Điện Biên đạt nhiều thành tựu giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

NDO - Điện Biên là tỉnh miền núi, thuộc diện thụ hưởng cả ba chương trình Mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2025. Do vậy, ngay khi triển khai ba chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện, đúng yêu cầu hướng dẫn của Trung ương và các bộ, ngành.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào dân tộc H'Mông tỉnh Điện Biên thi giã bánh dày trong Ngày Tết truyền thống của dân tộc.
Đồng bào dân tộc H'Mông tỉnh Điện Biên thi giã bánh dày trong Ngày Tết truyền thống của dân tộc.

Chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt

Sau hơn 4 năm triển khai các chương trình, đến nay Điện Biên đã hoàn thành đạt và vượt 11 mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đến năm 2025; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên.

Các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phục hồi và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành một Nghị quyết; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 16 Nghị quyết; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 21 Quyết định, 6 Kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết: Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu cho Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành một Nghị quyết; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 16 Nghị quyết; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 21 Quyết định, 6 Kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; các sở, ban, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã chủ động xây dựng và ban hành các văn bản để triển khai, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

Điện Biên đạt nhiều thành tựu giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ảnh 1

Đồng chí Lê Thành Đô (thứ hai từ trái sang), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên kiểm tra tiến độ thi công dự án giao thông trọng điểm phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên.

Vùng nghèo giảm nghèo ấn tượng

Nhờ có sự vào cuộc toàn diện của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, các ngành, việc sử dụng nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã đem lại kết quả toàn diện, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn tỉnh Điện Biên; đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số tại Điện Biên được nâng lên toàn diện.

Tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên giảm 15,37% (từ 44,95% năm 2021 xuống 29,58% năm 2023; trung bình giảm 5,12%/năm).

Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết: Các chương trình đã mang lại giá trị tích cực về kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của người dân.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giảm 15,37% (từ 44,95% năm 2021 xuống 29,58% năm 2023; trung bình 5,12%/năm); 90,97% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông; 78,7% thôn có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa; 93,2% dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 93,75% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; tỷ lệ học sinh các cấp trong độ tuổi đến trường đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Điện Biên đạt nhiều thành tựu giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ảnh 2

Niềm vui của các gia đình dân tộc H'Mông, Khơ Mú và dân tộc Thái ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên khi được nhận nhà mới trước thềm xuân mới.

Các dự án, nội dung sử dụng vốn đầu tư, điển hình là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), bố trí, ổn định dân cư... mang lại hiệu quả và tính bền vững lâu dài, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, các nội dung, dự án hỗ trợ bằng nguồn vốn sự nghiệp đã có tác động tích cực đối với các hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống của người dân như tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững thúc đẩy công bằng xã hội, bình đẳng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, qua thực tiễn triển khai chương trình đã cho thấy sự tham gia của người dân, các đối tượng hưởng lợi đã có chuyển biến tích cực. Thông qua các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, khuyến khích phát huy tinh thần trách nhiệm và quyền của mỗi người dân đối với việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng, tham gia.

Đồng chí Giàng A Dình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, dẫn chứng: Thay vì thụ động làm theo, thì bây giờ trong mỗi chương trình, dự án, hoạt động ở cơ sở (từ cấp thôn, bản, xã), người dân trực tiếp tham gia từ khâu lập kế hoạch, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung chính sách của Chương trình.

Bên cạnh đó, người dân còn tạo điều kiện, đóng góp các nguồn lực như ngày công lao động, đất đai, tài chính... trong việc triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống.

"Thay vì thụ động làm theo, thì bây giờ trong mỗi chương trình, dự án, hoạt động ở cơ sở (từ cấp thôn, bản, xã), người dân trực tiếp tham gia từ khâu lập kế hoạch, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung chính sách của Chương trình".

Giàng A Dình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên

“Đóng góp từ nguồn lực, công sức của người dân không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho dự án mà còn tạo cảm giác sở hữu, đồng lòng của cộng đồng trong việc duy trì thành quả bền vững mà Chương trình đem lại”, đồng chí Giàng A Dình khẳng định.

Điện Biên đạt nhiều thành tựu giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ảnh 3

Các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nhận tiền chia lợi nhuận từ việc góp đất trồng cao-su.

Năm bài học từ kinh nghiệm thực tiễn

Từ thực tiễn triển khai các chương trình và hiệu quả đạt được, tỉnh Điện Biên rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chương trình và các chương trình dự án trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cho biết: Phải khẳng định trước nhất, quan trọng nhất là vai trò của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải luôn nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tầm quan trọng của Chương trình; từ đó quán triệt sâu rộng về trách nhiệm và vai trò của các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình. Tùy điều kiện từng địa phương, từng cấp, từng thời điểm, người đứng đầu phải có biện pháp triển khai quyết liệt, cụ thể, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra.

... Quan trọng nhất là vai trò của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải luôn nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tầm quan trọng của Chương trình.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô

Điện Biên đạt nhiều thành tựu giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ảnh 4

Trên cánh đồng mẫu lớn ở lòng chảo Mường Thanh, người nông dân vui gánh thóc về.

Quá trình thực hiện, coi trọng công tác tuyên truyền. Ở đây tuyên truyền phải thực chất bằng tấm gương người thực việc thực từ đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của mỗi cá nhân và trong cộng đồng để tích cực tham gia các hoạt động của Chương trình.

Các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì theo lĩnh vực và nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, tham gia phối hợp có hiệu quả, đặc biệt trong việc nghiên cứu tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị, địa phương và người dân.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai trong việc lựa chọn các mục tiêu đầu tư của Chương trình; thực hiện đồng thời các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; tạo nguồn lực tập trung, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư.

Tăng cường phân cấp, phần quyền cho địa phương, cơ sở tạo sự chủ động, linh hoạt, quyết định, lựa chọn, điều chỉnh, bổ sung kịp thời nguồn lực đầu tư bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, hỗ trợ từ chương trình.

Điện Biên đạt nhiều thành tựu giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ảnh 5

Được mùa, cuộc sống ngày càng ấm no, những ngày này bà con đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên hân hoan đón xuân mới về...