Lễ xuất cảnh cho các ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc khóa 11 của chương trình EPA đi làm việc tại Nhật Bản, ngày 4/6/2024 tại Hà Nội. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Lễ xuất cảnh cho các ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc khóa 11 của chương trình EPA đi làm việc tại Nhật Bản, ngày 4/6/2024 tại Hà Nội. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tạo cơ hội vay vốn cho lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài

Nhiều lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các thị trường có thu nhập cao, ổn định, mong được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì vậy, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài muốn được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi

Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sắp được trình lên Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, trong tháng 11 này.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Đăng ký và quản lý lao động; Hệ thống thông tin thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề; Dịch vụ việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm.

Dự thảo Luật có 9 chương và 130 điều, tăng 2 chương và 68 điều so với Luật Việc làm năm 2013.

Tạo cơ hội vay vốn cho lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài ảnh 1

Các đại biểu tại lễ xuất cảnh cho các ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc khóa 11 của chương trình EPA đi làm việc tại Nhật Bản, ngày 4/6/2024 tại Hà Nội. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Cùng với đó, dự thảo Luật bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15.

Đồng thời, rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan cũng như rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực việc làm.

So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm trình Quốc hội có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn.

Đó là: (1) Sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; (2) Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; (3) Bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động; (4) Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; (5) Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; (6) Sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; (7) Bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; (8) Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; (9) Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; (10) Sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, một trong những nội dung sửa đổi được quan tâm trong dự thảo Luật lần này là mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới khẳng định: “Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm điều chỉnh bao quát các đối tượng, loại hình lao động”; “Có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động, ưu tiên quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.

Trong thực tế, Luật Việc làm 2013 và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm 5 đối tượng từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đó là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh nguồn vốn này, nhiều địa phương đã quan tâm, đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm góp phần giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững, từ đó, bố trí ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với tất cả người lao động có nhu cầu (không phân biệt người lao động khó khăn hay không) hoặc mở rộng ra các đối tượng khác ngoài các đối tượng được vay theo quy định của Luật Việc làm 2013 và các văn bản hướng dẫn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, 63/63 tỉnh, thành phố (trong đó có nhiều địa phương có cấp huyện) đã ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ tạo việc làm (trong đó có cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) với tổng dư nợ khoảng 38.378 tỷ đồng (chiếm 37,5% tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm).

Tạo cơ hội vay vốn cho lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài ảnh 2

Số lao động đi làm việc ở nước ngoài từ năm 2016 đến tháng 9/2024. (Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước)

Ở giai đoạn 2022-2023, có 16.066 lượt người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (chủ yếu từ nguồn ủy thác của địa phương, đối tượng vay đa phần ngoài các nhóm đối tượng theo quy định của Luật Việc làm 2013). Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm tỷ lệ thấp (trên dưới 5%) so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm.

Rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các thị trường có thu nhập cao, ổn định (Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản …) mong muốn được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi.

Trong khi đó, xu hướng tăng là điều dễ nhận thấy trong lĩnh vực lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng những năm gần đây.

Cụ thể như, năm 2022 là 142.779 người, năm 2023 là 155.000 người; 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt gần 114.000 người.

Đồng thời, qua khảo sát nhanh tại các địa phương, rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các thị trường có thu nhập cao, ổn định (Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản …) mong muốn được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi này.

Đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài

Từ thực tế trên, Ban soạn thảo dự án Luật Việc làm đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm các nguyên tắc về việc làm, thống nhất về các quy định liên quan cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không phân biệt nguồn ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương), tạo cơ hội cho tất cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

Dự kiến, Luật Việc làm sửa đổi quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành).

Dự thảo Luật đồng thời quy định linh hoạt đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (địa phương, tổ chức, cá nhân ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội có thể quyết định đối tượng khác được ưu tiên lãi suất hoặc ưu tiên vay vốn ngoài các đối tượng quy định chung).

Dự án Luật Việc làm sửa đổi quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành).

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tháng 1 năm 2022, một trong những kết quả và chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là tối thiểu 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo). Hỗ trợ khoảng 1.200 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.

Ngoài ra, trong Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, có Tiểu dự án 2 “Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Tiểu dự án này đặt ra mục tiêu đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Đến năm 2025:

- Tối thiểu 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo).

- Hỗ trợ khoảng 1.200 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Đối tượng là người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cư trú trên địa bàn các huyện nghèo (không bao gồm các địa bàn được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030), xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;

Cùng với đó là các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các tổ chức, cá nhân tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.

Có hai nội dung được hỗ trợ từ Tiểu dự án 2 nói trên.

Cụ thể, người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo (bao gồm cả thời gian tham gia giáo dục định hướng), trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp; giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động.

Hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Tổng nhu cầu vốn thực hiện là 570 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 270 tỷ đồng (vốn sự nghiệp); ngân sách địa phương là 200 tỷ đồng (vốn sự nghiệp); vốn huy động hợp pháp khác là 100 tỷ đồng.

Chia sẻ về kết quả Tiểu dự án 2 nêu trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Đặng Sĩ Dũng cho biết, sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tính đến hết năm 2024, tổng kinh phí ngân sách nhà nước đã phân bổ thực hiện Tiểu dự án 2 là 189 tỷ đồng, trong đó 159 tỷ đồng phân bổ cho 31 địa phương thực hiện.

Tính đến tháng 9/2024, đã có hơn 3.800 lượt người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo nghề và 5.157 lượt lao động được hỗ trợ làm các thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong giai đoạn 2021-2023, đã có khoảng 118.000 lượt người lao động và thân nhân được tư vấn về đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng góp phần tạo việc làm cho khoảng 120.000 người lao động, mở ra cơ hội làm việc ở nước ngoài cho người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo và các huyện nghèo. Đến nay, dư nợ cho vay người lao động là các đối tượng chính sách tại huyện nghèo đạt 184 tỷ đồng.

Cùng với đó, đã có hơn 3.800 lượt người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo nghề và 5.157 lượt lao động được hỗ trợ làm các thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận xét, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có xu hướng tăng trong thời gian qua, tập trung chủ yếu tại một số thị trường có thu nhập tốt, ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Tỷ lệ lao động của nước ta tại các thị trường này chiếm đến 95% số lượng người đi làm việc ở nước ngoài hằng năm.

Hiện nay, một số chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng có chính sách ưu tiên với lao động thuộc hộ nghèo, huyện nghèo hoặc là người dân tộc thiểu số.

Thí dụ, Chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản của Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (gọi tắt là Chương trình IM Japan) có chính sách hỗ trợ trong thi tuyển đối với đối tượng ưu tiên.

Cụ thể, Chương trình IM Japan có ưu tiên với các nhóm lao động sau.

Thứ nhất là nhóm người lao động thuộc các huyện nghèo theo quy định tại Quyết định số 275/2018/QĐ-TTg ngày 17/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai là nhóm người lao động thuộc các huyện nghèo và dân tộc thiểu số của các tỉnh miền núi; người lao động không thuộc đối tượng huyện nghèo hoặc dân tộc thiểu số của các tỉnh miền núi.

Thứ ba là nhóm người lao động thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số của các tỉnh không phải là tỉnh miền núi.

back to top