Giải “bài toán” nguyên phụ liệu dệt may, da giày

Chìa khóa mở cửa thị trường EU

Chìa khóa mở cửa thị trường EU
Chìa khóa mở cửa thị trường EU -0
Nguyên phụ liệu đang là nút thắt lớn nhất của ngành dệt may, da giày trong việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có FTA Việt Nam – EU (EVFTA).

Thay vì bỏ một số vốn lớn để đầu tư nhà máy vải, Công ty May Việt Tiến đã hợp tác với Uniqlo và Nike, đầu tư nhà máy vải để trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của hai thương hiệu này. Để trở thành đối tác lớn của Uniqlo và Nike, công ty phải đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên, khi có được sự bảo đảm của những đối tác đứng đầu chuỗi cung ứng, đường đi và đầu ra cho sản phẩm có thể bảo đảm. Khi đó, doanh nghiệp tránh được việc đầu tư dàn trải trong bối cảnh không thể cạnh tranh với giá vải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ. Sản phẩm cũng có thể được xuất khẩu vào thị trường EU để được hưởng mức thuế thấp từ EVFTA, nhờ đáp ứng được quy định về xuất xứ hàng hóa.

Mô hình của Việt Tiến được ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhiều lần nhắc đến như là một trong những điển hình của việc đầu tư nguyên phụ liệu ngành dệt may sao cho vừa tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, vừa sử dụng hiệu quả nguồn vốn của doanh nghiệp. 

Cũng theo ông Lê Tiến Trường, EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, đang mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm dệt may Việt Nam thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường EU. Cụ thể, quy mô thị trường EU 27 hiện nay là 500 triệu dân, GDP đạt 18.292 USD năm 2019, chiếm 22% GDP toàn cầu. Tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của khu vực hiện vào khoảng 250 tỷ USD/năm, chiếm 34% tổng cầu dệt may thế giới.

Kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam vào EU năm 2019 đạt khoảng 5,5 tỷ USD, chiếm thị phần 2,2% tổng nhập khẩu dệt may của EU, xấp xỉ thị phần của Campuchia, đứng sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan. Hiện Bangladesh, Pakistan, Campuchia đều được miễn thuế hoặc hưởng thuế suất 0% khi XK vào EU với điều kiện xuất xứ dễ dàng hơn Việt Nam.

quote1-1597997854815.jpg

Tương tự, với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (LEFASO) chia sẻ, EVFTA có hiệu lực sẽ giúp các DN vừa giải phóng lượng hàng còn tồn trước đó, vừa mở ra cơ hội với các đơn hàng mới, khôi phục lại thị trường sản xuất.

Theo EVFTA, EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép (các loại giày chống thấm cao su/nhựa, dép lê và dép đi trong nhà, nguyên phụ liệu ngành giày dép…) và phần còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể.

sub2-1597997855131.jpg

Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích này, doanh nghiệp dệt may, da giày phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ sản phẩm. Các doanh nghiệp da giày chỉ được hưởng lợi nếu tự chủ được nguyên liệu và để được hưởng thuế suất thấp, các DN sẽ phải đáp ứng được quy định về xuất xứ thông qua hàm lượng giá trị trong khu vực khi sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam và các nước thành viên trong EVFTA. 

Trong khi đó, nguồn nguyên phụ liệu của hai ngành này hiện nay vẫn đang phải nhập khẩu số lượng lớn. Theo số liệu của Cục công nghiệp (Bộ Công thương), hàng năm Việt Nam nhập khẩu 60% vải, 55% xơ sợi và 45% phụ liệu từ thị trường Trung Quốc phục vụ sản xuất. Đây là quốc gia không được ưu đãi thuế trong EVFTA. Mặc dù các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm nguồn cung khác từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… song các nguyên vật liệu từ các nguồn cung này chưa đa dạng, phong phú về mẫu mã và khó đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ, thậm chí giá cả cao hơn nguồn hàng từ Trung Quốc.

Chìa khóa mở cửa thị trường EU -0

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phân tích, nguyên phụ liệu trong ngành dệt may là xơ, sợi, vải, cúc, chỉ… Trong đó, về xơ, thổ nhưỡng chúng ta không thích hợp để phát triển các cây trồng như bông, nên phần lớn bông xơ đều nhập khẩu từ Mỹ, Ấn Độ, Autralia, Uzberkistan… Về sợi, hiện tại phần lớn sản xuất sợi ở Việt Nam đều tập trung vào các loại sợi chỉ số thấp và trung bình, chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc. Công nghệ, máy móc, trình độ nguồn nhân lực đều chưa đạt để cho phép nhiều DN làm được các loại sợi chỉ số cao.

Đầu tư vào các dự án dệt nhuộm hoàn tất cũng không phải là bài toán dễ giải, vì vốn đầu tư cao, trình độ cán bộ kỹ thuật vận hành quản lý tốt, đòi hỏi phải đầu tư trong dài hạn. Trong khi đó, đầu tư vào sợi, vào may gia công vừa đòi hỏi ít vốn lại vòng quay thu hồi vốn nhanh. 

Chưa kể, theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chi phí đầu tư ở Việt Nam lớn nhất thế giới. Hiện nay, tất cả các hãng bán thiết bị trên thế giới trả nợ theo chương trình ngân hàng phát triển của họ với lãi suất 2,4%/năm bằng euro, trong khi Việt Nam, từ 2019 kể cả vay đầu tư nhập thiết bị cũng quy ra tiền Việt lãi suất từ 10,5-11%/năm.

