Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hà Quảng (Cao Bằng), gia đình bà Hoàng Thị Linh ở xã Tổng Cọt có điều kiện làm chuồng trại nuôi trâu. (Ảnh Trần Việt)
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hà Quảng (Cao Bằng), gia đình bà Hoàng Thị Linh ở xã Tổng Cọt có điều kiện làm chuồng trại nuôi trâu. (Ảnh Trần Việt)

Tạo động lực cho người nghèo vươn lên

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã quyết tâm nỗ lực triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, làm đổi thay bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 năm 2024 đã đạt được một số kết quả tích cực, đời sống người nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn nghèo có bước cải thiện, nâng cao và dự kiến ước thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024.

Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình được phát hiện qua giám sát của Quốc hội đã được Quốc hội, Chính phủ, các địa phương nỗ lực tháo gỡ, hướng dẫn, giải quyết để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 năm 2024, Chương trình góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 1%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%).

Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa phương vùng “lõi nghèo”, vùng Tây Nguyên, các tỉnh phía Tây của Tổ quốc, vùng nghèo, vùng khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn góp phần giảm nghèo bền vững.

Việc tiếp tục thực hiện Chương trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, giữ vững ổn định xã hội, an ninh chính trị ở các địa bàn khó khăn, vùng “lõi nghèo”, khu vực trọng yếu trên phạm vi cả nước.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm; Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm; Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt trung bình 54,1%.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã bám sát và quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành để chỉ đạo tổ chức triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn, bước đầu đạt được kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tạo động lực cho người nghèo vươn lên ảnh 1

Người dân xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đăng ký khám bệnh tại Trạm Y tế xã. (Ảnh PHÙNG THỌ)

Tại tỉnh Phú Thọ, nhờ triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc, đến nay, tình hình kinh tế-xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh cơ bản ổn định.

Năm 2024, toàn tỉnh có 100% trường, lớp học và trạm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng kiên cố; 99,73% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện hợp pháp khác; 97,17% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 96% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; 100% học sinh mẫu giáo 5 tuổi được đến trường; 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Tạo động lực cho người nghèo vươn lên ảnh 2

Công trình xây dựng cầu vượt lũ Suối Cái ở xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2024 đã khắc phục hoàn toàn tình trạng bị cô lập trong mùa mưa lũ, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn. (Ảnh QUỐC ĐẠI)

Trong năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ; tham mưu chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV.

Tạo động lực cho người nghèo vươn lên ảnh 3

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2024. (Ảnh: ĐÌNH HÒA)

Năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ 580 hộ nghèo xây dựng nhà ở, 2.621 hộ chuyển đổi nghề, hơn 16 nghìn hộ sử dụng nước sinh hoạt phân tán; hỗ trợ 6 dự án ổn định dân cư tập trung cho 198 hộ tại các huyện. Tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2,77%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 5,91%.

Tạo động lực cho người nghèo vươn lên ảnh 4

Bà Xa Thị Sinh, xóm Tràm, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) chăn nuôi giống lợn bản địa giúp cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập. (Ảnh Việt Hoa)

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Ban cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ sản xuất phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với quy hoạch, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương. Phấn đấu đạt mục tiêu giảm hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn từ 4-4,5%. Có từ 6 xã trở lên thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Tạo động lực cho người nghèo vươn lên ảnh 5

Nhiều hộ dân ở xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) phát triển nghề nuôi cá lồng đem lại thu nhập khá. (Ảnh: VIỆT HOA)

Tại tỉnh Bình Định, tổng nguồn vốn phân bổ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia từ năm 2022-2024 hơn 782,3 tỷ đồng. Từ đó, tỉnh và các địa phương đã tập trung giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 568 hộ nghèo; đầu tư xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung; xây dựng 149 công trình cơ sở hạ tầng; thực hiện hơn 123 dự án, phương án sản xuất theo các hình thức liên kết chuỗi giá trị, cộng đồng với 2.275 hộ dân tham gia các dự án…

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định thành lập 4 Tổ công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia tại các địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã còn thành lập 817 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để kiểm tra, giám sát các công trình đầu tư cộng đồng được thực hiện theo các Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị, từ năm 2022-2024, các chương trình đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó ngày càng có nhiều mô hình hộ gia đình, nhóm hộ làm kinh tế giỏi, thu nhập cao và ổn định.

Tạo động lực cho người nghèo vươn lên ảnh 6

Hộ nghèo tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nhận bàn giao nhà mới. (Ảnh: MINH TRANG)

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số hằng năm của tỉnh Quảng Trị giảm bình quân 6,92%; 100% xã, thôn bản có điện lưới quốc gia; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% số thôn bản có đường có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học…

Theo thống kê, kết quả giải ngân nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 tỉnh Gia Lai gồm: vốn đầu tư hơn 139,7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 231,9 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10, tổng nguồn vốn đã giải ngân được 177,8 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai còn khoảng 23.884 hộ nghèo, chiếm 6,07%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 21.377 hộ, chiếm 12,71%; kết quả giảm hộ nghèo năm 2024 của tỉnh là 2,04%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,34%. Toàn tỉnh hiện còn 34.546 hộ cận nghèo; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 27.671 hộ cận nghèo, chiếm 16,45%, giảm 0,42% so với năm 2023.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy kết quả thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt mục tiêu nhưng kết quả đạt được chưa thật sự bền vững, bao trùm; vẫn còn 3/6 vùng của cả nước có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao hơn mức bình quân của cả nước.

Để giảm nghèo bền vững, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thay đổi nhận thức của người nghèo là hết sức quan trọng. Bởi vậy, các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo đa chiều bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân, từ đó tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững.

back to top