Trước đây, hộ anh Lý Văn Kiều ở thôn Nà Vài, xã Nghiên Loan (huyện Pác Nặm) thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình nhiều khó khăn. Thời điểm năm 2018, được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Pác Nặm tạo điều kiện, anh vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu.
Đến năm 2021, được sự tư vấn, hỗ trợ, khuyến khích, anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản. Hiện nay, gia đình anh có 1.000m2 trồng cỏ voi, trong chuồng thường xuyên có từ 13-15 con trâu, bò vỗ béo và đang trong thời kỳ sinh sản. Trung bình mỗi con trâu, bò sau 3 tháng được vỗ béo là có thể xuất bán, mỗi con lãi từ 1 đến 3 triệu đồng.
Mô hình sử dụng vốn vay tín dụng chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò là một điểm sáng, độc đáo trong phát triển kinh tế tại huyện Pác Nặm.
Nhờ đó, huyện Pác Nặm đã duy trì, phát triển được chợ trâu bò Nghiên Loan và Công Bằng, mỗi phiên giao dịch hàng nghìn con. Người dân từ vốn vay đã thoát nghèo, làm giàu và có sinh kế bền vững.
Hơn 20 nghìn lượt người được vay vốn, hơn 1.600 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, gần 1.000 ngôi nhà cho hộ nghèo được xây dựng… là những con số ấn tượng trong 10 năm thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Pác Nặm.
Hoạt động giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: THU CÚC) |
Trong 10 năm qua, tại Pác Nặm, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho vay đạt hơn 895.091 triệu đồng, cho 23.710 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ năm 2014 đến 2024, toàn huyện có 694 học sinh, sinh viên được vay vốn; 1.685 lượt lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, 1.488 lượt lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Tại Bắc Kạn, trong 10 năm qua (từ 2014-2024) đã có 170.143 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó có 22.676 hộ thoát nghèo; 1.110 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 19.483 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 3.616 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 67.457 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 1.390 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chợ Đồn kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại hộ vay. (Ảnh: THU TRANG) |
Riêng năm 2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 3.440 tỷ đồng, tăng hơn 150 tỷ đồng so với 31/12/2023, tốc độ tăng trưởng 4,77%. Tổng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 354 tỷ đồng, tăng hơn 44 tỷ đồng so với 31/12/2023. Toàn tỉnh có 13.273 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn…
Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là “đòn bẩy” để hỗ trợ người dân nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, nhanh chóng đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Công tác cho vay vốn được thực hiện theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm thời gian giải quyết hồ sơ nhưng vẫn bảo đảm theo quy định. Chi nhánh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng để các đối tượng có nhu cầu nắm rõ, từ đó, việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi bám sát vào các chủ trương, kế hoạch, mục tiêu của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân và mang lại hiệu quả cao nhất.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn xác minh mức độ thiệt hại bởi ảnh hưởng cơn bão số 3 của khách hàng vay. (Ảnh: THU CÚC) |
Theo Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Bắc Kạn Hà Sỹ Côn thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và các văn bản của tỉnh, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bắc Kạn, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, đã phát huy vai trò mang tính đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Tín dụng chính sách xã hội ngày càng khẳng định rõ vai trò trụ cột của hệ thống chính sách trên địa bàn.
Đồng hành với Ngân hàng Chính sách xã hội, Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp quán triệt và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đưa nội dung hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch công tác hằng tháng, năm của đơn vị, địa phương.
Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, chú trọng biểu dương, thúc đẩy tính lan tỏa nhằm từng bước giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực sự phát huy được nguồn vốn cho vay.