Dù những ngày tháng đối mặt với dịch Covid-19 đã qua đi, nhưng cũng đã để lại trong lòng những bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học thật nhiều trăn trở. Năm học sinh gồm Nguyễn Minh Hải, lớp 10A3 Tin học; Phương Gia Phong, lớp 10A1 Vật lý, đều ở Trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên; Lê Trọng Hùng, lớp 12N1, Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành; Bùi Lê Minh, lớp 11 Tin học, Trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ và Vũ Ðỗ Minh Trí, lớp 9 Học viện Cushing (Mỹ) đã bàn luận với nhau về tầm quan trọng của vắc-xin, việc bảo quản và vận chuyển vắc-xin, nhất là tới các vùng xa xôi, địa hình phức tạp còn gặp nhiều trở ngại.
Các thiết bị vận chuyển còn cồng kềnh, công suất lớn hoặc không thể duy trì nhiệt độ dưới 0o C bằng nước đá. Trong khi, hầu hết các loại vắc-xin phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ khi sản xuất tới khi sử dụng, thường yêu cầu duy trì nhiệt độ từ 2 đến 8o C. Một số loại vắc-xin còn cần bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn.
Nhóm bạn trẻ cũng đánh giá, hiện nay đã có nhiều sáng kiến về thiết bị vận chuyển vắc-xin liên quan, nhưng vẫn còn hạn chế và có thể cải tiến để hoàn thiện hơn. Xuất phát từ mong muốn giải quyết những vấn đề này, đóng góp một phần công sức của mình cho xã hội, cả nhóm đã dành thời gian, tâm trí, say sưa nghiên cứu đề tài khoa học “Dùng vật liệu nhiệt điện để chế tạo thùng bảo quản, giữ nhiệt dùng cho vận chuyển vắc-xin tới các vùng núi của Việt Nam” dưới sự hướng dẫn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Cao Khang (Trường đại học Sư phạm Hà Nội).
Sản phẩm của nhóm là tủ bảo quản và vận chuyển vắc-xin bằng cách sử dụng hệ thống làm mát nhiệt điện (TEC), có khả năng bảo quản các loại vắc-xin khác nhau và duy trì nhiệt độ mong muốn trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nhóm cũng hướng tới thiết bị sử dụng năng lượng thấp, thân thiện với môi trường và có kích thước thuận tiện vận chuyển. Cả nhóm hy vọng, đây sẽ là một trong những giải pháp hữu ích để có thể vận chuyển vắc-xin đi tới tất cả mọi vùng miền, nhất là những nơi có địa hình đồi núi phức tạp.
Cuối tháng 7/2023, nhóm đã mang đề tài khoa học này thuyết trình và bảo vệ tại Olympic Phát minh và Sáng chế khoa học quốc tế lần thứ 12 năm 2023 (WICO 2023). Cuộc thi năm nay thu hút hơn 1.250 thí sinh đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ tới Hàn Quốc tham gia tranh tài. Vượt lên nhiều đề tài nghiên cứu khác, phát minh sáng chế của nhóm đã được Ban tổ chức đánh giá cao về giá trị thực tiễn cho xã hội và trao Huy chương vàng.
Olympic Phát minh và Sáng chế khoa học quốc tế (WICO) là cuộc thi dành cho các nhóm học sinh phổ thông với những phát minh và sáng chế thực tiễn. Cuộc thi được tổ chức hằng năm bởi Hiệp hội Sáng chế Ðại học Hàn Quốc (KUIA), Quốc hội Hàn Quốc công nhận và tài trợ.
Nguyễn Cao Khang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (Trường đại học Sư phạm Hà Nội).
Cuộc thi nhằm khơi gợi năng khiếu và niềm yêu thích khoa học kỹ thuật, cũng như thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa học sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. “Việc xuất sắc giành Huy chương vàng trong cuộc thi năm nay là sự cổ vũ, khuyến khích lớn để các em tự tin, đam mê nghiên cứu khoa học, phát triển bản thân và tiến bước trên con đường học tập”, thầy Nguyễn Cao Khang nhấn mạnh.