đồ chơi dân gian truyền thống. Lớp trẻ trong làng không hứng thú với nghề mà tìm những công việc thu nhập cao hơn, vì thế nghề làm đồ chơi Long Tuyền dần bị mai một đi.
Làng chiếu Cái Chanh (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, Cần Thơ) ngày xưa nức tiếng cả khu vực Tây Nam Bộ. Đến nay, tại làng chỉ còn lẻ tẻ vài gia đình bám trụ nghề.
Bà Nguyễn Thị Lệ, nghệ nhân hơn 60 năm làm nghề, cho biết, chiếu Cái Chanh trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến ở miền Tây một phần là do chiếu bền, gọn, êm, mùa đông thì ấm, mùa hè nằm lại mát, một phần là do kích cỡ, giá lại rẻ hơn những nơi khác.
Một trong số thợ dệt chiếu ít ỏi tại làng chiếu Cái Chanh. |
Ngày xưa, cứ vào độ tháng 10 âm lịch, cả làng như mở hội để chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán. Thương lái khắp nơi đổ về. Từng hàng ghe nối nhau rời đi với đầy ắp chiếu, mang theo sự rạng rỡ của thương lái và dân làng vì năm nay ai ai cũng có một cái Tết no đủ.
Hiện nay, thợ làm chiếu đều đã có tuổi, trong khi lớp trẻ không mấy ai theo nghề. Bây giờ làm chủ yếu lỗ, vì người ta ưa chuộng các loại chiếu dệt bằng máy hơn bằng tay thợ.
Mỗi ngày, tôi đều đặn dành 7-8 tiếng ngồi dệt, cũng chưa được hai đôi chiếu, bán chỉ được trên dưới 100 nghìn đồng một đôi. Nhiều khi cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng cứ rỗi lại nhớ nghề, rồi lại làm.
Bà Bùi Thị Đào, thợ dệt chiếu tại làng Cái Chanh
Tại làng nghề bánh tráng cù lao Mây (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), bà Nguyễn Thị Kim Hương (74 tuổi, một trong những người làm bánh cao tuổi nhất) cho biết, hiện nay, làng nghề vẫn đang được những người tâm huyết ở đây duy trì và từng bước phát triển.
Ngày thường, tại cù lao Mây có khoảng 15-20 hộ làm bánh, bán thường xuyên cho các mối khách quen. Đến thời điểm gần Tết, nhiều khi có đến 60-70 hộ trong làng cùng sản xuất.
Công việc làm bánh thường kéo dài từ 3 giờ sáng đến đêm khuya. Làm liên tục, nhưng nhiều lúc không sản xuất kịp hàng giao hàng cho khách. Những năm gần đây, ngoài các sản phẩm truyền thống, người làng có các loại bánh mới như bánh tráng ớt, bánh tráng thanh long…
Câu chuyện văn hóa: Phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống
Mặc dù tạo được thu nhập đều đặn, tuy nhiên, theo nhiều hộ làm bánh ở cù lao Mây, làng nghề đang đối mặt nhiều khó khăn. Những người có tay nghề cao trong làng đã cao tuổi, người trẻ nhất cũng xấp xỉ 40. Lớp trẻ không mấy ai mặn mà, bởi công việc cực nhọc, mà thu nhập thì không cao so với nhiều ngành nghề khác.
Hiện nay, chỉ có 14 thành viên tham gia hợp tác xã, vì vậy việc kết nối trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm gặp khó khăn. Người dân chưa biết cách thức quảng bá sản phẩm dẫn đến bán hàng trong ngày thường gặp không ít khó khăn. Người dân vẫn trông chờ vào vụ Tết để sản xuất.
Gian nan “giữ lửa”
Dẫn tôi tham quan làng nghề, ông Lê Văn Thông (Giám đốc Hợp tác xã bánh tráng cù lao Mây) chia sẻ: Hiện nay, nhiều nhà đầu tư máy móc như máy cắt, máy xay bột thay thế cối xay truyền thống cho nên sản xuất được nhiều sản phẩm hơn mà vẫn giữ được hương vị truyền thống.
Người dân tại cù lao Mây rất biết cách học hỏi cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. |
Người dân biết cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và cùng hợp tác xã xây dựng thương hiệu. Bánh tráng sản xuất với đầy đủ bao bì, nhãn mác, đóng gói hút chân không, được nhiều người không chỉ mua sử dụng mà còn để làm quà.
Hiện nay, sức cạnh tranh ngày một lớn, vì thế, để giữ được nghề, điều quan trọng nhất vẫn là tạo công ăn việc làm đều đặn cho bà con. Chính quyền địa phương luôn hướng tới gìn giữ thương hiệu làng nghề truyền thống cù lao Mây. Thời gian qua, các cấp, ngành đã có nhiều hình thức tuyên truyền cho người dân trong làng nghề hiểu về giá trị cao quý của công việc đặc thù này.
Các hoạt động quảng bá hình ảnh sản phẩm làng nghề, quy hoạch các điểm du lịch miệt vườn và kêu gọi nhà đầu tư khu du lịch,… cũng được đẩy mạnh. Đời sống các cơ sở làm nghề vì thế được cải thiện hơn.
Để bánh tráng ở làng nghề trăm tuổi này vươn xa, có lẽ các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ hơn nữa, để ổn định đầu ra, bảo đảm thu nhập cho bà con bên cạnh việc gìn giữ và phát triển thương hiệu, bản sắc làng nghề.
Ông Lê Văn Thông, Giám đốc Hợp tác xã bánh tráng cù lao Mây
Tại làng nghề đồ chơi Long Tuyền, việc giữ được nghề trở thành vấn đề vô cùng nan giải.
Thời gian qua, việc kết hợp với các tour du lịch phần nào gỡ được chút khó khăn cho người dân làm nghề ở đây. Ngoài ra, để duy trì cuộc sống nhằm phát triển nghề, nhiều hộ gia đình thay vì chuyên sản xuất đồ chơi đã kết hợp nhiều công việc khác như trồng cây ăn trái để có thêm thu nhập. Không chỉ bỏ mối bán buôn, thi thoảng, những người làm đồ chơi đẩy xe bán ở các cổng trường trong vùng.
Người dân tại làng đồ chơi Long Tuyền mong muốn giữ được nét văn hóa của Tây Nam Bộ. |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Mười cho biết, đã qua rồi cái thời chịu khó dành dụm từ tiền bán đồ chơi cũng đủ xây nhà, nuôi con cái ăn học đầy đủ. Hiện nay, đồ chơi truyền thống ít nhiều vẫn được ưa chuộng, nhất là những dịp lễ, Tết, lượng tiêu thụ khá cao. Đó là niềm an ủi để chúng tôi tiếp tục sản xuất.
Bây giờ nhiều tour du lịch có chương trình đưa khách vào làng trải nghiệm làm đồ chơi. Hy vọng, thời gian tới, những con vật ngộ nghĩnh của làng sẽ vẫn là nét văn hóa truyền thống của miền Tây Nam Bộ.
Giữ nghề truyền thống - Câu chuyện từ cộng đồng
Liên quan việc bảo tồn, phát triển làng chiếu Cái Chanh, một lãnh đạo phường Thường Thạnh cho biết, các cấp chính quyền, các ngành của thành phố, của quận đã đưa ra nhiều giải pháp. Một hướng đi mới cho chiếu Cái Chanh là kết hợp sản xuất với làm du lịch, biến nơi đây trở thành điểm đến cho du khách muốn tìm hiểu về một nghề truyền thống khá đặc sắc.