Thôn Phiêng Đén, xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn vốn là vùng đất giữa muôn vàn gian khó nhưng nay đang đổi thay từng ngày. Đường lên thôn không còn gập ghềnh như trước mà đã được đổ bê-tông rộng rãi hơn.
Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, thôn đã có nhiều thay đổi, người dân có đường đi lại kiên cố, có điện lưới quốc gia, trẻ em được học hành đầy đủ. Trong thôn một số hộ chăn nuôi vỗ béo trâu bò, nuôi lợn sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xã Tân Lập tập trung triển khai các chính sách về hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số như tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, vay vốn sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, xã hội hóa kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo…
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chợ Đồn kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại hộ vay. (Ảnh: THU TRANG) |
Riêng năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã thực hiện dự án chăn nuôi lợn thịt bản địa, có 36 hộ tham gia, quy mô 180 con.
Chương trình khuyến nông và các chương trình, dự án khác, xã thực hiện mô hình chọn lọc và phát triển giống gà Mông, có 2 hộ tại Phiêng Đén tham gia thực hiện.
Mô hình phục tráng và phát triển một số giống lúa nếp đặc sản vụ mùa, thực hiện tại cánh đồng Nà Chang với quy mô 2,4ha, có 23 hộ dân tham gia. Thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, người dân được hỗ trợ cây con giống, vật tư, phân bón, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật về xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại vật nuôi, cây trồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Lập Lành Văn Hiệu, đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 31 triệu đồng/người/năm. Để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo lộ trình từng năm, cùng với sự nỗ lực của địa phương, xã mong tiếp tục được hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất để phát huy tối đa thế mạnh, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Năm 2024, huyện Chợ Đồn được phân bổ vốn chương trình giảm nghèo bền vững hơn 14 tỷ đồng. Để tổ chức thực hiện hiệu quả, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng năm và cả giai đoạn; thường xuyên tổ chức tập huấn về chương trình.
Trong quá trình thực hiện, huyện huy động nhiều nguồn lực, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo.
Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, có kế hoạch hỗ trợ cụ thể, phối hợp chặt chẽ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn; tích cực phối hợp mở các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ, tạo điều kiện để người nghèo tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Người dân xã Nam Cường chăm sóc cây khoai tây. (Ảnh: NÔNG ĐUỔNG) |
Với mục tiêu tạo sinh kế cho người nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, các dự án, tiểu dự án đã được tập trung triển khai thực hiện gắn với tình hình thực tế, năm 2024 đến nay, huyện đã và đang triển khai hơn 20 dự án.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ma Doãn Kháng, huyện xác định tập trung triển khai có hiệu quả các nội dung của chương trình giảm nghèo bền vững để hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Huyện tiếp tục tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; nâng cao chất lượng dạy nghề, hỗ trợ người học nghề tiếp cận với việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp; đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bắc Kạn, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được tập trung triển khai đồng bộ ngay từ đầu giai đoạn. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, giúp người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội từng bước vươn lên, ổn định đời sống. Tính từ đầu giai đoạn, bình quân mỗi năm số hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm 2,71%, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sinh kế bền vững cho người dân và hoạt động đào tạo nghề... được chú trọng triển khai.
Nguồn lực nhà nước và xã hội hóa góp phần hỗ trợ hộ nghèo giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở để ổn định cuộc sống đã có tác động tích cực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giúp họ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từ đó có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Người dân thôn Nà Săm, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể chuẩn bị củ hành giống cho gieo trồng. (Ảnh: TUẤN SƠN) |
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã phân bổ vốn để đầu tư xây dựng 54 công trình cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo; hỗ trợ triển khai 263 dự án phát triển sản xuất với 6.193 hộ, trong đó hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 73%; tổ chức 115 lớp đào tạo nghề cho lao động với 3.849 người; hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài cho 324 lao động; tổ chức 75 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, trong đó 223 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cơ sở đào tạo đăng ký tham gia và tuyển dụng lao động, 2.504 lao động được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp…
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thì số hộ nghèo đa chiều đầu kỳ của Bắc Kạn là hơn 22.300 hộ, chiếm tỷ lệ 27,3%, đến cuối năm 2023 là hơn 18.000 hộ, chiếm tỷ lệ 21,9% (năm 2022 giảm 2,6%; năm 2023 giảm 2,7%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đầu kỳ là 30,5%, đến cuối năm 2023 là 24,4% (năm 2022 giảm 2,6%, năm 2023 giảm 3,4%), bình quân mỗi năm giảm 3%.
Trong thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của chương trình giảm nghèo bền vững. Tỉnh cũng lồng ghép các nguồn lực từ nhiều chương trình để hiệu quả giảm nghèo thật sự bền vững.