Chuyển đổi số nông nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững

Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên của phát triển nông nghiệp nông thôn. Tiếp cận thông tin và làm chủ công nghệ số sẽ là “chìa khóa” quan trọng để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật tại Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Đỗ Hương)
Ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật tại Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Đỗ Hương)

Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp.

Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã thí điểm công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh.

Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đều được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Chuyển đổi số nông nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững ảnh 1

Thu hoạch lúa trên cánh đồng ở Mỹ Hòa, Long Xuyên, An Giang. (Ảnh: Huỳnh Duy Thái)

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, với hơn 80% diện tích đất nông nghiệp (tương đương 297.000 ha) và hơn 65% dân số lao động nông thôn, nông dân An Giang có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong canh tác và ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.

Tỉnh An Giang đã ứng dụng công nghệ tưới thông minh kết hợp bón phân đã giúp giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giảm công lao động. Mô hình này được triển khai nhiều ở các hộ nông dân, hợp tác xã trồng trọt, chủ yếu vào các khu vực trồng có diện tích lớn, tiết kiệm công lao động thông qua việc tưới và bón phân.

Chuyển đổi số nông nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững ảnh 2

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng dưa lưới cho năng suất cao ở xã nông thôn mới Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Mã số vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp là một yếu tố quan trọng giúp quản lý, giám sát và kiểm soát chất lượng của nông sản, đặc biệt trong xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh An Giang đã cấp 514 mã số, với tổng diện tích vùng trồng gần 18 nghìn ha.

Công tác triển khai chuyển đổi số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua được triển khai rộng rãi đến người dân, các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp.

Trong năm 2024, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt dự án hệ thống nền tảng nông nghiệp số, bố trí nguồn kinh phí đầu tư các hệ thống thiết bị: Hệ thống giám sát côn trùng thông minh (23 hệ thống); Trạm giám sát và cảnh báo lũ (36 trạm), Hệ thống camera giám sát chu kỳ sinh trưởng của cây trồng (36 hệ thống), Hệ thống đo nhiệt độ và độ ẩm đất tự động (100 điểm), nhằm xây dựng mạng lưới giám sát tự động, nhanh chóng, có độ chính xác cao, phục vụ các yêu cầu chuyển đổi số.

Chuyển đổi số nông nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững ảnh 3

Hệ thống giám sát côn trùng thông minh tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Đặng Tuyết)

Ngoài ra, cùng với việc phát triển nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã số hóa quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và bảo đảm thông tin truy xuất được thuận tiện, minh bạch, chính xác. Đồng thời, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận công nghệ từ việc nhập nhật ký canh tác điện tử, sử dụng ứng dụng di động theo dõi dữ liệu về sâu bệnh, chất lượng nước… trong vùng canh tác.

Các giải pháp số, ứng dụng số, sàn thương mại điện tử dành cho nông dân được hình thành và phổ biến rộng rãi. Nhờ vậy, hiện nay nông dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu đến hộ gia đình.

Số hóa còn phát huy vai trò trong quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Đến nay có rất nhiều sản phẩm nông sản được gắn tem truy xuất.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện thông qua hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông qua các hệ thống truy xuất: traceverified.com, agricheck.net, icheck.com.vn, trace.icheck.vn, smartcheck.vn…

Thành công của Hợp tác xã Ngọc Linh (xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) khi áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc và nhãn mác để quảng bá sản phẩm là một minh chứng. Tem điện tử truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhãn mác được thiết kế bắt mắt, phản ánh đặc điểm riêng của sản phẩm và thương hiệu của hợp tác xã. Sản phẩm làm ra tránh bị giả mạo từ đó tăng uy tín cho sản phẩm và giúp mở rộng thị trường.

Chuyển đổi số nông nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững ảnh 4

Cán bộ Bưu điện tỉnh Yên Bái hướng dẫn nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. (Ảnh: Thu Hương)

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã thay đổi hoàn toàn nhận thức,cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ nông sản trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn và đưa 5.500.208 tài khoản hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử này với 149.502 sản phẩm; trong số đó, có hơn 8.200 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), đạt trên 79% sản lượng OCOP quốc gia.

Hàng nghìn tấn nông sản gồm nhiều loại trái cây như vải Lục Ngạn (Bắc Giang), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), nhãn lồng (Hưng Yên), nhãn xuồng (Đồng Tháp), bơ, sầu riêng (Đắk Lắk), cam Cao Phong (Hòa Bình),… cùng nhiều loại rau củ như khoai lang tím (Vĩnh Long), tỏi (Lý Sơn), chanh (An Giang) đã được tiêu thụ thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn và hệ thống các điểm phục vụ của Bưu điện Việt Nam.

Chuyển đổi số nông nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững ảnh 5

Na Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) được nông dân bán hàng trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội. (Ảnh: Bảo Anh)

Lạng Sơn là một trong những địa phương có được thành công lớn trong tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử. Toàn tỉnh hiện có hơn 202.000 tài khoản bán và hơn 115.000 tài khoản mua trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn, đưa 19.438 lượt sản phẩm là nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP lên gian hàng trực tuyến. Doanh thu bán hàng trên kênh thương mại điện tử đạt hơn 13,7 tỷ đồng. Riêng sản phẩm quả na trên hai sàn thương mại điện tử đã có 593 đơn hàng với khối lượng tiêu thụ là 2.945kg....

Có thể nói, chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp rất nhiều hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, vươn lên làm giàu ngay trên quê hương.

Việc chuyển đổi số không chỉ đơn thuần áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, mà còn đòi hỏi thay đổi tư duy, cách thức quản lý và tổ chức sản xuất. Để những ứng dụng chuyển đổi số thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.

Chuyển đổi số nông nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững ảnh 6

Mô hình làng thông minh xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Bạch Hân)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh lương thực. Đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (viễn thông, Internet, máy tính) phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn; ưu tiên phát triển hạ tầng cho các vùng trồng, chăn nuôi tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp với các doanh nghiệp công nghệ, startup về lĩnh vực số hóa, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản thông minh, hiện đại.