Theo tính toán, hiện suất đầu tư cho một nhà máy sản xuất vải quy mô khoảng 10 triệu mét/năm cần khoảng 30 triệu USD (gần 700 tỷ đồng). Với hiện trạng ngành dệt may hiện tại, trong tổng số 8.450 DN có 85% DN có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng. Số DN trên 50 tỷ đồng chiếm 15%, trong đó hơn 500 tỷ đồng chỉ chiếm 3%, chưa thể đủ nguồn lực làm nguyên liệu. Chưa kể, thị trường tiêu thụ chưa chắc chắn do chưa vào được chuỗi.

“Hạn chế này khiến nhiều DN Việt không mấy mặn mà khi đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu, nhất là khi ta chưa thể cạnh tranh về giá và quy mô so với các DN Trung Quốc hay các DN FDI”, ông Cao Hữu Hiếu cho hay.

Khó khăn là vậy, song chính sách cho ngành hàng tỷ USD này lại chưa đủ hấp dẫn. Hiện nay nhiều địa phương còn từ chối các dự án dệt nhuộm do lo ngại về môi trường. Trong khi đó, cả nước vẫn chưa có một khu vực riêng cho các DN nguyên phụ liệu dệt may.

Với ngành da giày, theo thống kê của LEFASO, chỉ có 30-40% doanh nghiệp trong ngành này tự chủ được nguyên liệu, 60-70% doanh nghiệp còn lại chủ yếu làm gia công. 

Ngoài ra, da giày có thuộc da là một trong những công đoạn gây ô nhiễm môi trường. Da thuộc trong ngành da giày cũng tương đồng với yêu cầu xuất xứ của vải trong ngành dệt nhuộm. Vì vậy, ngành cũng gặp khó khăn trong nguồn cung nguyên phụ liệu để có thể đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu xuất xứ khi xuất khẩu theo EVFTA.

sub3-1597998524382.jpg

EVFTA đã có hiệu lực từ 1-8-2020, để được hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu hai công đoạn từ vải trở đi. Trước mắt, để giải quyết ngay vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Công thương cần triển khai tận dụng ngay quy tắc cộng gộp vải của Hàn Quốc và Nhật Bản, là hai quốc gia có cùng FTA với EU và Việt Nam và cũng đang chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam.

Về lâu dài, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, ngành dệt may đã có những kiến nghị mạnh như cần có quy hoạch Khu công nghiệp cho nguyên phụ liệu dệt may đủ lớn.

Lấy thí dụ với sản xuất vải, để tiến hành sản xuất dệt, nhuộm, hoàn tất cho 1 tỷ mét vải sẽ cần 300 ha đất) và có hạ tầng xử lý nước thải. Bên cạnh đó, bỏ thuế VAT khi DN mua nguyên phụ liệu dệt may trong nước (hiện tại, thuế VAT khiến đơn giá tăng thêm 2%).

Về phía các cơ quan chức năng, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công thương), cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của ngành dệt may, da giày là mới tham gia vào chuỗi giá trị ở phân khúc thấp, chủ yếu gia công, trong khi phần thương hiệu và thiết kế là khâu tạo ra giá trị gia tăng rất lớn song vẫn còn hạn chế. Do đó, DN cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh tạo cơ hội để xây dựng thị trường. Tiếp đến là chủ động liên kết với khách hàng nhằm hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA.

Mặc dù, Chính phủ đã có nhiều chính sách định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói chung và CNHT ngành da giày nói riêng, giúp DN trong nước chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Song theo bà Phan Thị Thanh Xuân, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trong Nghị định 111/2015/NĐ-CP còn dàn trải ở quá nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, mỗi ngành nghề lại có một đặc điểm riêng, dẫn đến tính phù hợp cũng như để khai thác được hết thế mạnh của các ngành nghề chưa thỏa đáng.

quote2-1597997854874.jpg 

Thực tế, da giày là ngành công nghiệp thời trang, đây cũng là ngành có sự thay đổi rất nhanh và đa dạng chứ không chỉ tập trung vào một số chủng loại sản phẩm. Đơn cử, riêng nguyên liệu cho ngành da giày có hàng trăm loại, chưa kể những phát minh mới, nếu chính sách chỉ tập trung vào loại đã hiện hữu thì sẽ không thể nắm bắt kịp sự thay đổi của thời cuộc. Hay DN đổi mới sáng tạo có thể tạo ra những vật liệu mới chưa có chuẩn nào, nhưng lại nắm bắt thị trường rất nhanh. Vì vậy, nếu có chính sách tốt sẽ thu hút được công nghệ để sản xuất và phát triển loại vật liệu đó, hoặc khuyến khích được các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo ra những nguyên liệu mới.

Trong bối cảnh EVFTA đi vào thực thi, để tận dụng cơ hội “vàng” mà EVFTA mang lại, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN cần xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu đồng bộ. Việc gắn kết chặt chẽ với các DN nước ngoài trong chuỗi cung ứng như mô hình của Việt Tiến với Uniqlo sẽ giúp hài hòa giữa việc vừa đáp ứng tiêu chuẩn nguyên phụ liệu, vừa hạn chế sự giàn trải trong đầu tư của DN.

Ngoài ra, để tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh, thời gian tới, các DN được khuyến cáo cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, củng cố tính cạnh tranh sản phẩm tại thị trường EU; chú trọng vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất... Đây là chìa khóa để đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường EU.

Chìa khóa mở cửa thị trường EU ảnh 7

Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH 

Nội dung: XUÂN BÁCH - HÀ ANH

Trình bày: HÙNG HIẾU - ĐĂNG PHI