Xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi) bảo đảm tiến độ, chất lượng

NDO - Thời gian tới, cần tập trung xây dựng hai dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi) bảo đảm tiến độ, chất lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động sản xuất miến dong tại Hợp tác xã Tài Hoan, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: TUẤN SƠN)
Lao động sản xuất miến dong tại Hợp tác xã Tài Hoan, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: TUẤN SƠN)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 06/NQ-CP).

Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06/NQ-CP và xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị thuộc, trực thuộc ngành lao động-thương binh và xã hội nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Văn bản yêu cầu phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 06/NQ-CP đến các đơn vị trực thuộc, trực thuộc ngành lao động-thương binh và xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò kiến tạo, quản lý và điều tiết của nhà nước đối với phát triển thị trường lao động.

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá được giao tại Nghị quyết số 06/NQ-CP nhằm phát triển đồng bộ và hiện đại các yếu tố của thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường động; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại; kết nối thị trường lao động trong nước với các thị trường khác.

Kế hoạch cũng nêu rõ 15 nội dung và nhiệm vụ thực hiện.

Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực tiễn và tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp. Tập trung xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 06/NQ-CP để thống nhất nhận thức trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, hoạt động nhằm mục tiêu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội.

Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực tiễn và tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp. Tập trung xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Nghiên cứu, nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế theo các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.

Nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bài ngang, ven biển và hải đảo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững; Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững.

Xây dựng mạng lưới thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai; đầu tư nghiên cứu xây dựng, thường xuyên phân tích và công bố dự báo thị trường lao động theo ngành, nghề, vùng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời hiệu quả các chính sách về lao động-việc làm, an sinh xã hội, cung cấp thông tin thị trường lao động cho học sinh, sinh viên, người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

Nâng cao hiệu quả đào tạo và tạo cơ hội tiếp cận giáo dục, đào tạo với mọi người dân; gắn kết chặt chẽ đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội, phù hợp các giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng lao động quy định tại Nghị quyết số 06/NQ-CP.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc theo hướng tinh gọn, hiệu quả; hình thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tình chất hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa và thống nhất đầu mối quản lý một số trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Thí điểm và triển khai hiệu quả mô hình đào tạo tại doanh nghiệp; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình “Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị và điều kiện bảo đảm chất lượng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20”.

Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương lựa chọn các ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn các ngành, nghề trọng điểm phù hợp từng thời kỳ; xây dựng mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

Hoàn thành tổng kết, đánh giá Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội để làm cơ sở tổ chức xây dựng, triển khai các chính sách an sinh xã hội cho người lao động

Phối hợp các bộ, ngành và địa phương thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại. Chú trọng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để tăng cường kết nối cung-cầu lao động qua nền tảng số.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của lao động.

Phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025".

Phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng và tổ chức các chính sách, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát triển mô hình đào tạo nghề nông nghiệp kết hợp với học văn hóa trung học phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, góp phần đẩy mạnh phân luồng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp.

Triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 5/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này được bố trí trong kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị; lồng ghép trong các chương trình, đề án có liên quan và các nguồn huy động, tài trợ hợp pháp khác của các đơn vị (nếu có).

Thủ trưởng các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch hành động này của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch của đơn vị; trong đó, phải thể hiện bằng các đề án, giải pháp, nhiệm vụ, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể. Định kỳ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Bộ (qua Cục Việc làm) trước ngày 5 tháng 12 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng và báo cáo Chính phủ theo quy định.

Cục Việc làm chủ trì, phối hợp với các đơn vị theo dõi, đôn đốc tình hình tiến độ và kết quả thực hiện Kế hoạch hành động này của Bộ; tổng hợp, báo cáo Bộ tình hình và kết quả thực hiện định kỳ hằng năm trước ngày 15 tháng 12.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ cụ thể, các đơn vị chủ động đề xuất gửi Cục Việc làm tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong bối cảnh kinh tế-xã hội 6 tháng đầu 2023 có nhiều khó khăn, song thị trường lao động nhìn chung tương đối ổn định, các chỉ số thị trường lao động vẫn có sự tăng trưởng nhẹ. Theo đó, cung và cầu lao động đều tăng, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm giảm so với cùng kỳ năm trước và so với quý IV năm 2022.

Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động nữ là 24,51 triệu người, chiếm tỷ lệ 46,86%; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm.

Lao động có việc làm tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm, lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực thành thị là gần 19 triệu người, tăng 355 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 547,1 nghìn người.

Theo báo cáo nhanh từ 52 tỉnh, thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng là gần 500 nghìn lao động (cao hơn nhiều so với số lao động bị mất việc, thôi việc).

Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn ẩn chứa nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà sức cầu của các thị trường đối với các mặt hàng chính của Việt Nam suy giảm, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, làm gia tăng số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm.

Về tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng vẫn bộc lộ một số bất cập và hạn chế. Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.