Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Điện Biên, cho biết: Trong đợt này, phần mềm quản lý tín dụng là thực hiện trong toàn ngành, do vậy các cá nhân là cán bộ ngân hàng, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, Ban đại diện hội đồng quản trị các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác và tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn đều phải chủ động cập nhật để thực hiện thống nhất.
Bà con nhân dân xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cùng Bộ đội Biên phòng và cán bộ chủ chốt các bản dự tập huấn ứng dụng quản lý tín dụng chính sách. |
Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách là một phần mềm hoạt động trên các thiết bị điện tử thông minh sử dụng hệ điều hành Android hoặc IOS nhằm cung cấp thông tin về các phương án tín dụng chính sách xã hội, cơ sở dữ liệu cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng, kết quả kiểm tra đối chiếu cho vay và các văn bản hướng dẫn tín dụng…
Kể từ tháng 11/2024, toàn bộ hệ thống phòng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách.
Qua hai tháng triển khai, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thấy rằng, có sự hỗ trợ của phần mềm, các trưởng ban, thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị cấp tỉnh và huyện, lãnh đạo, cán bộ ngân hàng, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác có thể truy cập và khai thác dữ liệu trực tuyến nhanh chóng, thay thế hoàn toàn phương pháp thủ công trước đây. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, quản lý, điều hành chính sách tín dụng.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Chà hướng dẫn Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách. |
Chị Quàng Thị Dương, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tổ dân phố 1, thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông), cho biết: Thay vì phải mang theo tài liệu dày nặng như trước, bây giờ chúng tôi chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet để thực hiện mọi nghiệp vụ quản lý tín dụng chính sách xã hội. Nhờ ứng dụng này, mọi thông tin giao dịch đều được cập nhật đầy đủ, từ phương án tín dụng cơ sở, cơ sở dữ liệu cho vay, lịch sử trả lãi và gốc của khách hàng, đến kết quả kiểm tra đối chiếu nợ...
Ứng dụng phần mềm tín dụng chính sách không chỉ giúp tổ trưởng nắm rõ dòng tiền và thông tin khách hàng, mà còn hỗ trợ hiệu quả trong việc kiểm soát sau giải ngân, nâng cao chất lượng quản lý và điều hành tín dụng tại cơ sở.
Quàng Thị Dương, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tổ dân phố 1, thị trấn Điện Biên Đông
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên tập huấn, triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách đến các tổ chức nhận ủy thác quản lý vốn vay. |
Với người vay vốn là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao, biên giới, như: Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa, việc áp dụng phần mềm tín dụng chính sách cũng đem lại tiện ích, giúp người dân nâng cao hiểu biết quản lý tài chính, sử dụng vốn hiệu quả đồng thời tăng khả năng tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ tài chính.
Ông Lầu A Già, người vay vốn tín dụng chính sách ở huyện Điện Biên Đông, cho biết: Thực hiện theo phần mềm tín dụng chính sách trên điện thoại tôi thấy thuận tiện, chủ động hơn. Hằng tháng khi đến kỳ trả gốc, trả lãi tôi đều nhận được tin nhắn nhắc hẹn, do đó tôi luôn chủ động tài chính để trả gốc và lãi đúng kỳ. “Có điện thoại nhắc hẹn trả gốc, lãi vay thuận tiện như có người bạn của mình nhắc, thế nên tôi không bị quá hạn như trước nữa” - ông Già vui vẻ cho biết thêm như thế.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn sử dụng ứng dụng đến nhân dân trên địa bàn. Phấn đấu tỷ lệ khách hàng ở Điện Biên Đông thường xuyên ứng dụng phần mềm tín dụng chính sách đạt 100%.
Tại huyện Mường Nhé, cũng từ đầu tháng 11/2024 đến nay đã có 87,2% tổ tiết kiệm vay vốn cài đặt và sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách. Đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có 100% tổ tiết kiệm vay vốn thực hiện giao dịch thu lãi và thu tiền gửi qua ứng dụng phần mềm tín dụng chính sách, tại thời điểm này, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiện ích vượt trội của ứng dụng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dùng cách sử dụng ứng dụng thành thục, hiệu quả.
Hiện nay, 100% tổ tiết kiệm vay vốn trên địa bàn huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) đã cài đặt xong phần mềm tín dụng chính sách; tỷ lệ thường xuyên giao dịch qua ứng dụng đạt hơn 80%.
Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông
Chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mường Nhé, cho biết: Từ khi cài đặt và sử dụng phần mềm Quản lý tín dụng chính sách vào công việc quản lý tình hình vay vốn tín dụng đã giúp cấp hội tiết kiệm thời gian, chủ động hơn trong việc vận động các hội viên trả đúng hạn các khoản vay, hoặc tự theo dõi hồ sơ tài chính, vay vốn, nắm tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại cơ sở.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả ứng dụng quản lý tín dụng chính sách trong toàn ngành, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho tất cả đối tượng người dùng tại 100% xã, phường, thị trấn.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân tiện ích sử dụng phần mềm tín dụng chính sách còn bảo đảm an toàn tài khoản cho người dùng, tiết kiệm thời gian, hiệu quả nâng lên.
Từ khi cài đặt và sử dụng phần mềm Quản lý tín dụng chính sách vào công việc quản lý tình hình vay vốn tín dụng đã giúp cấp hội tiết kiệm thời gian, chủ động hơn trong việc vận động các hội viên trả đúng hạn các khoản vay.
Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mường Nhé