"Tiệm giặt là hạnh phúc" của cô gái khiếm thính

Không có khả năng nghe thấy âm thanh, nhưng Lương Thị Kiều Thúy (sinh năm 1991) lại làm được những điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Cô gái trẻ đã gây dựng thành công cơ sở giặt là tạo việc làm, dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ và truyền cảm hứng đến cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Lương Thị Kiều Thúy (người đứng giữa) trao đổi công việc cùng các đồng nghiệp.
Lương Thị Kiều Thúy (người đứng giữa) trao đổi công việc cùng các đồng nghiệp.

Thúy không bị khiếm thính bẩm sinh, mà khi lớn lên đi học khả năng nghe cứ dần kém đi. "Khi mang thai mình, mẹ đã dùng nhiều thuốc kháng sinh. Dần dần, mẹ điếc hẳn còn mình thì…", Thúy bỏ lửng câu nói. Cô gái trẻ thi đỗ Trường cao đẳng Truyền hình, chuyên ngành báo chí. Tốt nghiệp ra trường, Thúy lập gia đình rồi sinh con, nhưng sức nghe ngày càng kém cho nên phải chuyển nghề để mưu sinh.

Năm 2019, Thúy quyết định nghỉ việc chăm sóc khách hàng để trải nghiệm công việc giặt là. Cô gái trẻ được trao cơ hội làm chủ một cửa hàng giặt là. Không có lương cứng, cô phải tự tìm kiếm và xây dựng lòng tin từ khách hàng, tự trả lương cho mình bằng doanh thu. Thu nhập không mấy khả quan khiến Thúy nhận ra rằng, công việc phù hợp với khả năng nhưng lại không có hệ thống để duy trì lợi nhuận. Cô xin vào làm cho một cơ sở giặt là lớn từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua nhượng quyền kinh doanh để học hỏi kinh nghiệm.

Trước đó, Thúy được tin tưởng giao nhiệm vụ làm lễ tân, vận hành máy kiêm nhiệm quản lý nhân viên giao-nhận cho cửa hàng. Ở vị trí này cô gái trẻ được đào tạo vận hành giặt là và có nhiều kinh nghiệm từ công việc. Từ đó, Thúy xây dựng bộ tài liệu giảng dạy về quy trình giặt là, cách quản lý và hệ thống hóa quy trình tại cửa hàng để công việc diễn ra trơn tru nhất cho người điếc.

Là người năng động, nhanh nhạy và không chịu ngồi yên, Thúy luôn tìm cho mình cơ hội được học tập, được tham gia vào các hoạt động vì người khuyết tật. Cô tham gia khóa tập huấn về khởi nghiệp kinh doanh trong dự án "Nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho người khuyết tật" do Quỹ Abilis Phần Lan tại Việt Nam tổ chức. Sau khi trải nghiệm, tích lũy kiến thức, Thúy quyết tâm phải xây dựng một mô hình thông minh, tạo cơ hội việc làm cho người khiếm thính và sử dụng lợi nhuận để phát triển cộng đồng bền vững.

Năm 2020, ý tưởng kinh doanh "Giặt là sáng" vinh dự nhận giải thưởng "Cánh én vàng" tại cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và giải "Best performance" trong chương trình Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội (Youth co:lab) do UNDP tổ chức.

Tháng 12/2020, may mắn mỉm cười với Thúy khi cô liên danh cùng chuỗi nhượng quyền "Giặt ký" đầu tư với số vốn 101 triệu đồng và ra đời "Tiệm giặt là của người điếc" đầu tiên tại ven bờ sông Sét, phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Toàn bộ nhân viên trong cửa hàng đều là người khiếm thính, quy trình giao tiếp với khách hàng được thiết kế đặc biệt để vận hành trơn tru. Ðáng chú ý, hoạt động của cửa hàng được hỗ trợ đắc lực bằng nhiều ứng dụng công nghệ như Zalo, Facebook… Chính điều này khiến những khiếm khuyết vốn có của người điếc không còn là trở ngại.

Chỉ sau gần một năm, "Tiệm giặt là của người điếc" đã tiếp nhận hơn 1.000 lượt khách hàng, giúp những người điếc và khiếm thính dần ổn định về việc làm, thu nhập. Doanh thu hằng ngày của tiệm đạt khoảng gần 1,5 triệu đồng. Nhiều người đồng cảnh ngộ gọi vui đây là "tiệm giặt là hạnh phúc" vì không chỉ tạo việc làm cho những người yếu thế, mà còn giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống. Ngoài cơ sở đầu tiên ở số 7 bờ sông Sét, "Tiệm giặt là của người điếc", hiện mới có thêm một cơ sở khác tại ngõ 41 đường Láng (phường Ngã Tư Sở, quận Ðống Ða, Hà Nội).

Ðể có thành quả đó, Thúy đã trải qua không ít khó khăn, nhất là thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, bằng nghị lực và khát khao thể hiện bản thân, cô gái trẻ đã vượt qua tất cả. Thúy kiên trì với ước mơ xây dựng mô hình "nhượng quyền kinh doanh xã hội" trên quy mô toàn quốc. Một mô hình mới với người khuyết tật, nhưng nếu thành công sẽ giúp cô gái trẻ thể hiện đam mê cống hiến cho cộng đồng của mình.