Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Hàn Quốc.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Hàn Quốc.

Bảo đảm an sinh xã hội cho lao động đi làm việc ở nước ngoài

Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và đang được tích cực triển khai thực hiện. Qua đó, giúp khắc phục việc đóng song trùng bảo hiểm xã hội, tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động của hai nước.

Tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động của Việt Nam và Hàn Quốc

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết, việc ký kết Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Hiệp định) là cần thiết để khắc phục vấn đề đóng song trùng, đồng thời hướng tới ghi nhận, tính cộng gộp thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động ở cả Việt Nam và Hàn Quốc.

Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc được xây dựng theo nội dung của một hiệp định toàn diện với kết cấu gồm 5 phần, 24 điều.

Đây là thông tin được ông Nam chia sẻ tại hội nghị thông tin, triển khai thực hiện Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội diễn ra mới đây.

Nói về một số nội dung cơ bản của Hiệp định và các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 về đàm phán, ký kết các Hiệp định, ông Trần Hải Nam nêu rõ, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 của Việt Nam có quy định: người lao động là công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; và “người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ”. Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định: “Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Luật Hưu trí quốc gia Hàn Quốc có quy định nguyên tắc “có đi có lại”: Người nước ngoài từ 18-60 tuổi, sinh sống và làm việc trong doanh nghiệp tại Hàn Quốc có thể tham gia vào Chương trình hưu trí quốc gia giống như người Hàn Quốc bản xứ. Tuy nhiên, nếu luật pháp tại nước bản địa của người nước ngoài đó mà không cho phép người Hàn Quốc tham gia vào Chương trình hưu trí của nước mà người Hàn Quốc đến, làm việc thì người nước ngoài đó cũng không thể tham gia vào Chương trình hưu trí quốc gia của Hàn Quốc.

Như vậy, với các quy định nêu trên, người lao động Việt Nam và Hàn Quốc sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội ở cả Việt Nam và Hàn Quốc. Việc ký kết Hiệp định trên là cần thiết để khắc phục vấn đề đóng song trùng, tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động hai nước.

Bảo đảm an sinh xã hội cho lao động đi làm việc ở nước ngoài ảnh 1
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan và Thứ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kim Hyejin ký thỏa thuận hành chính giữa hai bộ để triển khai Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về bảo hiểm xã hội, ngày 8/12/2023, tại Seoul.(Ảnh: Molisa).

Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc được xây dựng theo nội dung của một hiệp định toàn diện với kết cấu gồm 5 phần, 24 điều.

Phạm vi áp dụng đối với Việt Nam là Luật Bảo hiểm xã hội (chỉ áp dụng với hai chế độ hưu trí và tử tuất), đối với Hàn Quốc là Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc.

Đối tượng áp dụng là người lao động là công dân Việt Nam, người lao động là công dân Hàn Quốc và thân nhân, hoặc người thừa kế của những người này theo quy định của pháp luật mỗi nước.

Về quy định tránh đóng bảo hiểm xã hội hai lần, đối với lao động phái cử, người lao động của một bên ký kết được cử đi làm việc ở bên ký kết còn lại thì chỉ áp dụng pháp luật của bên ký kết đầu tiên trong thời gian 60 tháng đầu và có thể kéo dài thêm không quá 36 tháng. Hết thời gian trên, sẽ chỉ áp dụng pháp luật của nước người lao động đến làm việc.

Đối với lao động tuyển dụng tại chỗ, người lao động của một bên ký kết đang tạm sinh sống và được tuyển dụng bởi người sử dụng lao động ở bên ký kết còn lại thì chỉ áp dụng pháp luật của bên ký kết còn lại. Riêng đối với người lao động là công dân Hàn Quốc được người sử dụng lao động tại Việt Nam tuyển dụng làm việc tại Việt Nam, chỉ áp dụng pháp luật của Hàn Quốc trong thời gian không quá 60 tháng.

