Công tác dân vận, tuyên truyền pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trước đây còn nhiều hạn chế. Không những một số hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số là trở ngại trong công tác tuyên truyền, mà hình thức phổ biến tuyên truyền còn chưa thực sự đa dạng.
Trước thực tế đó, vài năm gần đây, công tác đổi mới trong phổ biến giáo dục pháp luật đang rất được quan tâm trên cả nước và thực hiện như xây dựng các nền tảng trực tuyến; sử dụng mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện; tạo nội dung tương tác sôi động trong các buổi tuyên truyền…
Người có uy tín Nay Ky (ngoài cùng bên phải) ở xã Ia Roông (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số không vượt biên trái pháp luật, gìn giữ an ninh thôn làng. (Ảnh Gia Hân) |
Từ các giải pháp này, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từng bước trở nên hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030”.
Theo đó, đối tượng thực hiện Đề án gồm: Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các cá nhân được huy động, được mời tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2024 đến hết năm 2030 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đơn vị cấp xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật.
Hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh Ngọc Hiển) |
Tuyên Quang ưu tiên lựa chọn, công nhận mới báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số có đủ năng lực, trình độ thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Năng lực của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật bảo đảm hoạt động thực chất, có kỹ năng, nghiệp vụ tốt, am hiểu pháp luật. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, trong đó tập trung vào đối tượng là già làng, trưởng thôn, chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, hòa giải viên cơ sở để tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng, biên soạn, cung cấp tài liệu bồi dưỡng kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ này bằng chữ phổ thông hoặc song ngữ chữ phổ thông và chữ dân tộc thiểu số để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân bằng hình thức phù hợp.
Gần đây, tỉnh Bình Định tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thông qua các buổi tọa đàm như thế, một số kinh nghiệm, mô hình hay trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi được lan tỏa; đồng thời thấy rõ vai trò của người có uy tín trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao chất lượng, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của cán bộ, chiến sĩ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Người có uy tín trên địa bàn huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn vận động bà con hiến đất làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh Văn Huy) |
Mỗi địa phương có những cách làm hiệu quả trong từng lĩnh vực, hoạt động của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Lạng Sơn với hơn 1.640 người có uy tín thật sự là nhân tố tích cực trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Việc tuyên truyền pháp luật có nội dung tuyên truyền phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và gắn với nhiều lĩnh vực như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự...
Các nội dung được thể hiện qua nhiều hình thức như: tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt hội, đoàn thể; trong các lễ hội truyền thống ở địa phương; qua hoạt động hòa giải ở cơ sở...
Không chỉ tuyên truyền, người có uy tín còn vận động quần chúng tham gia đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, phòng chống tệ nạn xã hội ở khu dân cư.
Người có uy tín trên địa bàn huyện Bắc Sơn, Lộc Bình, Cao Lộc tham gia Hội nghị bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh do Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn tổ chức. (Ảnh Kiến Văn) |
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn, để đội ngũ người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị bồi dưỡng kiến thức; thông tin, kiến thức pháp luật cho đội ngũ người có uy tín. Từ đó, giúp người có uy tín có thêm kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội...
Trên địa bàn tỉnh Bình Định có 121 người có uy tín tại 121 thôn, làng, khu phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão... Họ có những đóng góp thiết thực trong việc vận động bà con phát triển kinh tế, chấp hành pháp luật, đặc biệt là vận động phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong các cuộc họp, những tác hại, hệ lụy được nêu ra, lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Người có uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân am hiểu pháp luật và ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho người có uy tín; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách, kịp thời biểu dương để người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò của mình trong đời sống cộng đồng.
Tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh Anh Tuấn) |
Tỉnh Bắc Giang hiện có 523 người có uy tín hoạt động tại 523 thôn thuộc 80 xã của 6 huyện miền núi. Họ là những người mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, biết cách làm giàu và hướng dẫn người dân cùng tham gia phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống...
Bằng uy tín của mình, những người có uy tín có nhiều cách tuyên truyền chính sách dân tộc thiết thực, cụ thể như tuyên truyền vận động dòng họ, người dân trong thôn, bản xóa bỏ các thủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội; vận động đồng bào các dân tộc tham gia các cuộc vận động như: "Xây dựng nông thôn mới", "Đền ơn đáp nghĩa", "Xóa nhà tạm, nhà dột nát trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số"...phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau cùng phát triển, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.
Theo một thống kê, trong 5 năm qua từ 2019-2024, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã tổ chức và tham gia trên 2.300 cuộc vận động, tuyên truyền, hòa giải ở cơ sở. Vận động các hộ dân hiến hơn 4.300 m2 đất để làm đường giao thông, xây dựng trường học, làm nhà văn hóa và xây dựng các công trình điện lưới; hòa giải hàng trăm hộ tranh chấp đất lâm, nông nghiệp...
Mục tiêu tổng quát của Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030” nhằm xây dựng và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn này đi vào nền nếp, thực chất, hiệu quả, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và năng lực sử dụng pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Mục tiêu đối với giai đoạn 1 (năm 2024 và năm 2025) là mỗi thôn, bản, ấp, buôn, phum, sóc... có ít nhất một tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số; trong đó ưu tiên lựa chọn, bồi dưỡng già làng, trưởng thôn, bản, ấp, buôn, phum, sóc, các chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Bảo đảm 100% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; bảo đảm ít nhất 70% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại địa bàn này được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn...
Với vị thế, vai trò đặc biệt của mình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ được coi là lực lượng quần chúng đặc biệt, là điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số.