Có thể thấy, nếu đề xuất này được thông qua, đồng nghĩa sẽ có nhiều người dân được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe khi không may rủi ro ốm đau, bệnh tật...
Theo đó, để bảo đảm ổn định chính sách và phát triển bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất cần Luật hóa, bổ sung vào trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2 nhóm chủ thể tham gia bảo hiểm y tế đã được quy định trong Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ (Nghị định số 75) để bảo đảm duy trì bền vững đối tượng tham gia, bao gồm:
Người dân các xã an toàn khu (ATK), vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Thời gian qua, thực hiện Nghị định số 75, đã có 1,9 triệu người dân xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP. Nếu nhóm đối tượng này được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), người dân thêm phấn khởi và ngày càng tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Đây là một trong những nội dung được thể chế hóa để ghi nhận công lao đóng góp và tri ân đồng bào các dân tộc trong các xã ATK, vùng ATK cách mạng đã có công nuôi dưỡng, đùm bọc cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế, thời gian hỗ trợ 3 năm.
Thực hiện Nghị định số 75, đã có 1,5 triệu người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng trong thời gian 3 năm; dự kiến theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021, sẽ có khoảng 600 nghìn người dân tộc thiểu số thoát khỏi khu vực II, III trong giai đoạn tiếp theo.
Như vậy, sẽ có khoảng 2,1 triệu người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng II, III.
Ngoài ra, nhóm người đồng bào dân tộc thiểu số luôn có các yếu tố hạn chế, như: tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ lao động qua đào tạo, trình độ dân trí thấp hơn mặt bằng chung, điều kiện địa hình phức tạp, rủi ro thiên tại cao, giao thông đi lại chi phí cao hơn... ngoài ra đây là địa bàn chiến lược, là phên dậu của đất nước.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đưa một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước hỗ trợ, mức đóng vào Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung, cụ thể: Đối tượng là nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh; đối tượng người thuộc hộ gia đình thoát nghèo; đối tượng là người cao tuổi từ đủ 65 tuổi trở lên đến dưới 75 được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là học sinh, sinh viên, để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho học sinh, sinh viên ngay từ y tế trường học, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất, cần tiếp tục quy định học sinh, sinh viên thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế tại trường học.
Theo đó, cần bãi bỏ điểm d khoản 6 Điều 13 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế “d) Trường hợp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế quy định tại khoản 4 Điều 12 đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Luật này thì được tự lựa chọn theo đối tượng đóng phù hợp". Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế từ 30% lên 50%.
Nhóm đối tượng tham gia quy định tại khoản 4 Điều 12 gồm các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế.
Thời gian vừa qua, triển khai theo quy định luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014, kết quả đối tượng học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đạt từ 95% đến 97% so tổng số học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, việc phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp với các sở, ngành, cơ sở giáo dục trên địa bàn thuận lợi, việc quản lý đối tượng học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế được đánh giá chặt chẽ.
Hiện nay, các nội dung trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia; dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2024.