Dạy nghề giúp giảm nghèo ở Bắc Kạn

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở các vùng quê và giảm nghèo bền vững, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Dạy nghề chăn nuôi tại huyện Na Rì. (Ảnh: THU TRANG)
Dạy nghề chăn nuôi tại huyện Na Rì. (Ảnh: THU TRANG)

Theo thống kê, lao động nông thôn trên địa bàn Bắc Kạn hiện chiếm 75% dân số. Ðể người dân có sinh kế bền vững, tỉnh đã tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

Công tác giáo dục nghề nghiệp đã làm thay đổi nhận thức, cải thiện kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm nhiều người lao động.

Hơn 10 năm làm nghề thợ xây nhưng anh Nông Văn Giáp, thôn Chợ B, xã Côn Minh (Na Rì) chủ yếu làm theo kinh nghiệm học hỏi từ bạn bè nên hiệu quả chưa thật sự cao.

Biết xã mở lớp dạy xây dựng, anh Giáp đăng ký theo học. Hai tháng sau, anh Giáp được cấp chứng chỉ nghề và quan trọng hơn là anh học được cách tính toán vật liệu xây dựng và một số kỹ thuật khó khác.

Điều này giúp anh Giáp nâng cao tay nghề và thu nhập. Trước kia, ngày công lao động của anh thường được trả 200.000 đồng/ngày, nhưng sau học nghề đã tăng lên 300.000 đồng/ngày.

Trong số lao động đã tham gia học nghề toàn huyện Na Rì có nhiều chủ thể của sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao trở lên. Các chủ thể OCOP phát triển tương đối ổn định, một số chủ thể đã vươn lên tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường như miến dong, lạp xường, cam đường canh, cam Xã Đoài, hồng không hạt, các sản phẩm dược liệu…

Dạy nghề giúp giảm nghèo ở Bắc Kạn ảnh 1

Dạy nghề pha chế đồ uống tại thành phố Bắc Kạn. (Ảnh: THU TRANG)

Trong đó nổi bật là sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan đạt 5 sao đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Các chủ thể liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với hơn 2.000 người dân trong vùng sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 nông dân. Kết quả rà soát ban đầu, huyện Na Rì giảm được 3,5% hộ nghèo năm 2024 có phần đóng góp từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Na Rì Nông Thị Diệp, năm 2024, huyện Na Rì mở đào tạo 39 lớp cho 1.365 người lao động, hoàn thành vượt mức 223,8% chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

Phòng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ sở và người dân; tiến hành thu thập thông tin về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp của các đối tượng người lao động trong tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh địa bàn.

Song song với đào tạo nghề, các địa phương cũng lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ cây, con giống cho người dân áp dụng kỹ thuật canh tác, chăn nuôi đã được đào tạo.

Theo Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Na Rì Lý Văn Tuyên, năm 2024 huyện hỗ trợ gà giống cho 180 hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn. Tất cả quy trình khép kín từ cung ứng con giống vật tư đến khâu tiêu thụ, bà con yên tâm không lo đầu ra. Được hỗ trợ toàn bộ con giống, thức ăn nên các hộ thực hiện tốt quy trình chăn nuôi đã được hướng dẫn.

Tại các địa phương khác, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được đẩy mạnh. Kết quả đạt được góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Đối với các địa phương, công tác đào tạo nghề tập trung thực hiện đào tạo nghề dưới 3 tháng đồng thời đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Dạy nghề giúp giảm nghèo ở Bắc Kạn ảnh 3

Dạy nghề tại trường Cao đẳng Bắc Kạn. (Ảnh: THU TRANG)

Theo anh Ma Văn Sơn ở thôn Phiêng Luông, xã Công Bằng (Pác Nặm) chia sẻ, qua lớp học các học viên có thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho vật nuôi. Cùng với lý thuyết thì lớp học dành nhiều thời gian cho thực hành nên sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đều có thể áp dụng ngay vào thực tế của gia đình, giúp nâng cao năng suất, thu nhập.

Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Pác Nặm Hoàng Văn Vỵ, đơn vị đã và đang tập trung phối hợp để đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn giúp người dân nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học. Trong quá trình học, học viên vừa được học lý thuyết vừa được thực hành nên kết thúc khóa học có thể áp dụng các kiến thức vào thực tế sản xuất, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm. Năm 2024, đơn vị thực hiện được 23 lớp đào tạo nghề với 805 học viên.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Kạn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên ở các huyện trong tỉnh đều đã tập trung điều tra, khảo sát nhu cầu của người học để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo; đồng thời xây dựng chương trình theo hướng mở, sát với yêu cầu, nguyện vọng của người học và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Năm 2023, tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 9.147 lao động nông thôn với 15 nghề được triển khai đào tạo. Qua khảo sát nhu cầu từ cơ sở, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho tỉnh xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật thêm 16 nghề mới.

Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn thực hiện kế hoạch tuyển sinh và đào tạo nghề cho 6.000 người (trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 3.000 người); giải quyết việc làm cho 6.400 người; đưa 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 8.000 người…

Từ kết quả đạt được, Bắc Kạn xác định mục tiêu chủ yếu đến năm 2025, giải quyết việc làm cho 6.400 người/năm; số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 700 người/năm; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 8.000 người/năm, trong đó số lao động tìm được việc làm 500 người; hằng năm đào tạo nghề cho 6.000 lượt người trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt từ 50% trở lên.

Hình thức đào tạo được lựa chọn là học đi đôi với hành “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn trực tiếp, đào tạo tại nơi sản xuất, tại các thôn, bản, xã, lấy thực hành là chính.