Về cộng gộp thời gian tham gia và tính hưởng bảo hiểm xã hội, Hiệp định quy định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để tính hưởng quyền lợi hưu trí là tổng các khoảng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đã được ghi nhận theo pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc, không bao gồm thời gian trùng (nếu có). Việc tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định pháp luật của mỗi bên ký kết.

Phạm vi áp dụng đối với Việt Nam là Luật Bảo hiểm xã hội (chỉ áp dụng với hai chế độ hưu trí và tử tuất), đối với Hàn Quốc là Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc.

Vì mục tiêu an sinh xã hội lâu dài

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong năm ngoái, số lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc tăng cao, đạt hơn 11,6 nghìn người, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Riêng lao động phái cử theo chương trình cấp phép cho lao động ngoài nước của Hàn Quốc (chương trình EPS) là 10.900 người. Qua 7 tháng đầu năm 2024, gần 5.800 lao động xuất cảnh sang làm việc thị trường Hàn Quốc.

Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong kỳ thi tiếng Hàn Quốc tổ chức trong năm 2024, có 44.983 lao động tham gia, trong khi số chỉ tiêu tuyển chọn được phía Hàn Quốc công bố là 15.374 cho 4 ngành (sản xuất chế tạo: 11.246 người; xây dựng: 200 người; nông nghiệp: 895 người; ngư nghiệp: 3.033 người).

Bà Lan nhận xét, năm 2024 là thời điểm khá khác biệt trong khoảng gần 12 năm trở lại đây khi số lượng lao động đăng ký thi tiếng Hàn tăng đột biến. Kỳ thi tiếng Hàn năm 2024 tiếp nhận gần 45 nghìn hồ sơ, cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây. Điều này có thể thấy, mong muốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của người lao động tại Hàn Quốc - thị trường có mức thu nhập cao trong hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam - rất lớn.

Tiến sĩ Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay, chúng ta đã mất 6 năm để ký kết được Hiệp định Việt Nam-Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội. Đây cũng là hiệp định song phương đầu tiên về lĩnh vực bảo hiểm xã hội của Việt Nam. Trong thời gian tới, khi triển khai ký kết hiệp định với các nước khác, thông qua các phiên họp kỹ thuật tìm hiểu kỹ pháp luật về bảo hiểm xã hội giữa hai nước trước khi đàm phán, và đặc biệt trên nền Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 mới được Quốc hội nước ta thông qua, thời gian đàm phán và ký kết sẽ ngắn hơn. Hiệp định được áp dụng và có hiệu lực sớm hơn nhằm đáp ứng kịp thời mong mỏi của người lao động, người sử dụng lao động cả ở Việt Nam và ở nước đàm phán với Việt Nam.

Hợp tác trong lĩnh vực phái cử và tiếp nhận lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức bắt đầu từ năm 1993 thông qua chương trình hợp tác cung ứng và sử dụng lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã nhiều lần ký thỏa thuận hợp tác. Đến nay, đây là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao và môi trường làm việc tốt.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có 66.300 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo 4 kênh hợp tác là: Chương trình EPS (thị thực E9), lao động chuyên môn kỹ thuật (thị thực E7), thuyền viên tàu cá (thị thực E10) và lao động thời vụ (thị thực C4 và E8). Số lao động Việt Nam cư trú, làm việc không hợp pháp giảm dần.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc được đánh giá có kỹ năng nghề tốt, chăm chỉ và hòa nhập nhanh, người lao động được làm việc trong môi trường hiện đại, được rèn luyện tác phong, kỷ luật lao động với mục tiêu trở thành nguồn nhân lực hữu ích cho Việt Nam sau khi về nước. Đây cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

* Ngày 14/12/2021, tại Seoul (Hàn Quốc), thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc Kwon Deok-cheol đã ký kết Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội.

Ngày 24/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc phê duyệt Hiệp định.

Ngày 25/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 436/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định.

Ngày 8/12/2023, tại Seoul (Hàn Quốc), Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan và Thứ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kim Hyejin đã ký Thỏa thuận hành chính về việc triển khai Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ hai nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

back to top